Đồng nghiệp mới bị đuổi việc, cuộc sống của chúng tôi ở Bể Bơi Hà Bá lại trở về bình thường, lần đầu tiên tôi gặp Người Đội Nón.
Phần 7: Người Đội Nón
Thằng Long chân tay rụng rời vì sợ hãi, đờ đẫn nhìn dưới thân gã đàn ông lúc này đã đọng một vũng máu thâm đen!
Nhưng đó chưa phải điều kì dị nhất, mặc dù chúng tôi biết cái bể bơi chết tiệt này kì dị đến mức nào.
Những người khách khác xung quanh dường như hoàn toàn không nhìn thấy màn giằng co vừa diễn ra giữa hai người nhân viên và ông khách không mời. Họ vẫn vui vẻ hào hứng bước qua bậc thềm, đi lên sảnh, đến quầy vé. Có người còn điềm nhiên giẫm vào vũng máu, hàng dấu chân đỏ thẫm rải lên tấm thảm màu xanh lam nhạt vô cùng nổi bật.
Đột nhiên, lão già chậm rãi bò dậy, với cái đầu chực rời khỏi cổ.
Thằng Long hồi thần, vội vàng chống tay đứng lên. Cô nhân viên mới của chúng tôi đã ngất lịm, nó phải kéo cô ta lết trên sàn nhà, thoát vào bên trong. Lúc này, chỉ có trong bể bơi là an toàn nhất.
Sau khi hai người đều đã hoàn toàn ở sau khung cửa, thằng Long mới thả cô gái ra, quỳ xuống đất thở hổn hển. Nó nhìn ra cửa, lão già vẫn ở đó, chậm rãi bò đến bên cột chống màu trắng kem, ngồi tựa vào, thở hổn hển như một con trâu mộng, bọt máu phập phồng trên vết cắt nham nhở.
Rồi, lão tan chảy đúng nghĩa, giống như một cây kem dưa hấu rơi xuống đất, chảy ra dưới ánh nắng chói chang, đỏ loét, nhơ nhớp. Lão phân hủy bắt đầu từ hai chân, đến đầu gối, đến đùi, đến mông, cuối cùng phần thân trên không có điểm tựa nữa, đổ sập xuống. Mấy mảng da dính trên cột cũng tan thành máu, từng vệt từng vệt chảy ròng ròng. Thằng Long trợn tròn mắt nhìn mãi, cho đến khi lão già cao to chỉ còn lại cái đầu với một con mắt lồi ra khỏi tròng.
Cảnh tưởng kinh tởm này khiến một thằng gan cóc tía như Long cũng phải òa ọa nôn khan. Nó vội chạy lại bên quầy bán vé, hét lên:
– Chị Mỹ, chị Mỹ, có lão khách ban đêm đến phá chúng ta kìa!
Nhưng kì lạ thay, chị Mỹ cứ như không nhìn thấy nó, mặt không đổi sắc, tay xé vé cho khách đều đều. Thằng Long vừa vội vừa giận, đấm lên mặt quầy cái rầm:
– Chị Mỹ! Nghe thấy em không?
Bấy giờ, nữ đồng nghiệp tên Mỹ mới như người ngủ mê vừa tỉnh, thoạt tiên ngơ ngơ ngác ngác, sau đó nhìn thấy thằng Long mặt mũi xanh mét, cô đồng nghiệp mới lúc này đã nằm đo sàn, không rõ sống chết, chị Mỹ che miệng, hãi hùng kêu lên rồi vội gọi người đến chăm sóc bọn họ, bản thân vẫn phải tiếp tục đứng quầy, bể bơi không thể thiếu nhân viên phục vụ.
Người được gọi đến chính là tôi.
Lúc tôi chạy lại, thằng Long đang ngồi thất thần, bên cạnh nó là đồng nghiệp mới chưa tỉnh. Tôi gặng hỏi chuyện, nhưng thằng Long nói mãi không ra câu, cứ chỉ ra ngoài, ý bảo tôi tự xem đi.
Tôi bước đến bên cửa, không dám tiến xa hơn. Khi ấy thì chẳng còn lão già nào nữa, chỉ còn hai vũng máu đọng trên mặt đất, một ở dưới thềm, một ở dưới chân cột đang bị những người khách vô tri vô giác giẫm lên. Cái thảm xanh đã bị nhuộm thành màu tiết canh.
Tôi quay lại bên thằng Long, hai anh em không nói gì nhiều, chỉ lặng lẽ khênh đồng nghiệp mới vào phòng nghỉ chung. Lúc đặt người đó xuống giường, có thứ gì trượt ra từ trong túi áo vest của cô ta ra – là điện thoại di động. Tôi không hứng thú lắm với đồ riêng tư của người khác, chỉ có thằng Long thuận tay nhặt cái điện thoại lên, dùng vân tay của chủ nhân mở ra. Ban đầu là vì tò mò nhưng càng xem mặt nó càng nhăn lại. Thay đổi này đã gợi lên cả sự tò mò của tôi nữa, tôi bèn hỏi:
– Sao vậy?
