Quy Tắc Thứ Nhất chỉ là mở đầu. Đương nhiên với một mở đầu không hề dễ chịu như vậy, những gì chờ đợi tôi ở phía sau còn điên rồ hơn nữa.
Phần 4: Hồ bơi đỏ
Thằng Long vừa ăn ké táo chị Lan gọt cho tôi, vừa cười cợt rất đáng ghét, nói đểu tôi nên đi làm con Vietlott, Quy Tắc Thứ Nhất đã hơn một năm nay chưa xuất hiện lại, tôi may mắn trở thành người mở bát cho năm mới – còn thành công thoát thân, đúng là số đỏ.
Nể mặt nó hôm ấy cõng tôi từ tầng bốn xuống tầng một sơ cứu, tôi không thèm đôi co với nó.
Những gì xảy ra sau khi ngã khỏi cầu thang tôi hoàn toàn không biết. Chỉ nghe mấy người đồng nghiệp chạy đến sớm nhất kể lại, bọn họ đang làm công việc buổi sáng bình thường thì đột nhiên nghe có tiếng vật nặng ầm ầm rơi xuống, vừa chạy ra xem đã thấy tôi nằm sõng soài trên mặt đất, lưng áo đẫm máu, mặt mũi xám ngoét, bất tỉnh nhân sự. Doạ cho mọi người một phen hết hồn là vậy, nhưng về sau kiểm tra lại phát hiện trên người tôi không có vết thương hở nào, sau lưng không phải máu của tôi, vậy rốt cuộc là máu của ai? Câu hỏi khiến cả Bể Bơi rối trí này chỉ được giải đáp khi tôi tỉnh dậy.
Nghe xong đầu đuôi câu chuyện, ai nấy đều bất ngờ không thôi. Thái độ đại khái cũng như thằng Long lúc này, cho rằng tôi đúng là “tư chất hơn người”, vừa thu hút được sự chú ý của Quy Tắc Thứ Nhất không mấy khi xuất hiện, còn râu đuôi đầy đủ thoát khỏi nó, vô cùng hy hữu.
Nhưng bản thân đương sự là tôi đây, vẫn chưa hiểu tôi đã thoát được khỏi “nó” bằng cách nào? Kiểu như, tại sao câu nhắc nhở chị Phương của tôi lại khiến nó lộ ra dấu vết bất thường?
Chú Lãm nghe tôi thắc mắc, kiên nhẫn giải thích.
Tuy các Quy Tắc thông minh, nhưng chưa thông minh đến mức có sức sáng tạo. Chúng chỉ biết mô phỏng mà thôi, nếu để ý kĩ, chúng ta sẽ nhận ra “nó” chỉ lặp đi lặp lại những câu nói và hành động mà hàng ngày “nó” quan sát được từ người bị giả mạo, chứ không thể làm ra, nói ra những cái người bị giả mạo chưa từng làm, chưa từng nói. Ngày trước đó, chị Phương nói có chuyện muốn hỏi tôi, nhưng chưa từng nói ra là chuyện gì, cho nên “nó” không biết, câu nói của tôi vô tình khiến “nó” bị rối loạn trật tự mô phỏng, từ đó mới lộ ra sự dị biệt.
Tôi xoa xoa bên xương hàm vẫn còn đau nhức, tò mò hỏi:
– Người gặp phải “nó” lần cuối cùng gần đây nhất thì sao?
Chị Lan với thằng Long nhìn nhau, lăn tăn một lát, chị Lan mới nói cho tôi nghe:
– Là một nữ sinh bảo lưu kết quả Đại Học đi làm thêm kiếm tiền nộp học phí. Con bé ấy cũng là số khổ. Gia đình không có điều kiện lại ham học nên mới dở dang như vậy. Con bé tầm tuổi cậu, vào làm được hơn một tháng thì đụng phải “nó” nhưng không may mắn như cậu. Sau khi tỉnh dậy liền phát điên, không tự sinh hoạt được như bình thường nữa, gia đình phải đưa về quê chăm sóc.
Nghe đến đây, trong lòng tôi dâng lên một nỗi buồn thương khó tả. Dù sao cũng từng vô tình chung cảnh ngộ, tôi ít nhiều hiểu được cảm giác mà cô gái ấy từng trải qua – vài từ ít ỏi mà chị Lan nói, hoàn toàn không đủ để mô tả chúng.
