Quy tắc 1: Nhận Biết Kẻ Giả Mạo
Chú thích: 49 nhân viên cùng ca bắt buộc phải nhận biết chính xác tuyệt đối lẫn nhau.
“Chúng” có thể mô phỏng gần như hoàn hảo nhân dạng, tính cách, thói quen cử chỉ, lời nói của con người, nên nếu không ghi nhớ lẫn nhau, bạn sẽ không bao giờ biết người đang đi cạnh mình là ai! Nốt ruồi, nếp nhăn, hình xăm, vết sẹo, câu cửa miệng, bất cứ thứ gì cũng có thể trở thành mấu chốt cứu mạng bạn khi đụng độ với “chúng”.
Ngay khi nhận ra “chúng”, hãy lập tức tìm cớ để rời đi một cách tự nhiên. Lưu ý, bạn không được hoảng loạn, “chúng” giỏi nhất là thao túng tâm trí con người. Bình tĩnh tuần tự giật lùi tám bước trong khi tầm mắt không rời khỏi đối phương, hết tám bước bạn phải lập tức quay lưng chạy thật nhanh, không được phép nhìn lại dù nghe thấy âm thanh gì chăng nữa. Lưu ý 2, kiên trì chạy, đừng gục ngã – con đường có thể sẽ dài hơn bạn nghĩ, nhưng đừng lo, lối ra chắc chắn nằm ở phía trước.
Khi mọi thứ trở về im lặng, bạn đã an toàn, hãy tiếp tục việc cần làm.
Chú thích 2: “Chúng” sẽ tìm mọi cách để bạn không thể rời đi, kết cục là (đã bị tô đen).
#
Tôi đã nhận được công việc đáng mơ ước (?) ở Bể Bơi Hà Bá. Tiếp đó, một bên tôi hưởng thụ cuộc sống tốt đẹp chưa bao giờ có của mình, một bên, các quy tắc cũng lần lượt “tìm đến” tôi.
Lúc này tôi bắt đầu nhận ra, đó thực sự, thực sự là những quy tắc sống còn.
Phần 3: Quy tắc thứ nhất
Xin chào các bạn, công việc bận rộn khiến tôi gần như không có chỗ trống cho việc viết lách, vậy nên hôm nay mới dành được ra thời gian để tiếp tục câu chuyện đây.
Như các bạn đã biết, sau buổi phỏng vấn đầy thuận lợi, tôi chính thức trở thành nhân viên của Bể Bơi Hà Bá.
Để tôi đoán nhé, có phải là những điều mà tôi chia sẻ trước đó đã khiến các bạn nghĩ rằng, tôi chuẩn bị bắt đầu một chuyến phiêu lưu cực kì hồi hộp và máu lửa?
Thành thực mà nói, đến bản thân tôi cũng tưởng là như vậy.
Nhưng sự thực khác xa, rất xa so với những gì chúng ta nghĩ.
Trước hết phải nói sơ qua một chút về tình hình của tôi ngay sau đó.
Tôi có chút ngại ngùng khi nhắc đến chuyện ứng lương với chú Lãm – chẳng còn cách nào khác vì chủ nhà của tôi có vẻ đã rất sẵn sàng đá đít tôi ra khỏi căn trọ rách kia – chú Lãm ngược lại vô cùng thoải mái hào sảng, hỏi tôi cần ứng trước mấy tháng.
Tôi biết rõ việc đòi ứng lương khi chưa đi làm được ngày nào là tối kị, cho nên cũng chỉ dám dè dặt đưa ra con số một tháng, thậm chí trong lòng vẫn nghĩ rằng chẳng lẽ ông ấy không sợ tôi “giật hụi” rồi cao chạy xa bay hay sao?
Mãi đến khi nhìn thấy chú Lãm thờ ơ mở cái ngăn kéo bên trong xếp chật từng xấp từng xấp tờ năm trăm nghìn xanh biếc ra, đếm đủ hai mươi lăm triệu, bỏ vào túi nilon đen rồi đưa cho tôi, tôi mới nhớ ra một điều: leo lên được đến vị trí Quản Lý tuyệt đối không có ai là kẻ ngu ngốc. Chú Lãm thừa biết đám người đến xin việc như tôi nghĩ gì, nhưng chú vẫn thủ tín, thực hiện đúng những điều viết trên tờ rơi tuyển dụng, tôi cho rằng có hai khả năng, thứ nhất, mất đi số tiền mà đối với chúng tôi là cả một món hời kia, đối với ông ấy chỉ như cây me rụng lá; thứ hai, ông ấy hoàn toàn có đủ năng lực tìm ra và bắt những kẻ thất ước phải trả giá.