Thằng Long tắt điện thoại đi, bỏ lại vào túi áo của cô ta, trầm trọng đáp:
– Cô ả này là phóng viên báo lá cải.
Ra vậy.
Mọi chuyện đột nhiên sáng rõ hơn nhiều rồi, bao gồm thái độ từ trước đến giờ và hành động giết người không dao của cô ta hôm nay. Chúng tôi hoàn toàn có căn cứ để nghi ngờ, đồng nghiệp mới tiếp cận với Bể Bơi Hà Bá với một mục đích bất chính.
Đúng lúc ấy, chú Lãm đi vào, không có nhân viên nào theo sau. Cũng phải, ba người chúng tôi rời khỏi vị trí là quá đủ để phá vỡ buổi sáng tốt lành của chú Lãm rồi.
– Có chuyện gì? – Chú Lãm hỏi.
Thằng Long không vội kể, có vấn đề khác quan trọng hơn. Nó chỉ vào người đang mê man bất tỉnh trên giường, hỏi:
– Chú Lãm, chú có biết cô ta là phóng viên không?
Câu trả lời của người quản lý nằm ngoài dự đoán của cả hai chúng tôi:
– Có biết.
Đừng nói thằng Long tính khí nóng nảy, ngay cả tôi nghe xong cũng phải nhíu mày, chuyện này không ổn chút nào. Cho một phóng viên báo lá cải – một kẻ sẵn sàng bán cả linh hồn để có được tin tức đáng giá – vào làm ở Bể Bơi Hà Bá – nơi mọi tin tức đều là tuyệt mật, chú Lãm rốt cuộc đang nghĩ gì chứ?
Thằng Long lập tức chất vấn:
– Tại sao…
Nhưng chú Lãm đưa tay lên ngắt lời nó, lạnh nhạt đáp:
– Các cậu không cần hỏi nữa, tôi sẽ không trả lời. – Chú Lãm nhìn bọn tôi, ánh mắt đầy thâm ý: – Mặt khác, cũng đừng đề cập chuyện này với bất cứ ai, đây là mệnh lệnh.
Từ đầu đến cuối, chú không liếc đến cô gái nằm trên giường một lần nào. Trước khi rời đi, chú nói:
– Đợi người kia tỉnh dậy, dẫn đến phòng quản lý.
Tiếng sập cửa như một quả tạ giáng vào tim hai bọn tôi.
Thằng Long ngồi sụp xuống đất, tức giận làu bàu:
– Lão già giả thần giả quỷ, có tiền là ghê gớm lắm sao? Có tiền là mọi người phải bán mạng cho lão rồi chết mà không biết vì sao mình chết, chết oan chết uổng sao? Tiền mua được tất cả chắc…
Tôi đang nghĩ ngợi vài chuyện nghiêm túc cũng phải phì cười vì nó:
– Tiền không mua được tất cả, nhưng mua được hầu hết những gì đám nhân viên trong Bể Bơi này cần.
Thằng Long cũng biết thế, nên nó thôi không làu bàu chú Lãm nữa, quay sang trút giận lên đồng nghiệp mới:
– Mẹ cái con khốn này nữa, làm ông đây suýt thì hẹo vào một ngày đẹp trời…
Không lâu sau, người kia tỉnh lại. Nhưng xem bộ dạng hai mắt vô thần nhìn lên trần nhà, miệng há ra như cá ngão, hai tay nắm chặt vạt áo, tôi cũng không chắc cô ta có thực sự “tỉnh” hay chưa nữa. Chúng tôi chỉ biết làm theo mệnh lệnh, nửa lôi kéo, nửa xách vác, đưa đồng nghiệp mới đến phòng chú Lãm.
Cửa đã để ngỏ, chúng tôi chật vật đẩy cô ta vào. Chú Lãm đang ngồi trước bàn làm việc viết lách gì đó, thấy người đã đến liền buông bút đứng dậy, ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống ghế, còn chú thì mở ngăn kéo lấy ra một xấp giấy quen mắt.
Là bản hợp đồng mỗi người đều phải điểm chỉ trước khi vào làm.
