Chương 24: Chết cháy
Bà Phúc, khỏi phải nói, đau khổ như muốn chết đi. Chồng con đã mất, gia sản khánh kiệt, giờ lại tới lượt các cháu. Bà vẫn biết tội lỗi cái An gây ra là không thể dung thứ, nhưng dẫu sao nó chỉ là một đứa trẻ con, suy tính không sâu hiểm như người lớn, vậy mà phải trả giá bằng cả tính mạng. Nhưng không phải chỉ một mình An sẽ chết, mà bốn đứa trẻ còn lại cũng sẽ phải lần lượt đi về bên kia thế giới do tội lỗi của những người cùng huyết thống gây ra. Oan oan tương báo, đến bao giờ mới dứt đây? Bà đã thầm mong rằng, nếu mạng đổi mạng mà chấm dứt được hết mọi bi kịch thì bà tình nguyện chết thay cho những đứa cháu bé bỏng. Nhưng số phận ác nghiệt không chấp nhận như vậy. Không còn gì đau khổ hơn khi cứ phải chứng kiến những người thân lần lượt ra đi mà không làm gì được. Sau cái chết của An, Minh đã bị mẹ nhốt chặt ở trong nhà, không được ra ngoài dù chỉ một bước, đi đâu cũng có người giúp việc đi theo, và dĩ nhiên là cậu không được phép tới nhà bà nội chơi trong 3 năm. Ai cũng hiểu nỗi lòng của những người phụ nữ nhà họ Nguyễn nhưng dù là người trong cuộc hay người bên ngoài, họ vẫn hiểu rằng trùng tang sẽ không kết thúc nếu nhân quả chưa được báo hết. Người lớn đã phải đền tội, nhưng đối với trẻ con thì không nên có sự oán ghét, bởi lớn lên trong môi trường đầy hận thù như vậy thì không tránh khỏi việc bị ảnh hưởng. Huyền và Tùng đã được đưa về nhà bà Hậu để tránh hoạ, nhưng bà Phúc vẫn không thể yên tâm. Bà luôn dặn dò Hậu phải trông coi những đứa cháu cẩn thận, Kim cũng không ngoại lệ, dù con của cô còn nhỏ, chưa biết đến những trò nghịch ngợm như anh chị em họ của mình. Cô chăm chỉ đi chùa, làm việc thiện hơn trước, ngày đêm cầu khấn gia tiên phù hộ cho con trai của mình. Nếu chẳng may… chỉ là nếu mà thôi… thì có lẽ cô cũng sẽ rời bỏ cõi tạm này, chứ không thể sống tiếp vì quá nhiều biến cố xảy ra như vậy. Nếu cô phải hi sinh tính mạng thay cho con trai, cô cũng sẵn lòng, nhưng cũng có lúc cô không hiểu tại sao bố rồi hai người em trai của mình đã mất, bản thân cô vẫn còn có thể sống mà không bị ảnh hưởng gì? Cô cũng chung huyết thống với họ mà. Có lẽ đúng như lời thầy bói trên huyện đã nói, kiếp trước cô có phúc nên kiếp này mới thoát chết, nhưng khi cô hỏi về số kiếp của con trai, ông thầy lại không nói gì. Dù không muốn nghĩ rằng chuyện xấu sẽ xảy đến, nhưng số mệnh ác nghiệt đã được sắp đặt, sao có thể chạy thoát? Giờ Kim chỉ còn cách hành thiện và chăm nom con trai thật kĩ mà thôi. An- một đứa cháu của cô đã mất, liệu tiếp theo sẽ là đứa nào? Không ai biết điều này, kể cả ông thầy trên huyện. Giờ mộ ông ta đã bắt đầu xanh cỏ, biết tìm ai để giúp đỡ bây giờ? Chạy trời không khỏi nắng. Giờ chỉ còn cách là cực kì cảnh giác mà thôi.
Về phần Huyền và Tùng. Hai đứa trẻ đã được đưa sang nhà ngoại nhưng trong lòng lúc nào cũng sợ hãi vì sợ bị đứa bé trả thù. Tùng, dù mới 6 tuổi, nhưng đã biết tranh luận như một người lớn:
– Tại chị An hại đứa bé nên nó về đòi mạng chị em mình đấy.
– Em đừng nói nữa, chị sợ lắm.
– Nếu chúng ta phải chết thì sao hả chị? Nhiều lúc em thấy bố gọi em.
– Chị đã bảo em đừng nói nữa rồi mà, Huyền gắt lên.
– Nhưng tại chị đã ngăn cản không cho em nói với ông già về đứa bé mà. Chị cũng cấm em không được nói với mẹ nữa.
– Cuối cùng em vẫn nói đấy thôi, tại em hết đấy. Huyền quát em.
– Tại sao lại tại em? Em không làm gì sai cả, em không muốn chết. Tất cả là do chị và chị An.
– Em im đi. Huyền bật khóc. Chưa đầy 10 tuổi, nhưng cô bé cũng biết sợ. Cô bé sợ mình sẽ chết giống chị An.
– Hai con làm sao thế? Bà Hậu đẩy cửa vào. Sao Huyền lại khóc?
– Tại em… cứ doạ con… huhu… hức… em ý nói tại chị An và con nên đứa bé kia mới chết.