Hoặc cũng có thể là cả hai.
Chẳng quan trọng lắm, dù sao thì tôi hoàn toàn không có ý định giở trò xằng bậy, tôi chỉ muốn kiếm tiền chân chính mà thôi.
Nhờ có công việc này, cuộc sống của tôi như bước sang một trang mới. Tôi chuyển tới một chỗ trọ sạch đẹp, yên tĩnh và an toàn hơn, mua trả góp một chiếc xe máy vừa tầm để tiện đi lại, mỗi tháng đều gửi biếu bố mẹ ở quê phí sinh hoạt và chút đồ bổ. Trừ hết những khoản trên, tôi vẫn tiết kiệm được kha khá bởi thực tế thì gần như cả ngày của tôi đều đã dành cho công việc ở Bể Bơi, không có thời gian chơi bời mua sắm gì, tự nhiên cũng không tiêu đến tiền.
Tuy vậy tôi không hề hối hận hay tiếc rẻ tuổi trẻ, ngược lại sự bận rộn này như khiến tôi sống lại, bò ra khỏi đầm lầy của sự thất bại, tủi hổ – cảm giác này tuyệt vời hơn bất kì cảm giác nào khác từng đến với tôi, đây mới là thứ khiến tuổi trẻ của tôi trở nên đáng giá.
Nhưng từ sự vui sướng và thoả mãn về cuộc sống hiện tại, một câu hỏi mà đáng lẽ ra ngàn vạn lần không nên xuất hiện đã nảy ra trong tâm trí tôi.
… Liệu những gì được viết trong bộ Quy Tắc có thật không?
Đúng vậy, tôi bắt đầu nghi ngờ về tính chân thực của những quy tắc.
Được rồi, tôi biết là mình đã hành động ngu ngốc hệt như mấy nhân vật trong phim kinh dị nhưng cũng không thể hoàn toàn trách tôi được.
Bạn nghĩ xem, sau buổi phòng vấn thành công, tôi đã chuẩn bị tinh thần để đối mặt với thứ được mô tả còn kinh khủng hơn cơn ác mộng tồi tệ nhất một người có thể gặp trong suốt cuộc đời, mà chính tôi cũng chẳng biết là thứ mẹ gì. Tôi đã giữ vững sự cảnh giác cao độ và phản ứng cơ thể căng thẳng như vậy trong suốt mấy tháng đầu.
Nhưng chẳng có gì xảy ra cả.
Bạn biết không, thật khó tin nhưng hễ đến giờ mở cửa, Bể Bơi sẽ khoác lên mình một dáng vẻ hoàn toàn khác – sôi động, đông đúc và đầy sinh khí, đến độ khiến tôi phải hoài nghi, chẳng lẽ người dân của cả mấy tỉnh Đồng bằng Sông Hồng lẫn nội đô đều kéo nhau đến đây bơi mỗi ngày? Thậm chí tới giờ mở cửa buổi tối, đèn đóm sáng rực, nhạc nhẽo xập xình, người đi bơi cũng không hề ít so với buổi sáng.
Về các đồng nghiệp của tôi, họ khá tốt bụng và nhiệt tình, tôi nghĩ vậy, kiểu không giống như tưởng tượng của tôi về các mối quan hệ công sở phức tạp, khiến người ta e dè. Đương nhiên tôi đoán một phần cũng là do quy tắc thứ nhất, chúng tôi bắt buộc phải làm quen, thân thiết với nhau, ghi nhớ và thấu hiểu đối phương.
Câu nói lâu ngày sinh tình có lẽ đúng cho nhiều trường hợp hơn là chỉ có tình yêu nam nữ, một người không giỏi xã giao như tôi cũng dần dần cuốn vào guồng quay chung của các đồng nghiệp. Chúng tôi cùng ăn uống, cùng trò chuyện, cùng làm việc, bầu không khí hoà hợp này thêm vào cảnh làm ăn phát đạt của Bể Bơi càng khiến vẻ thần hồn nát thần tính, đề phòng mọi thứ gió thổi cỏ lay của tôi trở nên ngớ ngẩn, dư thừa.