Chú Lãm ngồi xuống đối diện chúng tôi, chuẩn xác lấy ra trong xấp giấy đó bản của đồng nghiệp mới, đặt nó lên bàn, xoay về phía cô ta, rồi mặc kệ con người ngơ ngơ ngác ngác dường như không còn đủ ba hồn chín vía đó nghe có hiểu không, chậm rãi nói:
– Cô (giấu tên), cô đã vi phạm hợp đồng lao động giữa hai bên, quản lý Nguyễn Bắc Lãm thay mặt cho giám đốc Bể Bơi Hà Bá tuyên bố cô bị đuổi việc. Về phần tiền lương, cô chắc chắn sẽ nhận được những gì xứng đáng được nhận.
Nói rồi, chú lấy từ ngăn bàn ra một chiếc bật lửa, cuộn bản hợp đồng lại, châm lửa đốt.
Ánh lửa bập bùng phản chiếu trong đôi mắt ngây dại của cô đồng nghiệp. Thật ra tôi bắt đầu cảm thấy cô này cũng có chút đáng thương, với vai trò là một phóng viên, đây có thể coi là tai nạn nghề nghiệp nhớ đời rồi.
Lửa cháy gần đến tay, chú Lãm buông ra, để mảnh tàn tự do rơi xuống đất. Không biết có phải ảo giác hay không, trong khoảnh khắc lửa đốt dấu vân tay bằng máu, tôi chợt nghe có tiếng xèo xèo rồi một làn khói đỏ mỏng nhẹ bay lên từ nốt điểm chỉ ấy, nhanh chóng thất tung trong không khí.
Đúng lúc tôi đang ngây người, cô ta đột nhiên thét lên một tiếng, vùng khỏi tay hai bọn tôi, nhảy qua lưng sô pha rồi tông cửa bỏ chạy. Chúng tôi chồm dậy định đuổi theo, chú Lãm lại cao giọng hô:
– Không cần đuổi! – Chú sắp lại tập giấy tờ, hờ hững nói: – Người ở đâu sẽ tự biết tìm về đó.
Hai chúng tôi nhìn nhau, chỉ biết im lặng.
Từ đó về sau, tôi không bao giờ nghe tin tức gì về cô gái đó nữa, không biết cô ấy sống hay chết, đã tỉnh lại hay vẫn ngơ ngác, ôm yếu hay khỏe mạnh. Cũng phải thôi, trong trường hợp xấu nhất, người đó chết rồi thì cái chết của một phóng viên quèn cũng chỉ như hàng ngàn cái chết khác diễn ra mỗi ngày, chết già, chết bệnh, chết tai nạn,… Bình thường, tầm thường, không có gì đáng nói.
Ngay cả bản thân chúng ta cũng vậy thôi.
Những cột chống trước thềm bể bơi đã được sơn lại, quay trở về dáng vẻ nguy nga, xinh đẹp vốn có, cuộc sống ở bể bơi cũng vậy. Và qua sự việc lần này, tôi chỉ muốn lưu ý: nếu bạn gặp tình huống như tôi, đừng bao giờ cố vi phạm các quy tắc!
***
Chắc các bạn đã rất hào hứng để nghe về Quy Tắc Thứ Tư rồi phải không? Thật ra đây là một quy tắc vừa vui nhộn vừa rùng rợn với rùng rợn chiếm phần hơn nên tôi cũng muốn giới thiệu với các bạn lâu rồi. Có điều dạo này Bể Bơi nhiều việc quá, hơn nữa có vẻ quản lý đã để ý thấy có gì không ổn ở chỗ tôi nên tôi cũng phải thu liễm một chút.
Được rồi, dù sao tôi đã quay lại đây.
Quy Tắc Của Bể Bơi Hà Bá
Quy Tắc 4: Thỉnh thoảng Người Đội Nón sẽ xuất hiện ở đâu đó quanh Hồ Bơi. Nếu anh ta chỉ đứng yên TRÊN BỜ, hoặc đi dạo dọc hành lang, hãy mặc kệ anh ta, coi như không nhìn thấy và cứ làm việc của bạn. Nhưng nếu anh ta đứng ngập DƯỚI NƯỚC hãy cố gắng vớt anh ta ra khỏi hồ.
Chú thích: Người Đội Nón sẽ quyết liệt chống trả, hãy dùng hết sức mạnh và niềm tin của mình.
Chú thích 2: Trong lúc đưa anh ta lên bờ, tuyệt đối không được: nhìn vào mặt, đáp lời, bỏ nón của Người Đội Nón. Nếu lỡ phạm vào một trong những điều trên, hãy lặn xuống nước càng lâu càng tốt, bảo vệ kĩ càng mắt, miệng, lỗ tai và mũi của mình. Anh ta sẽ bỏ cuộc sau khoảng 5 – 7 phút, nếu thời gian dài hơn (dấu vết gạch xóa), chúc bạn may mắn.
Đó là toàn bộ nội dung của Quy Tắc Thứ Tư.
