Chương 21: Thảm kịch trong đám cưới
Giọng nói này… là của một kẻ đã không còn trên đời nữa. Ông Phong ngồi bật dậy. Trong ánh sáng lờ mờ là đứa con gái đã lừa ông, dù nó là người hay quỷ thì ông cũng quyết phải tìm cho ra nó. Khuôn mặt xinh đẹp giờ đã hoá quỷ, nụ cười man rợ với hàm răng trắng như doạ người đang nhìn chằm chằm vào ông Phong, tỏ ý rất mãn nguyện vì đã làm cho gia đình kẻ thù tan nát. Giờ đây hồn ma quay trở lại trong chính căn nhà này, ngay trong ngày cưới của con gái ông, như để chọc tức người đàn ông cao ngạo. Ông Phong không kiềm chế được mà gằn lên từng tiếng:
– Mày còn dám tới đây sao? Dù mày có là ma quỷ, tao cũng không sợ đâu. Tao sẽ giết mày để trả thù cho những gì mày đã gây ra.
– Hahaha… ông sao có thể giết được tôi? Chính ông và hai người con trai ác độc của ông đã gây ra thảm cảnh cho cả gia đình tôi. Tôi sẽ lần lượt đòi mạng từng người trong gia đình ông. Kẻ nào cùng huyết thống với ông, kẻ đó sẽ phải chết.
– Đừng nói nữa…
Nói rồi ông Phong cầm một con dao lớn không biết ai đã để ngay trên bàn nơi hồn ma tiểu thư nhà họ Cao đang ngồi, nhắm hướng bóng ma đang ngồi mà lao tới. Ông chém một nhát trúng người Cao Thanh Ngọc, nhưng hồn ma cười vang lên lanh lảnh:
– Hahaha ông sao có thể giết được ta.
Giờ thì hồn ma không còn ngồi ở ghế nữa, mà đang đứng trong góc tường cạnh tủ gỗ đựng rượu, cách bộ bàn ghế chừng 5-7 bước chân. Đúng là người không còn trên thế giới nữa nên Cao Thanh Ngọc thoắt ẩn thoắt hiện, trên miệng vẫn không ngừng nụ cười khiêu khích. Ông Phong lại cầm dao lao ra chỗ cô, nhưng những vết chém thì để lại ở cạnh tủ. Tiếng cười lại vang lên sau lưng:
– Ta ở trên giường cơ mà. Hahaha lại đây…
Gừ… Ông Phong gầm lên một tiếng, rồi băm bổ chạy lại giường, cầm dao leo lên, chém lung tung vào chăn gối, để lại trên giường những vết xước ngang dọc chồng chéo lên nhau. Tuổi cao sức yếu, sau một hồi chạy đuổi theo bóng ma mà không được, ông Phong ngồi thở dốc, trên tay vẫn cầm con dao sắc nhọn. Kẹt… cánh cửa phòng ông mở ra, Phùng (chồng của Kim) bước vào, anh ta muốn tỏ ra quan tâm đến bố vợ:
– Bố ơi… bố có muốn ăn thêm gì không?
Ảo giác đã khiến ông Phong nhìn lầm Phùng thành Ngọc, ông ta hét lớn: “tao tưởng mày sợ quá trốn mất rồi chứ”, rồi lao đến chỗ người con rể.
Đầu tiên, anh ta ra sức can ngăn bố vợ. Nhưng lúc ấy không hiểu sao ông Phong lại có sức mạnh phi thường, ông ta vùng tay ra, vung dao lên chém loạn xạ, trúng ngực và bàn tay phải của Phùng. Anh ta sợ hãi bỏ chạy ra sân, kêu lên:
– Có ai không? Giúp tôi với, ông ấy phát điên rồi.
Nhưng ông Phong đã bị ảo giác quá nặng, ông không còn tỉnh táo để nhớ rằng đám cưới của con gái ông đang diễn ra nữa, cứ cầm dao đuổi theo Phùng. Lúc ấy cũng không còn nhiều người nữa, họ thấy ông Phong như vậy thì rất sợ hãi, bỏ cỗ bàn chạy xô ra đường. Tình hình trong nhà họ Nguyễn nhốn nháo, bàn ghế đổ, thức ăn thức uống rơi vãi trên mặt đất. Có người lao đến trước mặt ông ta, tỏ ý can ngăn nhưng bị ông ta vung dao chém trúng cánh tay, máu phụt ra tung toé. Phong cứ nhằm hướng Phùng lao tới, cuối cùng thì cả bà Phúc, Hậu và Kim không ngăn cản được, Phùng bị ông Phong chém gần đứt cổ, khiến máu phụt ra thành một đường dài trên mặt đất. Người đàn ông chất phác ngã lăn ra đất, mắt còn nhìn bố vợ chằm chằm, và trong mắt anh ta hiện lên một nỗi luyến tiếc vì đã chấp nhận lấy Kim. Bà Phúc oà lên khóc:
– Ôi trời ơi, ông ơi, ông đã làm gì thế?