Đương nhiên tôi đã từng hỏi các đồng nghiệp về bộ Quy Tắc.
Một cách cẩn trọng mà vô tư, họ nói với tôi rằng, các quy tắc không phải vật chết, “chúng” sống, thậm chí còn vô cùng thông minh và xảo quyệt, cũng vì thông minh, chúng không dễ dàng xuất hiện trước mặt chúng ta, tạo thành một thói quen để chúng ta bắt thóp. Cho nên, ngoài những quy tắc thường nhật như quy tắc thứ hai “Thay Nước”, quy tắc thứ ba “Khách Buổi Sáng, Khách Buổi Tối”, vân vân ra, các quy tắc ngẫu nhiên không thường xuất hiện.
Giống như người nông dân chất phác hai lần tin lời nói dối của chú bé chăn cừu, đến lần thứ ba, sự nhiệt tình và cảnh giác của tôi bị quãng nghỉ dài mang tên “ngẫu nhiên” này bào mòn thảm hại.
Nói cách khác là tôi đã ngủ quên trên chiến thắng khá lâu trước khi Quy Tắc Thứ Nhất tìm đến và dạy cho tôi một bài học đắt giá nhớ đời.
Đó là vào ngày đầu tiên của tháng thứ tư tôi làm việc ở đây.
Cơ sở chúng tôi có tổng cộng chín mươi tám nhân viên chia làm hai nhóm đổi ca, bốn mươi chín người phụ trách ca ngày và bốn mươi chín người phụ trách ca đêm, không thể ít hơn cũng không thể nhiều hơn dù chỉ một người. Trước khi tôi vào làm, đã có nhân viên gặp sự cố với các Quy Tắc khiến ca đêm bị trống một vị trí, đồng thời không ai có thể làm cả hai ca trong ngày vì như vậy sẽ dễ dến đến mệt mỏi, mất tập trung – các Quy Tắc chắc chắn sẽ lợi dụng điểm yếu này để tấn công, cho nên bây giờ nghĩ lại, tôi có thể khẳng định một điều, khi ấy chú Lãm còn sốt ruột tuyển dụng hơn cả tôi tìm việc.
Trên thực tế, chú Lãm không trực tiếp điều hành các nhân viên, mà mỗi nhóm sẽ có một người tổng phụ trách. Chị Phương là người phụ trách nhóm chúng tôi.
Chị Phương – một người phụ nữ Huế chính hiệu, phong thái nền nã nhưng nội tâm kiên cường, trên cương vị một người phụ trách, chị còn rất tỉ mỉ, chỉn chu và quan tâm đến mọi người. Chị Phương đã làm việc ở Bể Bơi suốt ba năm nay, theo nguồn tin vỉa hè mà tôi nghe được thì chị cũng là nhân viên có thâm niên nhất ở đây chỉ sau chú Lãm. Những người vào cùng đợt với chị khi ấy, có người gặp nạn, có người không chịu nổi áp lực nên xin nghỉ, chỉ còn mỗi chị Phương trụ lại.
Ngoài tình cảm đồng nghiệp ra, chị Phương ngẫu nhiên biết được quê nhà tôi cũng là quê ngoại chị, cho nên quan tâm tôi nhiều hơn người khác một chút. Thời gian đầu biết tôi ở một mình, toàn ăn đồ ăn nhanh, ăn đồ hộp, chị còn thường xuyên mang cho tôi quà bánh và những món ngon tự tay chị nấu.
Trong số các đồng nghiệp, chị là người đối xử với tôi tốt nhất, cũng là người tôi tin tưởng nhất.
Cho nên khi chị Phương đột nhiên xuất hiện ở hồ bơi trong nhà nơi tôi đang dọn dẹp, nhờ tôi lên kiểm tra két nước trên sân thượng vì mấy hôm nay tự dưng cứ phảng phất mùi hôi thối, sợ là có con gì chết trên đấy mà không ai biết, tôi đã chẳng nghi ngờ mà đồng ý ngay.
