Gò Bà Thắm
An Yên
P2
Chuyển xong hướng cổng, đặt lại hướng bàn thờ, con đâu chả thấy, chỉ thấy đùng một cái Kim đổ bệnh nặng. Đi mời một thầy khác về, té ra gã thầy đầu tiên là hàng giá áo túi cơm. Mất thêm bao tiền cầu cúng, lại đặt lại hướng phong thuỷ, cùng bao thuốc thang đắp vào Kim mới đỡ bệnh phần nào. Sau đận đó, Tạo động viên vợ:
– Thôi mình ạ, con cái nó là lộc trời, có cưỡng cầu cũng không được. Từ rày trở đi, hai vợ chồng mình có sao sống vậy. Tôi thì tôi chỉ cần mình mạnh khoẻ là tôi thấy đủ lắm rồi.
Cũng sau lần Kim đổ bệnh thập tử nhất sinh đó, bao nhiêu tiền của tích cóp lâu nay cũng mất sạch. Thành ra độ này, ngoài việc bốc thuốc chữa bệnh, Tạo còn năng lên núi tìm thuốc quý. Cứ độ ba tháng Tạo lại đánh một chuyến đi bán. Có khi đi gần thì sang đến mấy làng kế bên, có khi đi xa như chuyến hàng hôm nay thì đến tận tổng khác.
Đường xá những năm ấy đi lại rất khó khăn, hầu hết đều là đường rừng gập ghềnh sỏi đá, có khi lại là những bãi hoang cỏ mọc um tùm, rắn rết kéo bầy. Đường đi đã trắc trở như thế, vậy mà từ tổng này sang đến tổng khác lại xa nhau đến năm sáu chục dặm. Tính ra cả đi lần về cũng rất tốn thời gian.
Quay trở lại câu chuyện khi ấy, nghe vợ thủ thỉ, Tạo bật cười bảo:
– Ô hay, tôi đem thuốc sang tổng bên chứ có đi đâu mất đâu mà mình lo vậy.
Kim ngồi thẳng dậy, khẽ đánh ánh mắt nhìn ra ngoài màn đêm dày đặc sương và lắc đầu:
– Vì mình phải đi qua gò bà Thắm. Nơi đó có cái đầm hoang. Mình ơi, em sợ lắm.
Nghe nhắc đến cái đầm hoang nơi gò bà Thắm, Tạo cũng chợt rùng mình. Nhấp thêm bát trà còn ấm, ký ức kéo Tạo về câu chuyện chiều hôm qua.
Chiều qua, nhân lúc từ nhà cụ chánh trở về, Tạo đảo chân vào nhà bà Nhậm hàng xóm. Vào đến nơi, thấy bà Nhậm đang vãi thóc cho gà ăn, Tạo hắng giọng đánh động. Dõi mắt ra, thấy Tạo đang đi từ cổng vào, bà Nhậm móm mém lên tiếng:
– Nhà Tạo đấy hử, đi đâu mới về? Vào đây vào đây.
Hạ mình ngồi xuống cái chõng tre rợp bóng bởi dàn mướp giăng trên đầu. Tạo đón lấy bát nước Vối bà Nhậm mới đưa.
– Vâng, con xin cụ. Con mới ở bên nhà cụ chánh về. Làng ta đang bàn nhau việc khơi thông mương máng dẫn nước vào ruộng. Độ rày con sông cạn quá cụ ạ.
Bà Nhậm hạ mình ngồi xuống bên cạnh Tạo. Khẽ ngẩng mặt nhìn nền trời trong vắt không một đám mây, bà cụ chép miệng:
– Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa. Đêm qua xem con trăng tao đã đoán rồi, đận này khéo hạn to. Thế nhà con Kim nó thế nào rồi? Tao thấy có vẻ nó đỡ hơn rồi đấy nhỉ.
Tạo hớp một ngụm nước, làm mặt hoan hỉ bảo:
– Vâng, nhà con cũng đỡ rồi. Con sang cụ cũng vì sự ấy. Sáng mai con đánh chuyến hàng đi xa, con nhờ cụ ở nhà để mắt đến nhà con với.
Bà cụ Nhậm móm mém gật đầu:
– Nhà mày chẳng cần dặn thì tao cũng trông cho. Thế độ rày đi mau lâu?
Tạo chép miệng:
– Đận này con đi sang tổng Yên Viên. Nhanh thì nửa tuần trăng, chậm nhất tháng sau con về thưa cụ!
Bà cụ Nhậm thốt lên khe khẽ:
– Nhà mày bảo sang tổng Yên Viên? Vậy chắc chắn phải qua gò bà Thắm, nơi có cái đầm hoang đó?
Tạo vốn đã nghe dân làng xì xào về cái đầm hoang, nơi có giống quỷ ma dìm chết biết bao người. Song tính Tạo vốn chẳng sợ ma, dù ngoài mặt vẫn hùa theo câu chuyện song trong lòng lại cực lực bài trừ thói mê tín dị đoan. Tạo nhấp thêm ngụm nước Vối, khẽ nhìn cụ Nhậm rồi đáp nhẹ tênh:
– Cụ bảo đường sang tổng Yên Viên không đi qua đó thì đi qua đâu? Mà sao mỗi lần nhắc đến cái đầm hoang đó, dân trong làng mình đều như nghe thấy điềm gở vậy cụ? Con đây này, thằng Tạo này đã bao lần đánh hàng qua đó mà có thấy gì đâu? Ma ấy hả? Làm gì có đâu cụ. Con là con vẫn mong được diện kiến một lần xem mặt mũi nó ra làm sao mà không được.