Thậm chí cho đến nay, nhiều đêm tôi vẫn ngủ không ngon giấc, liên tục mơ thấy đoạn hành lang ấy, mơ thấy “nó” cuối cùng cũng tóm được tôi, kéo tôi vào bóng đêm vô tận, nhấm nuốt xác thịt tôi. Ác mộng chỉ kết thúc khi chuông báo thức vang lên, báo hiệu một ngày làm việc mới ở Bể Bơi Hà Bá lại chuẩn bị bắt đầu và tôi không thể không đi tới nơi là nguồn cơn của mọi việc ấy.
Dường như cảm nhận được tâm trạng của tôi lên xuống thất thường, chị Lan an ủi:
– Thật ra chú Lãm định kì sẽ gửi một khoản tiền cho gia đình họ, coi như bồi thường. Mặc dù không thể khiến con gái họ trở lại như xưa, nhưng cũng giúp họ bớt đi gánh nặng kinh tế.
Tôi đang thầm nghĩ, không phải nghi ngờ gì về mức độ hào phóng của chú Lãm, lại nghe thằng Long cười nhạt, nói:
– Chú Lãm vốn không cần phải làm thế, trên hợp đồng đã ghi rõ, nếu nhân viên không tuân thủ quy tắc gây ra sự cố, bản thân nhân viên phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, Bể Bơi sẽ không giải thích gì thêm. Chị ta đã vi phạm quy tắc, quay lại nhìn “nó”, trông thấy thứ không nên thấy mới dẫn đến hậu quả như vậy.
Nó hờ hững quay đi, lạnh nhạt nói:
– Ở đây có ai là không bán mạng vì tiền chứ? Lại còn kéo cả Bể Bơi vào một vụ rắc rối vớ vẩn, không đáng thương xót.
Chị Lan im lặng, coi như mặc nhận thằng Long nói đúng.
Tôi tuy chẳng bình luận gì, nhưng hoàn toàn không cho là thế.
Những người chưa từng rơi vào tình cảnh như chúng tôi đã từng, tuyệt đối không hiểu được cảm xúc của chúng tôi.
Tuy về mặt thể chất, tôi chỉ gãy một ngón tay út, trật khớp mấy chỗ, xây xát bầm dập, nghỉ ngơi tĩnh dưỡng vài ngày là ổn, nhưng về sức khoẻ tinh thần, có vài thứ trong tâm trí tôi đã mãi mãi không thể lấy lại được nữa. Ví dụ như sự tin tưởng và lòng nhiệt thành với công việc.
Còn cô gái kia, thậm chí đã phát điên. Phải trải qua một cú sốc lớn đến thế nào mới có thể khiến một người trẻ khoẻ mạnh bình thường sau một đêm trở nên thần trí bất minh?
Chỉ có chúng tôi mới hiểu được, “nó” luôn biết chúng tôi sợ gì, đồng thời muốn gì, cần gì, rồi toàn lực tấn công vào điểm yếu đó. Bộ Quy Tắc nói không sai, “nó” sẽ tìm mọi cách để giữ chân con mồi, nếu khi ấy tôi vì không kìm lòng được, quay đầu lại để thoả mãn trí tò mò bức thiết, để thị giác bù lại thính giác rệu rã, có lẽ bây giờ kẻ “không đáng thương xót” trong miệng thằng Long sẽ chính là tôi.
Quy Tắc chết tiệt đó quả thực vô cùng quỷ quyệt và khốn nạn, nhưng ở một góc độ nào đấy, tôi phải cảm ơn Quy Tắc Thứ Nhất, vì “nó” đã giúp tôi củng cố lại sự cảnh giác và niềm tin vào bộ Quy Tắc – điều mà sẽ cứu mạng tôi và các đồng nghiệp nhiều lần sau đó.
***
Tôi bị thương không nặng lắm nên gần như có thể đi làm trở lại ngay, thêm nữa là chú Lãm cũng động viên tôi cố gắng, Bể Bơi không thể tuyển nhân viên part-time.
Không lâu sau sự kiện “chấn động” của tôi, một tai nạn khác đã xảy ra – đương nhiên mỗi ngày ở Bể Bơi Hà Bá đều xảy ra cả đống những sự cố giời ơi đất hỡi, nhưng tai nạn lần này tôi muốn kể ra vì nó liên quan trực tiếp đến Bộ Quy Tắc và cũng đặc biệt nghiêm trọng.
Quy Tắc Của Bể Bơi Hà Bá
Quy tắc 2: Thay Nước
Chú thích: Nước trong các bể bơi kể cả trong nhà và ngoài trời đều phải được rút cạn sau mỗi ca và thay mới trước ca tiếp theo, cho dù từng có khách tắm hay không. Nếu nguồn nước xảy ra vấn đề, lập tức báo cho quản lý.
Lưu ý: Quy Tắc Thường Nhật, tuyệt đối tuân thủ.
