Chương 20: Hỉ sự
Mất hai người con trai, ông Phong ở trong tù đau lòng lắm. Tài sản tích góp bao năm, thêm cả tài sản do cha ông để lại cũng đã dùng để chạy chọt, mà người làm ra thì không còn, nên chỉ sau một thời gian ngắn, nhà họ Nguyễn giờ đây không khác gì những người dân ở làng Vạn. Sau một thời gian đầy bão tố giữa hai dòng họ giàu có nhất làng, cùng nhiều câu chuyện mang tính chất kì bí diễn ra sau sự suy vong của nhà họ Cao, người dân làng Vạn tuy thấy hả hê nhưng họ cũng không khỏi sợ hãi nếu có việc phải đi qua ngôi nhà bỏ hoang của dòng họ Cao- nơi thỉnh thoảng họ nhìn thấy một người con gái mặc váy trắng, tóc đen dài buông xoã, đi lướt qua những khung cửa sổ. Một đồn mười, mười đồn trăm, nên có lẽ sau này khi có một số người giàu có từ nơi khác đến, dù họ rất thích ngôi nhà bề thế đó, họ cũng không dám mua lại.
Thậm chí có những người đã mua rồi, nhưng chỉ sau vài ba ngày ở, lâu nhất là 1 tuần, họ chấp nhận để mất số tiền lớn cho các ông lớn trong làng rồi bỏ đi, không dám quay lại nữa.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, chỉ hơn 1 năm sau, ông Phong được ra tù. Tuy ông ta đã ít nhiều tin và có sự sợ hãi về luật nhân quả, nhưng mối thâm thù trong lòng ông ta vẫn không thể nguôi được. Người đã chết thì những thứ còn lại liên quan đến kẻ thù thì ông ta không bỏ qua. Thế nên, ông ta đã kín đáo thuê hai tên lưu manh đến đốt căn nhà của nhà họ Cao, còn bản thân thì ở lại trong một nhà trọ cách xa làng Vạn đợi tới khi nhận được tin báo của hai tên kia thì mới trở về. Nhưng không ai biết vì nguyên do gì, chúng đã không quay lại báo tin cho ông Phong, khiến ông ta chờ mất 3 ngày mà hai tên bất lương kia vẫn bặt vô âm tín, mà theo dự tính thì chỉ mất 1,5 ngày là cùng. Nghĩ rằng mình đã bị lừa, ông ta bực mình lắm. Giờ đây tiền bạc và quyền hành không còn nhiều như trước nữa, nên nếu có bị đâm sau lưng hay phản bội, ông ta cũng đành ngậm đắng nuốt cay thôi.
Sang tới ngày thứ 4, ông Phong quyết định trở về làng. Đi mất cả ngày, đến sẩm tối, ông ta mới về được đến quê hương của mình. Nơi đầu tiên ông ta tới đương nhiên phải là nhà của kẻ thù. Cảnh tượng ngôi nhà vững chãi như chưa bao giờ bị phá hoại đứng im lìm như thách thức làm người đàn ông ngang ngược tức giận lắm. Vậy là đã rõ, hai tên bất lương đã không làm theo những gì chúng đã hứa hẹn, dù đã nhận được một nửa tiền công. Ông Phong đưa tay lên ôm chặt lấy ngực, loạng choạng tìm một bậc đá để ngồi xuống. Cơn tức giận đang phun trào trong cả cơ thể, lấn át cả tâm trí. Trước đây ông ta oai phong bao nhiêu thì giờ đây thê thảm bấy nhiêu, đến cả những kẻ cùng đinh cũng rắp tâm lừa gạt. Ông ta ngồi thở dốc thêm một hồi nữa rồi đứng dậy, lật đật trở về nhà mình. Nhưng ông ta không hề hay biết rằng, sau khi quay lưng đi, một bóng trắng hiện lên lờ mờ bên giếng, nhìn theo ông bằng ánh mắt oán hận. Cao Thanh Ngọc đã trở thành oán linh, cô thề phải trả thù hết 3 người đàn ông của nhà họ Nguyễn thì mới có thể siêu sinh, không lẩn khuất ở cõi trần nữa.
