Ai đó từ ca làm trước đã vi phạm Quy Tắc Thứ Hai và giờ là lúc chúng tôi phải tranh thủ từng giây từng phút cứu vãn tình hình.
Phần 5: Những bức tượng cẩm thạch
Lòng tôi như lửa đốt, hai mắt ghim chặt vào bảng điện tử của thang máy, nó nào hiểu được tâm trạng và ý nguyện của tôi lúc này, chỉ biết lạnh lùng mà chậm rãi nhảy số thôi.
Tầng một, tầng hai,… rồi tầng bảy, con số đỏ rực trên bảng nhảy về “0”!
Cửa chưa kịp mở hoàn toàn tôi đã nhào ra khỏi buồng thang máy, ngã dúi dụi trên hành lang tầng nhà kho.
Tôi vội vàng bò dậy, vừa thở hổn hển vừa quét mắt một vòng khung cảnh xa lạ phía trước – vì không nằm trong phân công nhiệm vụ, tôi chưa bao giờ lên trên này, thường chỉ có những nhân viên giàu kinh nghiệm và “nghiệp vụ” đặc biệt của Bể Bơi mới được chỉ định làm việc trên kho.
Bởi ở đây có những Quy Tắc đặc thù.
Tôi không dám lãng phí một giây một phút nào nhưng cũng tuyệt đối không dám cẩu thả, lơ là.
Khác hẳn so với các tầng dưới, tầng gác lửng này trần thấp, lại không có dãy cửa số kính cho nên vô cùng tối tăm, tôi chỉ có thể nương vào ánh sáng mờ ảo từ những lỗ ánh sáng chỉ bằng bàn tay, cứ mấy mét vách tường lại có một cái.
Đối diện với tôi lúc này là những căn phòng đóng kín, tôi nheo mắt nhìn, phát hiện ra các tấm cửa gỗ giống nhau đến kì dị, khiến tôi tưởng như mình đang gặp ảo giác.
Nhưng nghĩ lại thì ở Bể Bơi Hà Bá này, gặp được chuyện bình thường mới là bất thường. Tuy không thể làm quen nhưng chúng tôi cũng đã học cách chấp nhận sự thật này.
Suy nghĩ trong đầu tôi xoay chuyển cực nhanh, chú Lãm không nói cho tôi biết những can hoá chất màu đen nằm ở phòng nào của nhà kho, giờ tôi chỉ có thể đi bước nào hay bước đấy, đồng thời cầu Phật, cầu Chúa, cầu gia tiên nhà tôi phù hộ, để tôi vừa mở cửa ra sẽ thấy thứ mình cần tìm, tuy xác suất thấp nhưng không phải không có khả năng.
Vào những lúc thế này tôi đột nhiên có niềm tin mãnh liệt vào các thế lực tâm linh, dường như công việc ở đây, những gì tôi phải trải qua đã khiến cơ chế phòng ngự trong tôi tự động bật lên, một trong những cơ chế ấy chính là cầu nguyện trong khi thực tế tôi không theo tôn giáo nào cả. Quả là nực cười.
Tôi mạnh dạn bước tới cánh cửa gần mình nhất, cắn răng vặn tay nắm cửa.
Khác với tưởng tượng của tôi, cánh cửa “cạch” một tiếng rồi nhẹ nhàng mở ra.
Bụi bặm trong căn phòng không được lau dọn thường xuyên ập vào mặt khiến tôi ho một cơn dữ dội.
Bình phục lại từ cơn ho, tôi mới để ý đến khoảng không tăm tối trước mắt.
Tôi lật đật móc điện thoại ra, định bật đèn pin lên soi đường.
Liếc qua màn hình, bấy giờ là bảy giờ mười phút, mới ba phút trôi qua kể từ lúc bước vào thang máy mà tôi tưởng như mình đã lãng phí nửa đời người ở nơi này.
Ánh đèn pin của điện thoại chẳng xi nhê gì với bóng tối đặc quánh trong căn phòng. Tôi chỉ có thể trông thấy khoảng sàn nhà trong phạm vi hơn một mét trước mặt. Không còn cách nào khác, tôi đành phải bước vào trong thay vì kế hoạch sẵn có là sẽ lướt qua từng căn phòng cho đến khi tìm được thứ chú Lãm dặn.
Tôi dè dặt bước thêm vài bước, vòng tròn ánh sáng của điện thoại chiếu đến thứ gì đó ở góc trái tường cách tôi không xa lắm.
Những can hoá chất màu đen!
Rất nhiều, cỡ phải cả trăm can ba lít xếp san sát, ngoài việc có vỏ màu đen và không có nhãn mác ra thì hình dáng của chúng hệt như những can nước giặt bình thường.
Tôi khẽ hô lên vui sướng, quá tuyệt vời, tạ ơn trời đất!
Nhưng ngay khi tôi chuẩn bị chạy ào đến bên những can hoá chất thân yêu lạ lùng kia, khoé mắt tôi lại vô tình liếc thấy “những thứ khác” ở góc phòng đối diện!