Bà cụ Nhậm thảng thốt xua tay:
– Chết thật, phỉ phui cái mồm quạ nhà mày. Đành rằng mày đi đánh hàng qua đó nhưng là đi ban ngày, còn đi đêm về hôm thì….
Bà cụ Nhậm bỏ lửng câu nói, nét mặt hiện rõ nét hoảng sợ không sao che dấu. Dừng mấy nhịp thở, bà cụ hỏi dò bằng giọng run run:
– Mày có biết thằng Thế ở làng bên không? Cái thằng thọt chân, râu rậm đấy.
Tạo cau mày lục tìm trí nhớ rồi gật đầu:
– Con biết thưa cụ, có phải cái thằng đem lễ hỏi sang dạm ngõ nhà cô Lành làng ta và bị từ chối không cụ?
Bà cụ Nhậm gật đầu như bổ củi:
– Phải phải. Chính nó đấy. Cũng như mày, nó chẳng tin vào việc quỷ ma lộng hành ở cái đầm hoang đó. Nửa đêm gà gáy canh ba, theo sự thách thức của đám cùng làng, nó mò ra đó rồi bày cơm cúng ma. Đận mày đánh hàng đi sang làng Yên Hạ là nó hộc máu chết ở nhà đấy. Chết tươi ngay tại mâm cơm. Đáng sợ lắm.
Tạo rùng mình:
– Thật thế hả cụ? Sao bảo nó trúng gió chết?
Bà cụ Nhậm cãi lý:
– Trúng gió gì mà hộc cả mấy bát máu, đã thế trước khi hộc máu còn đập phá đồ đạc, đạp đổ bát nhang. Ma, chỉ có ma nó làm thôi.
Tạo tái mặt phán đoán:
– Bẩm cụ, chẳng lẽ hồn ma bà Thắm đã hoá quỷ thật sao? Dạo còn bé, con cũng nghe thầy bu con kể, rằng ở đó từng có việc gì đáng sợ lắm. Hình như cái tên gò bà Thắm cũng xuất phát từ đó phải không cụ?
Bà cụ Nhậm như chạm đúng nọc, chỉ chờ Tạo hỏi thế là bắt đầu lôi gốc tích của gò bà Thắm và cái đầm hoang đó ra thuật lại rạch ròi.
Ba mươi lăm năm trước, dạo Tạo còn chưa là một sinh linh thành hình, làng Yên Lăng này dạo đó mới có gần một trăm nóc nhà. Nhà cửa thưa thớt, dân cư độ khoảng năm trăm lại sống rải rác nên mỗi nhà cách nhau đúng bằng một tiếng hú. Dạo đó ông Nhậm còn sống, là hàng xóm cách nhau đúng một hàng rào Dâm Bụt, thành ra gia đình ông lang Thìn và gia đình bà Nhậm năng qua lại nhà nhau.
Theo lời kể của bà cụ Nhậm dạo ấy, đất làng này cò bay thẳng cánh, lúc mạ mới lên thì xanh ngút ngát tầm mắt nhìn chẳng thấy đường chân trời. Đất ruộng nhiều, dân cư thì thưa thớt. Xóm nào đông nhất cũng chỉ có khoảng ba mươi nóc nhà. Người sống thì ít hơn người chết. Những xác người nằm rải rác khắp nơi, không mồ mả, lạnh lẽo trong đất những dìa xâm xấp nước, những gò hoang tối tối đầy đốm lửa, lửa ma trơi.
Dạo ấy làng này từ xa xưa đã chiến tranh giặc giã, xương người lúc cày ruộng vẫn thường bật lên. Dân cũng làm ngơ, coi như là xương con này con kia, cho đỡ sợ. Ngay cả ông lang Thìn dạo mới về làng này sinh sống, khi cùng đám người móc đất đắp nền cũng moi được từng khúc, từng khúc xương vùi trong bùn lạnh.
Thấy họ sợ, ông lang trấn an, bảo là xương trâu.
– Đám len trâu lùa cả bầy trăm con đi ngang qua, chết rồi bỏ xác luôn là chuyện thường, riết rồi đi đâu cũng gặp xương.
Nói vậy, nhưng đợi họ về hết, ông lang Thìn cùng ông Nhậm cẩn thận gom lại, bỏ vào một cái hũ sành, khi xong việc đắp nền thì hũ sành cũng gần đầy. Hai người đàn ông mang qua nghĩa địa cạnh nhà đào hố chôn, đắp mô đất nhỏ, đặt bát hương và khấn xin tha thứ.
– Đấy, tao kể sơ qua thế để nhà mày hiểu sự thâm u của ngôi làng và vùng đất này. Nhưng điều đó nào có đáng sợ bằng sự xuất hiện của mụ ta. Mụ Thắm đấy, mụ đàn bà ăn thịt người đấy. Không ai biết mụ ta từ đâu dạt đến, nghe mấy người già trong làng đoán với nhau rằng mụ ta ở bên thượng Miên qua vì da mụ ta đen lắm, lưng thì gù và mặc đồ có hoa văn rất kì lạ. Đã vậy còn đem theo thằng cháu ngờ nghệch lúc nào cũng nhe răng ra cười.
Tạo sởn gai ốc:
– Cụ bảo sao? Mụ đàn bà ăn thịt người?