Khác biệt về cả vị trí trong gia đình cũng như nhan sắc với Cao Thanh Ngọc, nên dù ở độ tuổi trẻ trung hay bây giờ thuộc lớp ”quá lứa lỡ thì” trong làng, Kim càng khó lòng lấy chồng. Bà Phúc thương con gái lắm, nhưng cũng không biết phải làm thế nào. Trước đây gia đình giàu có thì cũng phải có 5-7 mối xin cưới, nhưng ông Phong không đồng ý, bởi ông ta biết những người đó chỉ vì tài sản nên mới chấp nhận lấy Kim. Bây giờ thì gia cảnh xuống dốc, lại thêm những câu chuyện liên quan đến sự tàn ác của nhà họ Nguyễn, không một ai ngó ngàng đến Kim nữa, khiến cô gái gần 30 tuổi này cả ngày chỉ “mặt ủ mày chau”, không dám ra ngoài đường vì sợ bị dị nghị. Cô giận bố lắm, nhưng giờ biết phải làm gì đây? Cô chỉ biết cuối tuần đi chùa, làm nhiều việc thiện để mong một sự thay đổi số phận. Cuối cùng, ông trời như thương cho cô gái tội nghiệp, cũng se duyên cho cô với một người đàn ông hiền lành, dung mạo tuấn tú nhưng gia cảnh thì lại nghèo khó nhất làng. Ông Phong ban đầu tỏ ra phản đối, vì ông ta luôn nghĩ rằng dù bây giờ gia đình không được như trước, nhưng cũng không thể xếp ngang hàng với những kẻ “cùng đinh” được. May thay có bà Phúc và Hậu hết lời khuyên nhủ, cộng thêm sự phản kháng từ Kim nữa nên ông ta đồng ý. Cả hai gia đình cùng thực hiện những nghi thức thực hiện theo truyền thống, rồi chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức đám cưới. Vì nhà chú rể nghèo nên mọi thủ tục cũng như sính lễ đều được thực hiện một cách đơn giản.
Ngày 7/8 âm lịch, cũng là ngày tốt để tiến hành lễ cưới theo lời thầy bói. Nhà họ Nguyễn lúc này không còn uy thế như trước nữa, lại cộng thêm chú rể xuất thân trong gia đình nghèo, nên số người đến dự đám cưới không đông, đã vậy chỉ toàn là những người thuộc “tầng lớp dưới”, nên ông Phong cảm thấy như một sự sỉ nhục. Sau khi đi chào khách dự một vòng, ông ta bỏ thẳng vào trong phòng, không muốn nhìn mặt người con rể cũng như những kẻ nghèo hèn giờ đã là thông gia của mình nữa. Trong căn phòng không có lấy nổi một ngọn nến, ông ta lần mò trong bóng tối để đến bên giường. Bực mình vì con dâu và vợ mải lo cho đám cưới của con gái mà quên thắp nến trong phòng, ông Phong hất hàm gọi Hậu vào thắp đèn dầu cho mình, rồi lại đuổi cô ra. Ông muốn nằm một mình để nhớ lại những ngày tháng huy hoàng của dòng họ. Ở bên ngoài, tiếng nhạc, tiếng cười nói, tiếng bàn tán, nói chuyện sôi nổi vẫn vang lên như những âm thanh trái tai vô tình lọt vào tai người đàn ông đang căm hận mọi thứ. Kẹt… tiếng bản lề cửa khô khốc vang lên, một bóng người bước vào trong phòng của ông Phong, ngồi xuống ghế, cất lên tiếng nói quen thuộc nhưng lạnh lẽo như vọng từ nơi xa tới:
– Ông có vẻ bực bội quá nhỉ? Lẽ ra nên vui vì đứa con gái quá lứa lỡ thì của mình lấy được chồng chứ?