Hết.
Quy Tắc Thứ Hai, khác hẳn với Quy Tắc Thứ Nhất, chỉ có vài dòng này.
Nhưng ai ngờ, nó hoàn toàn không đơn giản như tôi vẫn nghĩ.
Ban đầu cho là nó đơn giản bởi có bể bơi nào không yêu cầu như vậy đâu?
Trước đó chưa từng làm ở bể bơi khác nên tôi không rõ tần suất thay nước có cao như ở đây không nhưng yêu cầu thay nước chắc chắn là có. Cho nên đối với đám nhân viên chúng tôi, đây là quy tắc dễ thở và “giống người” nhất.
Mọi chuyện cứ êm đềm mãi cho đến một buổi tối thứ Hai, cả ngày tiết trời khá âm u khiến mọi người đều uể oải, tinh thần xuống dốc.
Tôi và một anh đồng nghiệp khác tên Tuấn là những người đầu tiên đến Bể Bơi chuẩn bị cho ca đêm.
Lúc ấy mới gần bảy giờ tối, đồng nghiệp ca trước vừa tan làm lúc sáu giờ hơn. Bình thường làm ca đêm tôi hay có mặt vào lúc bảy rưỡi, nhưng hôm nay không có việc gì nên tranh thủ qua sớm. Ai dè lại sớm đến mức chưa có một bóng người nào, anh Tuấn đến sau tôi vài phút.
Chúng tôi thay đồng phục Bể Bơi rồi chuẩn bị lên bơm nước mới vào bể, nhân viên nào trực bể nào đều đã được người phụ trách lên danh sách từ đầu đợt đổi ca.
Hôm nay anh Tuấn trực bể tầng bảy, còn tôi ở ngay tầng ba nên chúng tôi tạm biệt nhau sau khi thang máy dừng lại ở tầng tôi làm việc.
Đèn hàng lang trắng mờ thấm đẫm lên bức tường lam nhạt của bể bơi, ánh sáng lạnh lẽo bao trùm không gian khiến tôi cảm giác như trong này nhiệt độ thấp hơn nhiều so với ở bên ngoài.
Đáng lẽ ra quanh đây nên có kêu ong ong từ những bóng típ cũ và tiếng nước chảy róc rách trong hệ thống ống âm tường mới phải, nhưng kì lạ là ở Bể Bơi này, ngoài giờ mở cửa ra, mọi thứ, từ các tòa kiến trúc đến trang thiết bị, đều cứ như bị câm vậy, không phát ra âm thanh, không nhúc nhích di động, chẳng khác gì không tồn tại.
Sự yên tĩnh đến đặc quánh và không khí thâm trầm bủa vây khiến đầu óc tôi trở nên mông lung. Tôi nghĩ đến chị Phương, chị đúng là nhân hậu – kể cả khi tôi vì sang chấn tâm lý sau tai nạn mà tạm thời không thể giao tiếp bình thường với chị – chị vẫn đối xử với tôi rất tốt, còn suy nghĩ thấu đáo, không xếp lịch trực cho tôi lên những tầng cao nữa, đặc biệt là tầng bốn, tầng năm.
Trong niềm cảm kích xen lẫn sợ hãi với chị Phương, tôi đẩy cửa hồ bơi số ba ra – ngay cả cánh cửa bình thường cứ ken két vì bản lề han rỉ này hôm nay cũng im như thóc ngâm, cảm giác cả thế giới không một phản hồi khiến tôi bức bối đến muốn nổ tung.
Đúng lúc ấy, một tiếng hét bàng hoàng từ bên trên vọng xuống, xuyên thấu qua những lớp tường dày của tòa nhà, phá tan bầu không khí nặng nề, đâm vào màng nhĩ tôi.
Tôi sững người, là giọng anh Tuấn.
Không kịp nghĩ gì, cũng chẳng kịp đợi thang máy, tôi hùng hục trèo thang bộ lên trên.
Vừa đến đầu sảnh tầng bảy, tôi đã phải bụm miệng nôn khan vì một thứ mùi hôi thối kinh khủng xộc vào khoang mũi.
Đó là một thứ mùi rất khó tả, như là hỗn hợp mùi của mùi phân tươi, mùi xác chết thối rữa và mùi hóa chất tẩy rửa đậm đặc, vừa tanh hôi vừa cay xè.
Mới chưa đến nửa phút mà nước mắt nước mũi tôi đã đua nhau chảy ra, cổ họng nhờn nhợn, đầu óc quay cuồng.
Tôi cởi cái áo phông Bể Bơi Hà Bá đang mặc, chế tạm một cái khẩu trang che lên mũi miệng, cố gắng chạy về phía phòng số năm nơi anh Tuấn trực hôm nay.
