Sau một vài nốt nhạc đệm lạc nhịp, tôi đã tìm được đến Bể Bơi Hà Bá, liệu buổi phỏng vấn xin việc của tôi có thuận lợi không?
Phần 2: Tuân thủ quy tắc
Xin chào các bạn, lại là tôi đây.
Sau bài đăng ngày hôm trước, có khá nhiều bạn tò mò và khích lệ tôi tiếp tục chia sẻ câu chuyện của mình, chân thành cảm ơn các bạn.
Đây cũng là động lực để tôi lập tức ngồi xuống trước máy tính, tiếp tục vật lộn với những con chữ.
Vậy nên, chúng ta vào việc luôn nào.
“Bể Bơi Hà Bá
Mang cả gia đình bạn xuống vùng nước sâu thẳm.”
Tôi tần ngần nhìn dòng slogan đó một lúc lâu, chỉ biết cảm thán, ông chủ của cái Bể Bơi này có phải hơi quái đản không? Công viên nước bình thường đều đặt slogan kiểu “Thế giới thần tiên dưới đại dương” hoặc “Khám phá thủy cung kì diệu” gì đó. Bét nhất cũng là “Mang đại dương đến bên gia đình bạn”, đấy là bét nhất rồi.
Chẳng lẽ xung quanh không có ai góp ý cho họ rằng cái slogan này nghe rất quỷ dị sao?
Ánh đèn led chớp tắt tạo hiệu ứng thị giác như thể màu đỏ trên những con chữ đang rũa ra và chảy ròng ròng. Tôi vội vàng dụi mắt, không dám nhìn vào nó thêm nữa.
Như tôi đã nói với các bạn, đây là một toà kiến trúc không tưởng.
Nó không giống với bất kì thứ gì tôi từng nhìn thấy.
Nó sang trọng, hiện đại, sáng sủa với những chùm đèn hoa lệ, cửa gỗ xếp tám tấm dày nặng, tường màu xanh pastel mát mắt còn cột chống to cao thì sơn màu trắng kem. Qua cửa chính nửa đóng nửa mở, tôi còn có thể nhìn thấy hệ thống thang máy kính tuyệt đẹp bên trong.
Nhưng có một ý niệm mơ hồ nào đó khiến tôi cảm thấy toà nhà này dường như không “lành” lắm.
Tôi không thể tìm được từ ngữ nào khác để mô tả nó, ngoài “không lành”.
Trông nó cứ như là sản phẩm được tạo ra khi các thời kì lịch sử va chạm và nổ tung ở chốn hoang vu này, hay kiểu như một lâu đài Châu Âu Trung Cổ và một ngôi đền Phương Đông bị xé xác rồi bóp nghiến lại với nhau.
Mọi thứ nhìn qua thì mới và đẹp nhưng nhìn kĩ lại, bảng đèn led đã cháy kha khá bóng, men theo mép tường là dây điện bọc ống nhựa – đã nhiều năm nay tôi không còn thấy căn nhà mới nào chọn lắp dây điện nổi toàn phần. Cột chống sơn màu sáng nên có thể mơ hồ nhận ra màu sắc vốn có của những cây cột không phải trắng kem, chúng đã được quét sơn lại rất dày, như thể có ai đang cố gắng xoá đi dấu vết gì đó.
Đèn chùm, cửa gỗ xếp, sơn pastel, tất cả đều ưa mắt nếu tách ra nhìn, còn khi kết hợp lại, trông chúng cứ như những mảnh da khác màu được miễn cưỡng khâu vào với nhau bằng sợi chỉ vô hình, tạo thành một lớp da lớn trùm lên cả toà nhà, nhưng vì vốn đã không liền mảnh, cho nên từ những khe chỉ căng, chúng ta vẫn có thể mơ hồ nhìn thấy… thứ vật chất đen đặc đang không ngừng lưu chuyển trong huyết mạch của nó.
Lồng ngực tôi phập phồng dữ dội.
Tôi thực sự bị chính suy nghĩ của mình doạ cho sợ chết khiếp, gót chân đã rục rịch lùi lại, vậy mà đúng lúc này, từ sau cánh cửa xếp, có ai đó bước ra.
Người tới là một cô gái, tôi đang đứng cách sảnh một đoạn chẳng xa chẳng gần, cho nên tôi không nhìn rõ cô ấy, mà cô ấy cũng không nhìn rõ tôi.
– Ôi trời đất ơi! – Đối phương liếc thấy tôi liền nhảy dựng lên, kêu trời bằng chất giọng cao vút.
Tôi vốn chẳng giật mình nhưng cũng bị phản ứng dữ dội của cô gái làm hú hồn theo.
