Chương 14: Cô dâu ma
Ngày đẹp cũng đã tới. Ông Phong hoan hỉ vui mừng ra mặt. Từ hôm nay ông sẽ có thêm một người vợ mới, trẻ trung xinh đẹp, lại xuất thân danh giá. Cao Thanh Ngọc từ khi mới lớn đã được mọi người khen ngợi bằng nhiều mỹ từ như “đẹp như tiên giáng trần”, “đẹp nghiêng nước nghiêng thành”, “đẹp đến mức hoa nhường nguyệt thẹn”, đến nỗi các bậc bô lão trong làng còn đánh giá nàng là “người con gái xinh đẹp nhất của làng Vạn” từ khi làng có ranh giới riêng còn gì. Ông bà Cao khi còn sống đã rất tự hào về Ngọc, nhưng chỉ tiếc rằng số phận nàng thật quá bi thảm, chỉ vì mối thù nhà mà chấp nhận đánh đổi với quỷ dữ. Mọi khi Cao Thanh Ngọc đã rất xinh đẹp, nhưng hôm nay nàng lại càng đẹp hơn, đến nỗi hai người con trai của ông Phong cũng không rời được mắt khỏi nàng. Ông Thanh thì chỉ liếc trộm Ngọc vài cái thôi, chắc bản thân ông ta cũng có một điều gì đó dè chừng từ sau cái chết của Chi và sự điên dại của Quế. Còn ông Linh thì trong lòng rất hậm hực, thầm oán thán bố vì đã đoạt mất người con gái ông ta thích từ lâu. Một phần cũng vì thích Ngọc nên ông ta mới hạ quyết tâm tiêu diệt nốt ông Viên, nhưng không ngờ “thành quả” của ông ta bị chính bố ruột đoạt mất. Nhưng là phận con, đâu có dám phản đối hay sát hại bố mình? Ông ta chỉ còn biết nói với mẹ để mong mẹ có thể ngăn cản bố, nhưng vô ích. Dù là vợ, nhưng bà cũng không thể ngăn cản nổi ham muốn của chồng mình với một cô gái chỉ đáng tuổi con cháu, với lại thế lực của nhà họ Nguyễn rất lớn, tuy không có chức tước gì nhưng ông Phong có địa vị ngang hàng với các ông lý, ông nghị… nên bà đâu có thể làm gì được? Bà chỉ dám thầm oán trách những điều chồng và hai đứa con trai bà đã làm. Ngày đêm bà khấn nguyện cầu xin tổ tiên bảo vệ cho những đứa cháu của bà, bởi bà nghe thầy trên phố huyện nói rằng, các con và cháu bà sẽ bị ảnh hưởng bởi những điều cha ông chúng gây ra, nhẹ thì phát điên phát cuồng, nặng thì trả giá bằng cả tính mạng. Nhưng bản thân chồng và hai đứa con trai của bà cũng không tránh khỏi hoạ sát thân. Bà đã rất sợ hãi và hỏi thầy liệu có cách nào có thể giúp được gia đình bà tai qua nạn khỏi không thì ông thầy cũng lắc đầu. Ông ta nói bằng một giọng nghiêm nghị:
– Ngay từ đầu tôi đã nói vận số của gia đình bà đã hết rồi, không có cách nào thoát khỏi số mệnh được. Ngày bắt đầu của chuỗi tai hoạ giáng xuống gia đình bà là ngày hỉ của chồng bà và một cô gái mà ông ta và cả hai người con trai không được phép động vào dù có ham muốn như thế nào đi chăng nữa. Ngay từ ngày ra đời, cô ta đã lãnh vận mệnh trả thù cho gia đình mình. Tôi chỉ nói cho bà biết vậy thôi, còn bà không thể thay đổi bất cứ điều gì đâu. Nhưng nếu bà cố gắng làm nhiều việc tốt thì may ra một đứa cháu của bà có thể thoát khỏi vận mệnh chết chóc giống các anh chị em của nó.
Lời thầy nói lúc nào cũng văng vẳng trong đầu bà Phúc (bà nội Tùng). Bà luôn cố gắng làm nhiều điều tốt để mong cứu vớt được số phận cho những đứa cháu tội nghiệp. Nhìn ánh mắt chúng ngây thơ, bà thật sự rất oán hận chồng nhưng bà lại không thể làm gì để cảm hoá được ông. Dòng máu độc ác trong người ông cũng truyền lại cho hai đứa con nên bà đã nhiều lần khóc cạn nước mắt mong chúng chùn tay lại nhưng vô ích. Rồi ngày hôm nay cũng tới. Trước đó bà đã nghe dân làng rồi những người hầu trong nhà bàn tán về việc chồng bà đang để mắt tới tiểu thư nhà họ Cao, bà đã vặn hỏi chồng nhưng bị ông gạt đi. Khi bà nói Ngọc chỉ đáng tuổi con cháu thì ông cũng bỏ ngoài tai. Tóm lại, trong mắt ông, bà từ lâu đã không còn giá trị nữa rồi. Bản thân bà không có thù hận gì với nhà họ Cao nên khi hai người con trai của bên ấy chết, chính bà đã cho người chôn cất và làm lễ cầu siêu cho họ tử tế. Thậm chí bà còn lén lút giấu chồng con đi thăm nuôi ông Cao Văn Duy trong tù. Nhưng dù bà có làm gì đi chăng nữa, số mệnh vẫn không thay đổi. Pháo hoa nổ đỏ rực rỡ khắp làng trên xóm dưới. Bà con dân làng Vạn thì lại được một dịp đồn đại đàm tiếu. Trẻ em thì nô nức như được đón Tết. Những đứa trẻ nhà họ Nguyễn, nhỏ thì vui vẻ hào hứng mặc quần áo mới, lớn thì không vui mừng hồn nhiên, bởi chúng hiểu những gì đang xảy ra xung quanh việc ông chúng lấy thêm vợ. Cái An lầm lì nói với thằng Minh và cái Huyền:
– Ông già rồi mà còn lấy vợ. Ông là người xấu.