Toà nhà của chúng tôi cao bảy tầng, chẳng biết có phải tình cờ hay không mà đúng hôm ấy thang máy nhân viên tạm đóng ca sáng để bảo trì. Nhân viên Bể Bơi không được phép dùng thang máy chính, cho nên hai người chúng tôi chỉ đành leo thang bộ, cũng ổn thôi vì trước đó tôi đã đang dọn dẹp ở tầng bốn.
Dọc đường đi, chúng tôi vui vẻ tán dóc như mọi lần. Đột nhiên tôi nhớ ra, chiều hôm qua trước lúc tan làm, chị Phương vội về đón con nên nhắc tôi, chị có chuyện này cần hỏi mà muộn rồi nên để mai hãy nói. Hôm nay gặp mặt lại không thấy chị đả động đến, tôi bèn nhắc một câu:
– À chị Phương này, hôm qua chị bảo có việc gì muốn hỏi em mà?
Chị Phương đang cười khúc khích khi nghe tôi kể chuyện hồi bé bị mộng du suýt chết đuối dưới ao nhà hàng xóm, nghe tôi hỏi vậy đột nhiên im bặt.
Tôi mải nhìn thằng Long quét lá dưới hồ bơi ngoài trời, khoái chá xem nó bực dọc vì cứ quét được thành đống một lúc lại bị gió thổi tứ tung, cho nên không để ý người bên cạnh lắm. Mãi đến lúc đi gần tới chân cầu thang tầng năm, khung cảnh ở ngoài bị che khuất bởi các bức tường xanh patel, tôi mới nhận ra chị Phương đã im lặng một lúc.
Tôi vô tư quay sang hỏi:
– Chị sao th…
Câu nói của tôi bị kẹt lại trong cổ họng.
Tôi phát hiện ra, chị Phương đang nhìn tôi, chằm chằm nhìn tôi, không chớp mắt, không tiêu điểm, không cảm xúc.
Khiến sống lưng tôi sởn lên nhất là, chỉ có đầu chị quay sang phía tôi, còn cơ thể chị vẫn thẳng tắp hướng về phía trước, bước chân không hề chậm hơn tôi – hệt như một con ma-nơ-canh bị bẻ đầu sang trái chín mươi độ, vặn vẹo, cứng đờ.
Khớp hàm tôi nghiến chặt, cố gắng nuốt nước bọt thật khẽ.
Chị Phương nhìn tôi như vậy bao lâu rồi?
Mới nãy? Từ lúc tôi nhìn xuống dưới kia? Từ đầu đến giờ?
Tôi không biết.
– Chị định hỏi em cái gì? – Chị Phương cất tiếng, bằng thứ giọng Bắc the thé, trong khi ánh mắt chị vẫn xoáy vào mặt tôi.
Lúc này, tôi đã mơ hồ nhận ra mình đang gặp phải thứ gì.
Quy tắc thứ nhất “Nhận Biết Kẻ Giả Mạo”.
Sao ngay từ đầu tôi lại không phát hiện chứ, chị Phương làm việc dưới văn phòng, tất cả các văn phòng đều ở tầng một, tầng thượng còn cách tầng bảy một dãy áp mái được tận dụng làm kho đồ cũ. Nên cho dù két nước tầng thượng thực sự gặp vấn đề thì người đầu tiên phát hiện ra chắc chắn không thể là chị Phương mà là những nhân viên chuyên dọn dẹp tầng bảy và thu dọn nhà kho – toàn bộ chúng tôi vẫn luôn ăn uống, nghỉ ngơi cùng nhau, tôi chưa từng nghe ai phàn nàn về mùi hôi thối trên tầng bảy. Hơn nữa để xử lý chuyện vặt này, chị Phương cũng sẽ không bao giờ đích thân đến tìm tôi ở hồ bơi tầng bốn, rồi lại đồng hành cùng tôi đi lên tầng bảy, dù thân thiết nhưng chị vẫn là cấp trên của tôi, chị có cách làm và địa vị của riêng mình.
Toàn bộ sự kiện này đứt đoạn và vô lý đến khó tin, vậy mà tôi đã tin sái cổ như một thằng ngu.
Suy nghĩ trong đầu tôi xoay chuyển đảo điên, bây giờ có tự trách thế nào cũng muộn rồi. Tôi cần phải thoát khỏi đây.
Cầu thang tầng năm đã ở ngay chỗ ngoặt đằng trước.