Tuy vậy, có vẻ nhân viên ở đây được đào tạo nghiệp vụ rất khá, cô ấy nhanh chóng lấy lại tinh thần, bước ra nở một nụ cười thương mại, hai bàn tay xếp trước bụng, hướng về phía tôi, cúi đầu máy móc nói:
– Kính chào quý khách, Bể Bơi Hà Bá chưa đến giờ mở cửa, xin quý khách quay lại vào khoảng hai mươi mốt giờ tối đến năm giờ sáng hôm sau, Bể Bơi sẵn sàng phục vụ tất cả các ngày trong tuần, kể cả lễ, Tết.
Vẻ cung kính của người nhân viên khiến tôi thấy ngại ngùng kinh khủng, chỉ muốn lập tức ngăn cô ấy lại, cái nghèo đã nghiền nát sự tự tin của tôi như vậy đấy.
Nhân lúc cô gái nghỉ lấy hơi, tôi vội vàng tiến lên một đoạn, cao giọng nói:
– Chào bạn, từ từ đã, bạn ơi, mình không…
Ai ngờ, cô gái thấy tôi bước đến, nụ cười trên môi tắt lịm, biểu cảm nghiêm trọng. Thậm chí dường như tôi còn cảm nhận được sự căng thẳng chạy rần rần trong từng khối cơ bắp của đối phương:
– Xin lỗi quý khách, quý khách không thể đi vào Bể Bơi ngoài khung giờ mở cửa. Mời…
Tôi lập tức giơ tờ rơi tuyển dụng trên tay lên như tấm kim bài miễn tử, kiên định nói to:
– Tôi đến để xin việc!
Cô nhiên viên lập tức im bặt, vươn cổ ra cố gắng xăm soi tờ rơi trên tay tôi một cách hoài nghi.
Có vẻ đã nhận ra điều gì, cô nhân viên “à” lên một tiếng, cả người thả lỏng lại, lịch sự nhưng xa cách nói với tôi:
– Chào bạn, bạn đi vào trong đây cái đã.
Tôi chỉnh lại tóc tai và quần áo một chút, rồi nhanh nhẹn giẫm lên bốn bậc thềm ngoài sảnh, chạy theo người nhân viên.
Cô ấy gọi từ đâu đó lại một người nhân viên khác, một cậu trai mà nhìn mặt tôi nghĩ là vị thành niên, nhưng thần thái và những hình xăm dọc cánh tay trái, biến mất sau cổ tay áo phông đồng phục có in tên và slogan của Bể Bơi đã cho tôi biết, tên này trải đời hơn tôi nhiều.
Vừa nhìn thấy người lạ là tôi xuất hiện, cậu ta lập tức nhíu mày hỏi cô nhân viên kia:
– Chị Lan, ai đây?
Hoá ra cô ấy tên là Lan, dáng vóc mảnh khảnh, gương mặt thanh tú, người đúng như tên, tôi nghĩ.
Chị Lan không trả lời câu hỏi kia, ngược lại nhăn mặt chất vấn:
– Đồng phục của mày đâu Long? Mặc vào đi, sắp đến giờ rồi.
Đồng phục, theo tôi đoán là bộ Âu phục vest xanh sơ mi trắng như chị Lan đang mặc.
Cậu trai tên Long cười hề hề, đáp:
– Hôm nay em xuống chỗ kĩ thuật, không tiếp khách.
Chị Lan nghe câu “không tiếp khách” của Long, chẳng biết nghĩ gì mà tức giận chửi nó một câu, rồi không dây dưa thêm nữa, nói với tay đồng nghiệp trẻ con:
– Ra trông cửa chính thay chị một lúc. Chị đưa anh bạn này đi gặp quản lý phỏng vấn.
Long nghe vậy, nhướng mày đánh giá tôi trong giây lát rồi thích thú gật đầu, nói nhỏ đủ ba chúng tôi nghe:
– Chị đi đi, em thay cho. Lão Lãm lùa gà ghê thật, cứ một đi lại có một đến, chẳng biết…
Chị Lan quắc mắt trừng Long, thằng nhóc im bặt, ngoan ngoãn quay ra cửa chính.
Nhưng một câu nói vô tư của nó đã gợi nên vô vàn câu hỏi trong tôi.
Chị Lan đưa tôi đi vào lối hành lang bên phải dẫn ra bên hông toà nhà, suốt quá trình ấy, hai người tôi đều im lặng. Chỉ có tiếng giày cao gót gõ cồm cộp cồm cộp trên sàn đá trắng của chị Lan là nổi bật nhất giữa không gian tĩnh lặng.
Sau vài khúc ngoặt hành lang, chị Lan ra hiệu cho tôi dừng lại trước một căn phòng, bên trên cánh cửa có treo tấm bảng nhỏ ghi:
“Phòng Quản Lý”
Dọc đường đến đây, chúng tôi có chạm mặt với vài người nhân viên khác. Có vẻ bọn họ đều quen nhau, chào hỏi rất hữu hảo. Cảnh tượng chẳng khác gì bất kì một nơi công sở bình thường nào khác.