Tôi đứng khựng lại, khó khăn nuốt nước bọt, bình tĩnh đưa điện thoại lên soi về hướng tay phải.
Chúng cao tầm hai mét, đều được phủ vải trắng, chen chúc bên nhau, đứng sừng sững trong góc phòng.
Đúng là chúng rồi!
Chết tiệt!
Quy Tắc Thứ Sáu, cẩn thận những bức tượng cẩm thạch!
Phải chăng ở dưới những tấm vải che kia là những đôi mắt trắng đục vẫn hau háu nhìn tôi nãy giờ, khoé miệng cứng đờ vẽ lên nụ cười châm chọc?
Tôi hít một hơi thật sâu, cố gắng lấy lại bình tĩnh trong khi đầu lưỡi đã cứng lại, sau gáy toát mồ hôi lạnh.
Tôi nhớ lại Quy Tắc Thứ Sáu, nó nói chỉ cần số bức tượng là số chẵn thì sẽ không có gì nguy hiểm.
Tôi cẩn thận đếm từ trái sang phải, từ phải sang trái, còn nhìn từ các góc độ khác nhau để đảm bảo không bỏ sót bức nào.
Một, hai, ba, bốn, năm, sáu.
Một, hai, ba, bốn, năm, sáu!
Ổn rồi, chí ít hiện tại mọi thứ vẫn trong khả năng kiểm soát của tôi.
Không chần chờ gì nữa, tôi nhảy bổ đến chỗ để những can hoá chất, lấy cái áo ban nãy dùng làm khẩu trang, lúc này lại chế thành cái bị nhỏ, cố gắng nhồi nhét được càng nhiều càng tốt rồi vác lên vai, hai tay và cả thắt lưng quần chỗ nào ôm, móc được đồ tôi đều dùng đến cả.
Tôi rời khỏi căn phòng trong niềm hân hoan xen lẫn lo lắng khó tả. Trước lúc lấy chân đá cánh cửa đóng lại, tôi thoáng nhìn qua những cái bóng trắng mờ ẩn mình trong bóng tối, bất giác nhẩm đếm.
Một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy!
Trái tim tôi tức khắc vọt lên tận cổ.
Tôi đóng sập cánh cửa lại, tự nhủ, có lẽ mình nhìn nhầm, rồi ép tâm trí hỗn loạn của mình trở về với những gì đang xảy ra ở tầng dưới.
Không chờ thang máy nữa vì rất mất thời gian, tôi như con kiến lạc bầy ham miếng vụn bánh ngon, ì ạch tha năm sáu can hoá chất qua thang bộ xuống tầng bảy.
Thứ mùi kia lại bắt đầu tập kích tôi khiến con đường phải đi trở nên dài và gian nan hơn gấp bội.
Mỗi một giây hít vào thứ không khí ô uế này lại khiến đại não của tôi thêm một phần tê liệt. Đầu óc tôi cứ quay mòng mòng trong khi hai tay vô thức siết chặt cái túi tự chế thô sơ đựng đầy hy vọng của mình.
Hồ bơi số năm đã ở ngay phía trước, càng đến gần mùi càng nồng, thậm chí tôi phát hiện ra, bao quanh cửa phòng lúc này là một làn sương đỏ chùng chình, đang chậm rãi lan ra khắp hành lang.
Tôi gồng mình, guồng chân chạy thật nhanh, cuối cùng hụt hơi ngã nhào trước cửa phòng, mấy can hoá chất quanh người tôi lăn lóc trên mặt đất, cũng may không vỡ đổ chút nào.
Sương đỏ giăng bốn phía cùng với ánh đèn típ trắng nhấp nháy liên hồi kích thích thị giác khiến tôi không nhìn rõ gì cả, cũng không biết chú Lãm đang ở đâu, tôi vội vàng kêu lên:
– Chú Lãm, cháu mang hoá chất xuống rồi đây! Giờ cháu phải làm gì?
Đúng lúc đó, một tràng ho khan dữ dội vang lên, kế đến, chú Lãm bước ra từ trong màn sương.
Tôi trợn tròn đôi mắt cay xè, ngạc nhiên lẫn kinh sợ nhìn ông.
Chú Lãm trong ấn tượng của tôi vẫn luôn là một người kín đáo, lịch sự, chú trọng hình thức. Không bao giờ ông xuất hiện trước mặt chúng tôi với một nếp nhăn trên vạt áo hoặc tóc tai rối bời. Âu phục thẳng thớm, giày da bóng lộn, ngay cả nét mặt, biểu cảm cũng được điều chỉnh vô cùng chỉn chu, vừa phải đã trở thành nhận diện thương hiệu của người quản lý sang trọng mà nghiêm nghị của chúng tôi.