Tôi ép mình không lộ ra sự hoảng loạn, dời mắt khỏi “thứ kia”, nở một nụ cười khó coi, đáp:
– Em nhớ nhầm chị ạ, hôm qua là chị Tú gọi em hỏi chuyện.
Tôi nhìn thẳng về phía trước, nhưng từ đuôi mắt phải, tôi có thể trông thấy “nó” đã từ từ quay đầu đi.
– Phải rồi, chị Tú hỏi, chứ chị có hỏi đâu. – “Nó” nói, lại là chất giọng Huế pha Bắc ngọt ngào của chị Phương.
Mồ hôi lạnh của tôi đã chảy ròng ròng hai bên Thái Dương.
Trong số nhân viên Bể Bơi, làm gì có ai tên Tú.
Tôi cúi đầu, vô tình trông thấy ở ngang đùi, nó đang điên cuồng cào những ngón tay vào nhau trong im lặng. Thịt ở chân móng bị cào lật hết ra, càng cào càng nhanh, chẳng mấy chốc đã lộ cả xương trắng, máu tươi thấm vào vạt váy lam nhạt, hoà thành một mảnh tím thẫm.
– Phải rồi, chị Tú hỏi, chứ chị có hỏi gì đâu.
– Phải rồi, chị Tú hỏi, chứ chị có hỏi gì đâu.
– Phải rồi,…
– Phải…
“Nó” như cái máy ghi âm hỏng không ngừng lặp đi lặp lại câu nói ấy, lúc thì bằng giọng Bắc, lúc thì bằng giọng Nam, một lát giọng đàn ông, một lát lại giọng đàn bà. Đôi môi đỏ khép mở liên tục, khóe miệng càng lúc càng dãn ra như cái bồn máu.
Hai chúng tôi vẫn đang đi về phía trước.
Da đầu tôi tê rần lên, đầu gối chỉ muốn khụy xuống đây nhưng lý trí mạnh mẽ nói với tôi rằng, không thể, không được phép bỏ cuộc.
Một bên cố nhớ lại chi tiết Quy Tắc Thứ Nhất, một bên tôi ép đầu lưỡi cứng đờ của mình hoạt động trở lại.
Cầu thang tầng năm đã ở trước mặt.
– Chị Phương ơi, tự dưng em nhớ ra vừa nãy chị Lan bảo hôm nay cậu Trung xin nghỉ, tầng hai không có người thay nước, em phải xuống xem thế nào đã.
Quả nhiên, “nó” dừng lại.
“Nó” nhìn tôi, bằng đôi đồng tử đen kịt, nhíu mày đầy nhân tính, hoài nghi nói:
– Xin nghỉ? Chỗ chúng ta không được phép vắng người. – Ngữ điệu giống hệt như chị Phương.
Tôi lùi về đằng sau bước thứ nhất.
– Em không biết sao? – “Nó” nghiêng đầu hỏi, nghiêng đến mức cần cổ trắng dài tạo thành một đường cong kì dị.
Tôi lùi về đằng sau bước thứ hai.
– Hay là em biết mà đang nói dối chị? – “Nó” tỏ vẻ buồn rầu, nhưng vẫn đứng yên tại chỗ.
Tôi lùi về đằng sau bước thứ ba.
– Tại sao lại bỏ đi?
– Tại sao lại sợ hãi?
– Tại sao lại nuốt lời?
– Tại sao lại nói dối?
– Tại sao!!!
Nhẩm đếm bước thứ tám kết thúc, trái tim vọt lên tận cổ, tôi nghiến răng, quay đầu, bắt đầu bán mạng chạy!
Sau lưng tôi, tiếng “sao” cuối cùng của nó cao vút lên đâm toạc cả yết hầu, biến thành tiếng gào thê lương mà giận dữ.
Trong tiếng thét, tôi vẫn có thể nghe thấy “nó” không ngừng lặp lại:
– Tại sao lại nói dối, tại sao lại nói dối, tại sao lại nói dối,…
Ngay sau đó, âm thanh ghê tởm ấy bắt đầu hướng về phía tôi, càng ngày càng nhanh.
Nó đang bám theo ngay sau lưng tôi.
Dựa vào tiếng bước chân, tôi mơ hồ mường tượng ra “nó” đang bò rầm rập trên bốn chân, nhảy bổ từ sàn nhà lên trần nhà rồi buông mình một cú trí mạng, suýt chút nữa là tóm được cổ tôi, thậm chí tôi dường như còn cảm nhận được, những ngón tay nát bấy, móng tay kẹt đầy vụn thịt của nó đã sượt qua lưng quần mình.