Nguồn sinh khí này là động lực rất lớn để tôi kiên trì với ý nguyện xin việc của mình sau tất cả những gì đã xảy ra trong buổi tối hôm ấy.
Chị Lan đang định gõ cửa thì đột nhiên có một giọng nam trầm thấp vang lên ngay sau lưng chúng tôi:
– Có việc gì?
Tôi giật mình quay lại.
Lúc này, đứng cách chúng tôi khoảng hai mét là một người đàn ông trung niên độ ngoài bốn mươi trong bộ Âu phục đen thẳng thớm phối với giày da và cà vạt đồng màu, cộng thêm dáng người cao gầy, gương mặt cương trực, ông ấy tạo cho tôi cảm giác như thể chính ông cũng là một cấm kị của toà nhà đầy rẫy những bí ẩn này.
Chị Lan cúi đầu chào người đàn ông rồi ngắn gọn giới thiệu về tôi:
– Chú Lãm, chàng trai này đến phỏng vấn xin việc ở chỗ chúng ta.
Chú Lãm nghe vậy nhưng chưa bình luận gì, chỉ nói cô đưa người đến rồi thì trở ra kia luôn đi, Bể Bơi không thể vắng người phục vụ.
Chị Lan đi khuất, ông ấy mới nhìn tới tôi.
Tôi vội vàng cúi chào, nhưng thực chất là để tránh đi ánh mắt thâm trầm của chú Lãm – ánh mắt khiến người ta cảm thấy như mọi ý niệm từ tốt đẹp đến xấu xa nhất trong lòng mình đều trần trụi trước người đàn ông này.
Chú Lãm lướt qua tôi để mở cửa phòng, chỉ để lại một câu nói nhẹ như gió:
– Mời vào.
Đi sau lưng ông, bấy giờ tôi mới phát hiện ra, bàn tay phải của chú Lãm đang quấn băng trắng, đầu băng còn xổ ra như là quấn vội, nốt đỏ nhỏ ở vị trí giữa lòng bàn tay… Hẳn là máu đang thấm ra.
Tôi không dám phỏng đoán gì nhiều liền rời mắt đi ngay, mặc kệ cho mùi sắt tanh thoảng qua chóp mũi rõ ràng như thế nào.
Văn phòng này không giống như phong cách của người quản lý, tôi để ý, nó ấm cúng và đầy đủ tiện nghi, còn ông ấy thì sắc lạnh và giản tiện.
Chú Lãm không đến bên bàn làm việc mà mời tôi ngồi xuống bàn trà ngay gian khách.
Ông lại nhìn tôi một lượt, tôi nuốt nước bọt, hồi hộp nghĩ không biết ông ấy đang thầm chê tôi gầy gò vô lực không làm được việc nặng, hay quần áo tóc tai lôi thôi lếch thếch phong cách quê mùa nữa.
Ai ngờ, chú Lãm thậm chí còn chẳng thèm hỏi một câu nào về thông tin cá nhân của tôi, chỉ nhàn nhạt nói:
– Công việc ở đây không giống như bất kì công việc gì cậu từng làm, từng nhìn thấy hay từng nghe nói. Tôi cần mỗi một nhân viên của bể bơi đều phải là người khôn ngoan nhất, gan dạ nhất và tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh. Bởi chỉ một sơ xuất nhỏ của cậu cũng có thể khiến cho tính mạng của chính cậu và toàn bộ nhân viên trong Bể Bơi – bao gồm cả tôi, gặp nguy hiểm.
Chú Lãm nhìn tôi, ánh mắt thản nhiên mà đầy uy lực:
– Cậu có làm được không?
Tôi khẽ nuốt nước bọt, hai tay tôi đã nắm chặt đến độ móng tay đâm vào lòng bàn tay đau nhói. Cơn đau khiến đầu óc tôi nóng lên, thiêu đốt tất cả những hoài nghi, sợ hãi trước đó. Lúc này tôi chỉ nghĩ đến thùng mì tôm còn một gói duy nhất trong căn phòng trọ xập xệ của mình, nghĩ đến bố mẹ buồn bã khi gọi điện báo tin sẽ chuyển tiền sinh hoạt lên chậm vài ngày vì gần đây thương lái ép giá quá, không bán được hoa màu.
– Cháu làm được! – Tôi kiên định nói.
Cơ hội một khi đã tới, tôi tuyệt đối sẽ không để vụt mất, cho dù có phải đánh đổi bằng tính mạng mình.