Càng đến gần mùi thối càng nồng nặc, tôi chỉ có thể hé mắt, đè chặt cái áo chặn trước mũi, hít thở thật khẽ để bớt ngửi phải nó chút nào hay chút ấy.
Tới nơi tôi thấy anh Tuấn đang ngã gục trước cửa phòng, bãi nôn bầy nhầy ở ngay dưới chân cộng thêm máu tươi rỉ ra từ khóe mắt anh cho tôi biết anh đã và đang ở trong tình trạng tồi tệ đến mức nào.
Tôi vội vàng đỡ anh dậy, kéo anh ra xa khỏi căn phòng. Lúc này anh Tuấn đã mê man bất tỉnh.
Trong thoáng chốc ngẩng đầu, tôi liếc thấy khung cảnh ở bên trong. Vì trời tối, lại chưa bật điện nên không rõ ràng lắm, nhưng lờ mờ vẫn có thể nhận ra, nước trong hồ đã chuyển sang màu đỏ đục, sánh quện lại, bốc mùi kinh tởm.
Cứu người như cứu hỏa, không trì hoãn được, tôi dìu anh Tuấn dậy, muốn đưa anh xuống dưới trước.
Ai dè, vừa xuống đến tầng sáu, anh Tuấn đã lấy lại một phần ý thức, nhưng vì mắt bị tổn thương nên có vẻ anh không nhận ra tôi, liên tục giãy giụa thoát ra khỏi tay tôi, rên rỉ đau đớn.
Tôi vừa sốt ruột vừa bất đắc dĩ, vội nói:
– Là em, em đây, anh Tuấn.
Anh Tuấn nghe thấy giọng tôi mới an tâm lại, nhưng sau đó lập tức vùng dậy, cố gắng nói vào tai tôi bằng chất giọng khàn đặc do cổ họng bị tổn thương:
– Quy… Quy Tắc… Thứ Hai, gọi chú… chú…
Anh Tuấn chưa nói hết tôi đã hiểu ý, nhưng tôi không thể bỏ anh lại, nên kiên quyết dìu anh đi tiếp:
– Để em đưa anh xuống đã.
Anh Tuấn dùng hết sức lực đẩy tôi ra, yếu ớt mà kiên cường, thì thào:
– Nhanh lên… đi… tìm chú Lãm, nếu không… tất cả sẽ… sẽ chết!
Tâm trí tôi giằng xé dữ dội, tôi hiểu, thậm chí hiểu rõ hơn nhiều người ở đây, rằng những Quy Tắc kia kinh khủng và cường hãn đến mức nào, lương tâm lại tuyệt đối không cho phép tôi bỏ rơi đồng nghiệp của mình trong hiểm cảnh.
Nhưng anh Tuấn nói đúng, chúng tôi có lẽ sẽ cùng chôn thây ở đây nếu tôi còn không chịu làm gì đó. Cuối cùng tôi chỉ đành cắn răng đỡ anh dựa vào lan can tầng sáu, rồi chạy như điên xuống tìm chú Lãm.
May sao đúng lúc đó, chú Lãm cũng từ trong phòng bước ra, thấy tôi thở ồ ồ như trâu, mặt mũi tái nhợt, quần áo lôi thôi, ông biết ngay là đã xảy ra chuyện, vội hỏi:
– Sao vậy?
Tôi ôm ngực, hai bên mạng sườn đau nhói, nói không ra hơi:
– Chú, chú Lãm… Quy… Quy Tắc… Thứ Hai, tầng bảy… phòng năm, hồ… hồ bơi màu đỏ!
Chú Lãm biến sắc, trước khi chạy lên còn vội vàng dặn dò tôi:
– Nhà kho, can hóa chất màu đen, mang đến đó, càng nhiều càng tốt, càng nhanh càng tốt, nhớ chưa?
Không kịp nghe xem tôi trả lời là nhớ hay chưa nhớ, chú Lãm đã chạy mất dạng, ngay cả phong thái điềm tĩnh, sang trọng mọi ngày cũng chẳng duy trì nữa, nhưng giờ này rồi ai còn để ý mấy cái đó.
Thang máy đã chờ ở tầng một nên tôi liền nhảy vào, bấm thang lên kho – chỉ có thang máy nhân viên mới có thể dẫn thẳng lên kho – trong lúc đó, tôi không ngừng lặp đi lặp lại lời chú Lãm dặn: nhà kho, can hóa chất đen, càng nhiều càng tốt, nhà kho, can hóa chất đen, càng nhiều càng tốt,..