Tuy không phải chị cả nhưng là đứa lớn tuổi nhất trong gia đình nên An chống đối ra mặt. Huyền và Minh đương nhiên theo phe nó. Tùng thì thích chơi với Minh nên tất nhiên cũng nghe theo An. Chúng không vây quanh ông nội như trước đây nữa, dù ông vẫn ôm ấp dỗ dành chúng ngon ngọt. Bà Phúc thì chỉ nạt nhẹ:
– Việc người lớn. Trẻ con biết gì. Không được nói lung tung. Ngoan bà cho kẹo.
Miệng thì nói vậy, nhưng bà thương chúng lắm. Nào chúng có làm gì nên tội. Và bà cũng không thể gọi thông gia đưa chúng về bên ngoại được, bởi làm thế khác gì không nể mặt chồng. Trong nhà đã rối ren lắm rồi, nhưng bên ngoài cũng phức tạp không kém. Họ đồn thổi, phán xét, nói những câu ác ý:
– Này, tại sao lại phải rước dâu vào buổi tối nhỉ?
– Cái lão già nhà họ Nguyễn đúng là già mà không nên nết. Già rồi mà còn làm những việc trái luân thường đạo lý.
– Con bé Ngọc xem ra cũng chẳng tốt đẹp gì. Bố và các anh trai gặp hoạ, chắc không chịu được khổ sở nên mới đồng ý làm vợ bé cho một ông già đáng tuổi bố mình.
– …
– Chúng ta qua nhà họ Cao xem đi. Xem con bé Ngọc hôm nay trông như thế nào.
– Ừ phải đấy đi thôi.
Nói rồi những người dân hiếu kì rồng rắn sang nhà họ Cao, chờ xem mặt cô dâu. Nhà họ Nguyễn đã cho mang sang những sính lễ có giá trị. Bà vú già cũng theo Ngọc về bên nhà chồng. Trong buồng lúc này chỉ còn bà và cô gái bất hạnh mà bà đã yêu thương chăm sóc từ thuở bé. Bà e dè hỏi cô:
– Xong chưa con?
– Con xong rồi. Tiếng nói sắc lạnh vang lên.
– Ừ. Vậy thì đưa tay cho vú nào.
Bà vú già nắm lấy tay Ngọc, dìu cô đi ra ngoài cổng, nơi người nhà họ Nguyễn đang chờ. Bỗng bà nghe Ngọc ra lệnh:
– Con quên chiếc khăn tay. Vú vào lấy cho con đi. Con để trên giường.
– Ừ. Đợi vú một lát.
Bà vội bỏ tay Ngọc ra, chạy nhanh vào trong buồng tìm chiếc khăn thêu hoa hồng cho cô. Cả căn buồng bây giờ tối om, khiến một người già mắt kém như bà phải mất một lúc mới tìm thấy. Cuối cùng bà thấy nó rơi xuống dưới gậm giường sát bên trong tường. Vui mừng cầm nó ra chỗ Ngọc, lúc ấy cô đang đứng bên một người hầu nhà họ Nguyễn, thì một điều xảy ra khiến bà vú già không tin vào mắt mình nữa. Trong khoảng sáng mà lẽ ra Ngọc phải đổ bóng xuống thì không hề có cái bóng của cô mà chỉ có duy nhất cái bóng của con hầu gái kia mà thôi.
Tại nhà họ Nguyễn đã căng rạp, trải đèn kết hoa lộng lẫy, chỉ chờ cô dâu được đưa tới mà thôi. Quan khách ra vào tấp nập, trên tay ai cũng cầm theo những món quà mừng cho ông Phong và cô dâu mới. Nhưng không một ai để ý, ở trên bàn dùng để chứa quà mừng, không biết từ lúc nào đã có một bình rượu để ở đó, ở bên ngoài là dáng vẻ sang trọng giống như những bình rượu chỉ dành cho những ông lớn, nhưng bên trong là chất kịch độc mà nếu vô tình uống phải thì sẽ chết ngay tức khắc.