– Bố ơi… huhu… Kim khóc lớn hơn, ngày hỉ đã thành ngày tang.
Keng… con dao trên tay ông Phong rơi xuống, lúc này ông ta như sực tỉnh, trên hai bàn tay vương đầy vết máu, nhìn cảnh người con rể đang nằm dưới đất, ông ta hét lên một tiếng như phát điên. Lúc ấy Khanh cũng dẫn hai đứa con vào, thấy cảnh tượng ấy, cô sợ hãi kéo luôn hai con bỏ chạy. Ở bên ngoài, đúng lúc ông lý dẫn theo người tới, hô hoán bắt ông Phong lại. Nhưng vô ích, ông ta đã kịp nhặt con dao lên, đâm thẳng vào bụng, chết ngay tại chỗ. Thế là từ một đám cưới giờ thành đám tang. Tiếng khóc của bà Phúc và Kim vang lên ai oán, những đứa trẻ nhà họ Nguyễn thì bị ám ảnh mất một thời gian dài vì ngày cưới đẫm máu của bác mình. Dân làng Vạn từ hôm ấy thi thoảng lại đi qua nhà họ Nguyễn để dòm ngó và thi nhau kể những câu chuyện đậm tính ma quỷ để giải thích cho việc ông Phong phát điên trong chính ngày cưới của con gái mình.
Bà Phúc khóc hết nước mắt vì thảm kịch đẫm máu xảy ra trong đám cưới của Kim. Bà tưởng như không còn nước mắt để khóc nữa sau khi Thanh chết, và lòng bà đau như cắt khi từng lời của ông thầy trên tỉnh in sâu vào tâm trí. Những đứa cháu của bà còn phải chịu những kiếp nạn gì nữa đây? Từ lúc chồng mất cho đến sau 49 ngày, bà vẫn không ngừng van xin ông thầy nhưng ông ấy luôn từ chối, bởi “phúc nhà bà đã hết, có làm cách nào cũng vô ích thôi. Còn những đứa trẻ cùng huyết thống với ông ta thì không sớm thì muộn cũng sẽ chung số phận với cha ông chúng.” Vạn bất đắc dĩ, sau khi Linh mất, bà Phúc mới phải nhờ một ông thầy khác trấn mộ của con để tránh thần trùng về bắt người. Nhưng đúng theo lời thầy trên tỉnh, thảm kịch vẫn cứ diễn ra, thậm chí cách trấn trùng của ông thầy kia còn làm cho Linh dù ở bên kia thế giới cũng không được yên. Thi thoảng bà Phúc vẫn mơ thấy linh hồn con trai trở về, than khóc với mẹ vì bị trấn tàn nhẫn nên khó siêu thoát. Ông thầy trên tỉnh cuối cùng cũng động lòng thương, giúp bà phá bỏ trấn yểm trên mộ Linh, nhưng cũng nói:
– Tôi đã phá luật giúp gia đình bà. Có lẽ tôi cũng bị liên luỵ theo.
– Trời ơi. Con ngàn vạn lần cảm tạ thầy. Bà Phúc quỳ sụp xuống, vái lấy vái để ông thầy nhân hậu.
– Đã giúp thì giúp cho trót. Ta dặn bà câu này: Nhân chi sơ, tính bản thiện. Hãy nhắc nhở những đứa cháu sống lương thiện, không được làm hại mọi người thì số phận của chúng sẽ được cải thiện.
– Dạ… con nhớ rồi, con xin ghi lòng tạc dạ công ơn của thầy. Bà Phúc nói trong hai hàng nước mắt.
Sau khi giúp đỡ nhà bà Phúc, ông thầy trở về nhà. Từ đó ông không nhận xem bói hay làm bất cứ việc gì cho ai nữa. Chỉ sau 3 tháng, ông thầy tạ thế, đúng như lời tiên đoán về chính số phận mình được đưa ra ở khu đất đầy bia đá mộ phần.