– Từ nay mẹ cấm con không được nói về đứa bé nữa, nghe chưa Tùng? Lấy sách ra học đi. Bà Hậu nghiêm mặt. Nhà chưa đủ nhiều chuyện hay sao?
– Dạ… Tùng đáp một câu dài trong miệng. Nhưng con sợ chết giống chị An…
– Mẹ đã bảo không nói nữa mà. Sẽ không có chuyện gì đâu. Giờ hai đứa ở yên trong này, mẹ đi nấu cơm, khi nào mẹ gọi mới được ra đấy, nghe chưa?
– Vâng ạ…
Dù ngoài mặt nạt con, nhưng bà Hậu cảm thấy bất an vô cùng. Khi ông nội và bố chúng mất, hai đứa có sợ như thế này đâu? Thế mà sau cái chết của An, thái độ của chúng đã khác hẳn. Trước đây thì luôn luôn tìm cách trốn ra ngoài chơi, mặc cho mẹ và bà nội la rầy như nào đi chăng nữa. Thế mà bây giờ, có quên khoá cửa cũng không dám ra ngoài, phải đau bụng lắm thì mới rón rén đi giải quyết. Bà đã xin được một thầy trụ trì những lá bùa bình an, dán ở mọi cánh cửa và để dưới gối của các con rồi, chỉ mong mọi chuyện bình an vô sự, thời gian 3 năm sẽ mau chóng trôi qua mà thôi. Sau 3 năm, thần trùng sẽ không bắt người nữa, lúc ấy bà mới hoàn toàn yên tâm được. Thậm chí, nếu các con bà có thể bình an, bà sẵn sàng để chúng vào chùa, hàng ngày tụng kinh niệm phật xá tội cho gia đình chúng. Nhưng người tính không bằng trời tính, đến một ngày nọ, bà đi chùa cùng Kim và bà Phúc, trước khi đi đã dặn bố mẹ đẻ trông chừng hai đứa con thật kĩ, không để chúng ra ngoài chơi, nhưng tai hoạ vẫn xảy ra với Huyền. Buổi trưa, sau khi ăn cơm xong, Huyền và Tùng ngủ với bà ngoại, còn ông ngoại của chúng thì ra đồng làm nốt một số việc. Được nửa giờ, ông trở về, gõ cửa gọi vợ:
– Bà ơi, ra đây tôi hỏi cái này cái.
– Bà ơi…
– Đây tôi ra đây…
– Này sao nhà ông Bằng kế bên vụ này thu được nhiều trái thế nhỉ? Mà cái bao phân bón thừa hôm trước bà để đâu rồi?
– Tôi để ở trong nhà kho ý.
– Tôi có tìm thấy đâu. Bà ra tìm hộ xem nào…
– Nhưng hai đứa…
– Kệ chúng nó, chúng nó đang ngủ biết gì đâu… nhanh lên tôi còn phải ra đồng nữa.
Hai vợ chồng người nông dân già lục tục đi, quên bẵng mất hai đứa cháu đang nằm ngủ trong phòng. Bà ngoại vừa đi, Huyền đã hé mở mắt. Cô bé cảm thấy muốn đi vệ sinh nên dù đang buồn ngủ, vẫn mắt nhắm mắt mở lần mò ra nhà vệ sinh xây sau nhà, đi qua nhà kho nhưng đúng lúc bà ngoại cô bé đang lúi húi dọn dẹp nên không biết. Huyền còn nghe rõ tiếng bà càu nhàu:
– Có mỗi bao phân bón mà phải lục tung cả nhà kho lên. Mất thời gian quá.
Nhưng cô bé vẫn đi tiếp. Cô bé chỉ nghĩ rằng đi vệ sinh một phút là xong nên không gọi bà đưa đi. Nhưng bản thân cô bé không ngờ rằng chính vì sự chủ quan này mà mình phải từ giã cõi đời. Đi vệ sinh xong, như bị ma xui quỷ khiến, cô bé nghĩ rằng mình phải về nhà bà nội, mọi người ở bên đó đang tìm. Bước chân vô thức cứ dẫn cô bé đi trong trưa vắng. Đến một đống rơm, Huyền nảy ra một ý tưởng muốn trêu chọc mọi người. Cô bé cứ đứng yên trong đó, không hề hay biết rằng những người làm nông đang muốn đốt hết chỗ rơm đó, lấy chỗ để làm việc khác. Họ châm lửa, lửa bừng cháy dữ dội, lại đúng cơn gió to thổi đến thiêu sống Huyền. Cô bé tội nghiệp cả người bắt lửa, chạy ra ngoài la hét kêu cứu, mấy người nông dân thấy vậy thì hoảng sợ, họ không biết cô bé chui vào đống rơm lúc nào. Họ vội vã đi tìm nước nhưng chỗ đó lại cách xa giếng quá, kết quả là Huyền chạy được một đoạn thì chết. Cái chết của cô bé quá thảm khốc. Hai bàn tay nắm chặt, hai cánh tay khum khum giơ lên không trung, toàn bộ cơ thể cháy đen, biến dạng, đến lúc bà ngoại của cô bé hay tin thì bà như chết đứng vì bộ dạng của cháu mình. Bà khóc lóc lay gọi cháu, không để ý đến Tùng đang đứng sau lưng từ lúc nào. Nó nhìn cái xác của chị Huyền, lẩm bẩm:
– Giống hệt cách bác Linh đã làm. Còn mình? Mình thích chết dưới nước hơn.