Nhớ lại những bi kịch xảy ra thời ấu thơ, Tùng không còn thấy sợ hãi nữa, nhưng anh không thể không lo lắng cho gia đình mình. Rõ ràng anh đã sinh được bé Hải- nó ra đời trong sự hoan hỉ, vui mừng của bà nội anh, nhưng ông nội anh đã cảnh báo dòng họ Nguyễn của anh vẫn sẽ tuyệt tự mà thôi. Nếu kết cục sớm muộn đã như vậy, tại sao số phận không để anh chết sau khi các anh chị của anh ra đi? Tại sao lại còn để anh sống đến giờ này, vừa đau xót với quá khứ, lại vừa lo lắng cho tương lai? Bà nội có lẽ không biết về việc ông đã cảnh báo Tùng, nhưng qua những lời mẹ anh kể, bà đã được ông thầy bói trên huyện nói trước về số phận của gia đình, nên lúc nào ánh mắt bà cũng đượm buồn, và luôn dặn dò con cháu phải sống cho hợp đạo lý. Cũng có lúc Tùng thắc mắc với bà về chuyện anh may mắn thoát chết, bà chỉ giải thích nhẹ nhàng:
– Nhân chi sơ, tính bản thiện cháu ạ. Ngày ấy… ngày ấy… cháu chẳng đã suýt chết vì đuối nước hay sao? Nhưng thằng Minh thì…
– Cháu được một ông lão hành khất cứu giúp khi cháu bị chuột rút lúc bơi ở dưới sông. Ông ấy chính là người đã tới nhà mình ăn xin trong lễ tang của chị An bà ạ.
– Ừ… cháu ngoan lắm. Bà biết chuyện đó chứ, trong khi cái Huyền thù xua đuổi ông ta. Trẻ con không có tội, nhưng thật sự dòng máu chảy trong người các cháu ảnh hưởng quá nhiều đến tâm tính. Bà thương các anh chị của cháu lắm, chỉ vì cha ông có tội mà liên luỵ đến những đứa cháu vô tội của bà.
– Nhưng chị An đã…
– Bà biết chứ… thì bà mới nói trẻ con vô tư vô tội. Cái An làm thế là sai, nhưng cái giá gia đình ta phải trả là quá đắt.
– Cháu từng nghe người ta nói, không phải ngẫu nhiên con người lại được đầu thai vào một gia đình nào đó. Nhiều khi chúng ta nghĩ mình vô tội, nhưng nếu kiếp này phải đầu thai vào một gia đình không tốt, đó có thể là “nhân” để lại từ kiếp trước, hoặc nhiều kiếp trước đó nữa.
– Đúng vậy cháu ạ. Nên hãy cố gắng làm điều tốt để cải thiện số mệnh. Gia đình ta ngày trước rất giàu, nhưng giờ thì làm không đủ ăn, bác Kim thì điên điên dại dại, bà xót lắm nhưng làm gì có tiền cho bác trị bệnh.
Tùng ngồi im lặng nghe bà nội nói với sự đau xót thấm cả tim gan. Anh thương bà nội, thương bác Kim, nhưng không biết làm thế nào để giúp đỡ hai người bởi công việc của anh không kiếm được nhiều tiền, chỉ đủ ăn và nuôi hai đứa con mà thôi. Anh biết gia đình mình trước đây rất giàu, qua lời kể của anh Hưng và một số người trong làng thì họ vẫn có một cái gì đó kính trọng anh nhưng xen lẫn sự coi thường, khinh bỉ. Nhớ đến lần chết “hụt” của mình, Tùng đã dạy cho hai đứa con bơi lội để chúng có thể thoát thân nếu không may gặp phải chuyện xấu. Anh cũng dặn dò Nguyệt phải trông chừng các con cẩn thận, không để chúng đi chơi xa mà không có người lớn đi cùng. Thằng bé Hải con anh giờ khá giống Minh ngày bé. Ngày ấy, một lần anh ra sông bơi với ông ngoại, ông đã sơ sẩy không để ý đến đứa cháu nhỏ. Hôm đó, bà ngoại anh đi về bên ngoại có việc, còn mẹ anh lên chùa để làm lễ cầu siêu cho Huyền. Dòng sông ấy cũng ở gần cánh đồng dưa của ông ngoại anh, trong lúc hai ông cháu bơi, ông vô tình ngước mắt lên bờ, thấy một người đàn ông đang đi vào cánh đồng, dáng vẻ rất giống ông Bằng hàng xóm. Vốn dĩ hai nhà không ưa nhau, nên thấy cảnh tượng ấy, ông ngoại anh đã vội leo lên bờ, hét lớn:
– Này ông kia, ai cho ông đi vào cánh đồng nhà tôi? Đi ra ngay không dẫm hết vào quả non.