Khúc ngoặt cầu thang xuống tầng bốn đã ở ngay trước mắt, tôi thở phào nghĩ, tốt rồi, các tầng dưới chắc chắn còn những đồng nghiệp khác, họ sẽ giúp được tôi.
Ai ngờ, khung cảnh đằng sau khúc ngoặt khiến tôi chết sững.
Trước mặt tôi không có cái cầu thang nào cả, mà lại là hành lang tầng năm.
Dù bàng hoàng tột độ nhưng bước chạy của tôi chưa từng chậm lại.
Không sao, bộ Quy Tắc đã nói, chỉ cần tiếp tục chạy về phía trước, tôi sẽ thoát khỏi đây.
Tôi chạy, cắm đầu chạy.
Lần thứ hai, sau khúc ngoặt vẫn là hành lang tầng năm.
Lần thứ ba, lần thứ tư, lần thứ năm, khung cảnh vẫn y hệt như vậy, dãy hành lang một bên là những hồ bơi trong nhà đóng kín, một bên lắp hàng loạt cửa sổ kính, từ đó có thể nhìn xuống bể bơi ngoài trời. Mỗi lần tôi chạy qua, ở dưới, thằng Long vẫn đang quét lá, bực dọc vì cứ quét được thành đống một lúc lại bị gió thổi tứ tung, động tác, nét mặt, vị trí, hoàn toàn không hề thay đổi.
Tôi hiểu, “nó” đang vờn tôi, giam tôi trong vòng lặp quỷ dị này, chờ đợi tôi gục ngã khi đã tiêu hao hết thể lực.
Lúc này, “nó” không còn gào thét nữa, mà phát ra âm thanh vừa như khóc nức nở vừa như cười hi hí vô cùng quỷ dị.
Tôi lắng tai nghe, chợt thấy xen lẫn bên trong có tiếng nhai nhóp nhép. Không lâu sau, tôi cẩn thận trừ đi tiếng bước chân của mình, nhanh chóng phát hiện, tiếng giẫm chân mỗi lần của nó đã từ bốn giảm xuống còn ba.
Tôi hiểu ra tiếng nhóp nhép trước đó nghĩa là sao, tuy không tận mắt nhìn thấy nhưng những hình ảnh ghê tởm đến tận cùng vẫn tự động hiện lên trong đầu, khiến dạ dày của tôi cuộn trào, a-xít trào lên cuống họng bỏng rát.
“Nó” đang thao túng tâm trí tôi, còn tôi khi đối diện với “nó”, yếu ớt không khác gì sâu mọt.
Trái tim tôi co bóp điên cuồng, hai lá phổi phập phồng mãnh liệt. Bắp đùi tôi đã bắt đầu rã rời, mồ hôi đẫm trán chảy xuôi xuống mắt khiến tầm nhìn của tôi trở nên mơ hồ.
Tôi sẽ chết sao?
Tôi không biết nữa, sức lực của tôi đã cạn kiệt, khi ấy hai chân tôi nhấc lên rồi giẫm xuống hoàn toàn là nhờ vào ý chí.
Hai tai tôi ù đi, không phân biệt được rốt cuộc là “nó” đang càng ngày càng tụt lại hay do thính giác của tôi mỗi lúc một kém đi.
Chạy, chạy, chạy! Tiếp tục chạy!
Vượt qua khúc ngoặt lần thứ bao nhiêu không rõ…
Trước mặt tôi là cầu thang tầng bốn!
Tôi bật khóc, tâm trí hoàn toàn trống rỗng, lao mình ra khỏi cầu thang.
Tôi ngã lộn nhào mấy vòng liền, lăn thẳng xuống chiếu nghỉ tầng bốn.
Cơ thể tôi đã đạt đến cực hạn, lúc này chỉ có thể nằm sấp trên mặt đất, chờ đợi sự đau đớn giáng xuống.
Nhưng, không có gì xảy ra.
Thế giới hoàn toàn im lặng.
Hình ảnh cuối cùng tôi nhìn thấy trước khi mất đi ý thức là thằng Long vẻ mặt hoảng hốt chạy về phía tôi