Nhưng lúc này, người đứng trước mặt tôi, tóc tai bù xù, ánh mắt vô thần, biểu cảm không thể nói là đang khóc hay đang cười, chỉ là cơ bắp co rút lại theo các hướng khác nhau, khiến mỗi một vùng mặt lại cho ra một sắc thái dị biệt.
Chú Lãm đã cởi phăng áo vest lẫn sơ mi, để trần thân trên. Nhưng ngay cả điều đó cũng không kinh khủng và khiến tôi sốc bằng những đường rạch sâu hoắm dọc ngang trên bụng, cổ, vòng ra sau lưng, đang chảy máu ồ ạt, nhuốm đẫm cái quần Âu đen của ông, tạo thành hai mảng màu hoàn toàn khác biệt.
Và còn cả con dao găm cũ kĩ vẫn còn vương sắc đỏ trong tay chú Lãm nữa – con dao mà có lẽ chính là thứ đã gây ra những vết thương trên người ông.
Tôi chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra, lắp bắp không thành câu:
– Chú… chú Lãm, cháu…
Chú Lãm không để ý đến vẻ mặt kinh sợ của tôi, bình tĩnh nói:
– Mở nắp can, đổ vào hồ bơi, nhanh lên.
Tôi bừng tỉnh, chợt nhớ ra lúc này xử lý cái hồ bơi kia mới là việc quan trọng, chú Lãm tự có chừng mực, chẳng cần tôi đến dạy ông làm thế nào hay lo lắng thay cho ông.
Tôi lập tức vùng dậy, nín thở kéo các can hoá chất đến bên hồ bơi, vặn nắp dốc xuống. Hoá chất bên trong đổ ra, lỏng chứ không đặc, hơi ngạc nhiên vì dung dịch bên trong can lại là màu xám trắng, giống như màu xi măng hay đại loại thế. Tôi liều mình ghé mũi ngửi mới thấy mùi hăng hắc nhàn nhạt, không hẳn là thơm nhưng so với thứ mùi kinh tởm đang bá chiếm không khí này thì cứ như mùi nước hoa hàng hiệu so với mùi hôi nách vậy.
Đổ đến can thứ ba, chăm chú nhìn dung dịch chảy thành dòng trộn vào thứ nước hồ đỏ rực rồi biến mất vô tung, tôi mới phát hiện ra, hình như trong nước có lợn cợn thứ gì đó, rất nhiều nhưng nhỏ vụn cộng thêm điều kiện ánh sáng không tốt nên tôi không nhận ra sớm hơn.
Hiếu kì nheo mắt phân biệt trong khi không ngừng vặn can mới đổ xuống, trong giây lát nhìn ra chúng rốt cuộc là thứ gì, tôi bàng hoàng hét lên, bò ra xa khỏi mép hồ, chạy vào góc phòng nôn mửa.
Thứ lợn cợn trong làn nước đỏ đặc sánh dưới hồ, là những đốt ngón tay, lỗ tai, lỗ mũi, vô cùng nhiều, máu thịt lẫn lộn!
Tôi ôm cổ họng chua rát, vừa ngẩng đầu lên nhìn, lại phát hiện ra, căn phòng số năm sau khi tôi rời đi chỉ mới năm, mười phút dường như đột nhiên cũ đi ba, bốn mươi năm, nước sơn xanh pastel trên tường bong tróc ghẻ lở, các góc tường, góc xà đã nứt hoác ra, khắp nơi mọc đầy rêu xanh ẩm mốc, còn các thiết bị bằng kim loại thì han rỉ, rơi gãy trên mặt đất!
Rốt cuộc chuyện này là sao!
Tôi quay phắt ra nhìn người quản lý.
Nhưng chú Lãm thì không nhìn tôi, ông ấy vẫn ở vị trí ban nãy nhưng đã quay lưng lại với hồ bơi, quỳ trên mặt đất, gục đầu im lặng. Máu vẫn không ngừng chảy ra từ người chú Lãm.
Tôi sững sờ, không còn cách nào khác ngoài tiếp tục đổ hoá chất xuống hồ.
Can thứ tám cũng là can cuối cùng đã dốc đáy, tôi bò dậy, chạy đến bên ông.
Đúng lúc ấy chú Lãm cũng mở bừng mắt, ngẩng đầu nhìn tôi, khó nhọc nói:
– Đi ra đi, cho đến khi tôi xuống, đừng để ai lên tầng bảy.
Tôi gật đầu thật mạnh, đáp:
– Cháu hiểu rồi – Nói xong liền ra khỏi đó.
Trước khi cánh cửa hoàn toàn khép lại, qua khe hẹp, tôi trông thấy chú Lãm vẫn quỳ trên mặt đất nhưng đã quay mặt đối diện với hồ nước, thần sắc quyết tuyệt lẫn tang thương, nhúng bàn tay mình xuống làn nước đỏ!
Tôi sợ hãi đóng sập cửa.
Tiếng gào thét thảm thiết của chú Lãm liền bị chặn lại sau những bức tường cách âm