Chú Lãm cười khẽ, tuy ông đang nhìn thẳng vào tôi nhưng tôi cứ có cảm giác như ánh mắt ấy đang xuyên qua tôi, nhìn thấy hình ảnh một ai đó khác.
Chú Lãm lấy từ trong tủ hồ sơ ra một tập giấy ba bốn tờ và một hộp gỗ như hộp đựng con dấu, đặt xuống trước mặt tôi.
– Chàng trai trẻ, đừng mạnh miệng thế, cậu đọc kĩ hợp đồng đi đã.
Tôi lập tức xua tay:
– Cháu không cần đọc, chú yên tâm, công việc vất vả, nguy hiểm đến mấy cháu cũng làm được.
Bây giờ nghĩ lại thì ngày ấy có khi người quản lý bảo tôi kí vào giấy bán thân thì tôi cũng đã kí rồi.
Chú Lãm không nói gì nữa, đẩy chiếc hộp dấu về phía tôi.
Tôi đoán là cần kí tên đóng dấu gì đó, mở hộp ra, ai dè bên trong lại là một đống những cây kim khâu sáng loáng.
Tôi bối rối nhìn chú Lãm, không hiểu ông ấy muốn tôi làm gì.
– Xòe tay ra. – Ông nói.
Tôi thật thà làm theo.
Chú Lãm có lẽ đã quá quen thuộc với thao tác này, rướn người tới, cầm một cây kim lên, nhanh như điện đâm vào đầu ngón tay cái của tôi.
Máu tươi lập tức tứa ra.
Chú Lãm liếc thấy tôi mặt không đổi sắc, có vẻ khá hài lòng, nói:
– Điểm chỉ vào cuối trang.
Tôi ấn ngón tay dính máu lên trang giấy, vốn tưởng phải làm lần lượt với ba trang giấy, ai dè máu vừa chạm vào mặt giấy liền thấm đến tận trang thứ ba. Dấu vân tay màu đỏ rực rỡ đâm vào mắt tôi nhoi nhói.
Chú Lãm cất hợp đồng đi, lại lấy từ trong ngực áo ra một tờ giấy cũ mèm, trịnh trọng đưa cho tôi rồi nói:
– Quy tắc làm việc ở nơi này, không nhiều, đều đã viết trong đây. Cậu hãy đọc cho kĩ và tốt nhất là học thuộc nó hơn cả họ tên mình. Nhân viên của Bể Bơi Hà Bá, nếu muốn sống sót và trở về nhà sau ca làm việc, hãy tuyệt đối tuân thủ các quy tắc này!
Tôi nhận lấy mảnh giấy, nghiêm túc đáp:
– Cháu xin hứa.
Chú Lãm khẽ thở dài, vỗ vỗ vai tôi, đột nhiên thân mật đến làm tôi ngỡ ngàng:
– Cậu trai à, hãy nhớ rằng đây không phải một trò đùa, càng không phải doạ trẻ con. Tôi không muốn… mất đi bất kì một người nhân viên nào nữa, cậu có hiểu không?
Tôi hiểu được thâm ý của câu “mất đi một người nhân viên” theo như lời ông nói, nhưng bây giờ tôi chẳng quan tâm mẹ gì chuyện ấy nữa.
Tôi cẩn thận mở tờ giấy ra đọc, những con chữ xiêu vẹo trên tờ giấy ố vàng, lấm tấm màu nâu đỏ chầm chậm chạy vào tâm trí tôi.
…
Quy Tắc Của Bể Bơi Hà Bá
Tuyệt đối tuân thủ!!! (Gạch chân ba lần)
Quy tắc 1: Nhận biết “kẻ giả mạo”
Chú thích: 49 nhân viên cùng ca bắt buộc phải nhận biết chính xác tuyệt đối lẫn nhau.
“Chúng” có thể mô phỏng gần như hoàn hảo nhân dạng, tính cách, thói quen cử chỉ, lời nói của người, nên nếu không ghi nhớ lẫn nhau, bạn sẽ không bao giờ biết người đang đi cạnh mình là ai! Nốt ruồi, nếp nhăn, hình xăm, vết sẹo, câu cửa miệng, bất cứ thứ gì cũng có thể trở thành mấu chốt cứu mạng bạn khi đụng độ với “chúng”.
Một khi nhận ra “chúng”, hãy tìm ngay cái cớ nào đó rồi đi giật lùi tám bước trong khi tầm mắt không rời khỏi đối phương, hết tám bước bạn phải lập tức quay lưng chạy đi thật nhanh, không được phép quay lại dù nghe thấy âm thanh gì chăng nữa.
Khi mọi thứ quay trở về im lặng, bạn đã an toàn, hãy làm tiếp việc cần làm.
Chú thích 2: “Chúng” sẽ tìm mọi cách để bạn không thể rời đi, kết cục là (đã bị tô đen)