Nhưng người đàn ông kia hình như không nghe thấy lời của ông, cứ lừng lững đi, không buồn ngoái lại. Ông ngoại Tùng bực mình lắm, hét lên:
– Ơ hay. Rồi đợi đấy, ông lên rồi ông cho một trận. Định phá ruộng nhà ông à?
Cơn tức giận đã làm ông ngoại quên mất đứa cháu nhỏ đang bơi dưới sông, dù lúc ấy Tùng đã biết bơi, thậm chí còn rất giỏi so với những đứa trẻ cùng trang lứa. Ông ngoại đi như chạy theo người đàn ông, vừa chạy vừa hét, nhưng được tầm 300 mét, thì người đàn ông kia biến mất. Lúc đó ông đứng sững lại, ngơ ngác nhìn xung quanh, miệng lẩm bẩm mấy tiếng. Bất chợt ông nhớ ra Tùng, quay đầu về hướng con sông không thấy cháu mình đang lấp ló bơi dưới dòng nước, ông mới hoảng hốt quay lại. Lúc về đến nơi, không thấy đứa cháu nhỏ đâu, nhưng vẫn thấy bộ quần áo để ở trên bờ, ông cuống cuồng đi tìm. May sao đến một gốc cây đa gần đó, ông thấy một người hành khất đang cấp cứu cho Tùng. Sắc mặt anh tái xanh, không còn một giọt máu. Ông ngoại anh sợ hãi quá, phụ người hành khất cấp cứu cho anh. May sao, anh nôn được hết nước trong bụng ra rồi dần dần tỉnh lại. Ông ngoại anh bật khóc vì cứ nghĩ thần trùng đã bắt được Tùng đi. May sao mẹ anh không biết chuyện đó. Ông lão hành khất đã từ chối sự hậu tạ của ông ngoại anh, nói:
– Có gì đâu. Cậu bé này bản tính lương thiện, nó đã cho tôi đồ ăn và tiền trong đám ma của chị nó thì giờ tôi giúp nó thôi. May lúc ấy tôi đi qua. Thôi không sao rồi, ông trông chừng cháu ông cẩn thận nhé.
– Vâng… xin cảm ơn ông…
Từ đó, Tùng luôn giúp đỡ những người xung quanh mình. Nhưng Minh thì không được may mắn như thế. Chỉ một tuần sau, sau khi đi học về, nghe lời chúng bạn rủ rê, Minh đã trốn mẹ đi bơi. Cậu bé vốn dĩ bơi cũng rất giỏi, và lòng sông cũng luôn êm ả, nhưng hôm ấy, cậu bị cuốn vào một con xoáy, không thể thoát ra được. Các bạn cậu hò hét người đến cứu, nhưng lại chẳng có ai ra cả, có lẽ vì đó là giờ trưa. Chúng bất lực nhìn Minh bị cuốn vào con xoáy, rồi chìm dần. Đúng lúc ấy, ở nhà họ Nguyễn, bà Phúc vô tình đánh rơi chiếc bát xuống đất, vỡ tan tành. Đó lại là chiếc bát Minh thích nhất. Linh cảm cho bà biết có chuyện không may xảy ra với cháu bà. Nghe thấy tiếng rơi vỡ, Kim từ trong buồng chạy ra. Cô phụ mẹ thu dọn, chủ quan nghĩ rằng Lâm đã ngủ nên không có chuyện gì xảy ra. Hai mẹ con ngồi trò chuyện một lúc thì thấy bà ngoại của Minh và An tới. Bà sụt sùi thông báo cho bà Phúc biết tin dữ về Minh. Nghe hết tin, bà Phúc đã ngã lăn ra đất. Đúng là trời trừng phạt gia đình bà thật rồi. Nhưng lần này Minh chết thật, chứ không may mắn như Tùng nữa. Thần chết không buông tha cho những đứa cháu của bà. Vậy tiếp theo là ai? Tùng hay Lâm?