Tại sao tôi lại nói nó có phần thú vị ư? Bởi Quy Tắc này thường xuyên xuất hiện nhưng khá là thân thiện. À đương nhiên, mức độ thường xuyên và thân thiện không nhiều đến mức chúng tôi có thể trở thành bạn tâm giao hay sẽ chào hỏi nhau mỗi lần bắt gặp nhưng đủ để chúng tôi quan sát kĩ và có vài hiểu biết về “anh ta”.
Thời gian và địa điểm Người Đội Nón xuất hiện là không cố định, như Quy Tắc đã nói. Bạn có thể nhận ra anh ta bằng vẻ ngoài khác lạ. Người Đội Nón đúng với tên gọi, anh ta đội một chiếc nón lá hơi cũ, mặc đồ vải nâu như các cụ nông dân ngày xưa, anh ta cũng thấp bé và hơi gầy gò nhưng cánh tay bắp chân trông có vẻ rất hữu lực, cảm giác như một người thường xuyên lao động nặng, làm việc đồng áng chẳng hạn. Khuôn mặt của Người Đội Nón luôn khuất sau chiếc nón lá kéo thấp, chúng tôi chỉ có thể thấp thoáng trông thấy chiếc cằm gầy nhọn, da thịt hở ra ngoài quần áo hơi xanh xao nhưng căng bóng, tạo cảm giác sai sai thế nào ấy.
Bản thân tôi đã gặp Người Đội Nón vài lần, lần đầu tiên đúng trên hành lang. Tôi khá giật mình vì khi ấy là cuối ca đêm, khách đã về vãn, cách tôi một đoạn không xa, bóng người nhỏ bé xuất hiện đột ngột như chui ra từ vách tường, vì rõ ràng lúc nãy tôi chẳng thấy ai ở đó cả, mắt tôi chưa từng dời đi một giây nào.
Người Đội Nón chậm rãi bước về phía tôi, đầu cúi gằm, hai tay vung đều đặn như đếm nhịp, động tác lộ ra vẻ cứng ngắc.
Tôi chần chừ một chút xíu rồi bình tĩnh ôm đống thiết bị vừa thay lên, đi về phía cầu thang – chính là đối mặt với Người Đội Nón. Thành thực mà nói thì tôi cũng hơi sợ, thứ quái gì ở trong cái bể bơi này, mỗi cái bảng chỉ dẫn, máy bơm nước, cánh cửa, bức tường,… đối với tôi mà nói đều thật kì dị và đáng sợ. Nhưng bạn không chứng kiến sẽ rất khó để tưởng tượng, anh ta thực sự, thực sự trông không có tính uy hiếp chút nào, thậm chí còn có vẻ đáng thương nữa. Mặt khác thì, Quy Tắc Thứ Tư cũng viết, nếu thấy Người Đội Nón dạo trên hành lang, hãy mặc kệ anh ta, cho nên tôi đã thử.
Khoảnh khắc hai chúng tôi lướt qua nhau, cảm giác như có cơn gió lạnh thổi vào sau gáy. Một linh cảm lạ lùng đột ngột chui ra trong tâm trí tôi, hình như anh ta đã, đang nhìn tôi chằm chằm, ánh mắt ấy lạnh lẽo và có chút tò mò. Nhưng bước chân tôi vẫn đều đều, cũng không hề quay đầu để kiểm chứng suy nghĩ trên.
Những tưởng một quy tắc dễ dàng “bước qua đời nhau” thế là đáng mừng lắm rồi, ai dè có người còn được một tấc, tiến một thước. Vẫn là nhân vật thị phi quen thuộc của chúng ta – thằng Long.
Trong khi mọi người lao tâm khổ tứ để tránh vi phạm quy tắc, thằng Long lại thăm dò giới hạn của các quy tắc. Các bạn không thể tin nổi đâu, nghe các đồng nghiệp khác kể lại, trong một lần gặp Người Đội Nón đứng ở dưới sân bể bơi, nó vậy mà dám đưa chổi cho anh ta, để anh ta quét sân giúp! Bọn họ đều nghĩ nó điên mẹ rồi, cho đến khi Người Đội Nón thực sự thay nó quét sân… Thằng Long cười như bố đẻ em bé, sau đó nó còn nhờ anh ta đẩy xe chở đồ, thu khăn tắm,… Mọi chuyện chỉ dừng lại khi chú Lãm nghe tin và chửi nó một trận thối đầu. Ngoài thằng Long ra, không ai dám làm như thế cả.
Nhìn chung thì, mọi thứ dễ dàng đến mức chúng tôi đều đồng ý rằng, đây là quy tắc đáng yêu nhất của Bộ Quy Tắc. Ngoài việc hơi rợn người một chút, anh ta chưa từng làm gì uy hiếp đến chúng tôi cả.
Nhưng tiền đề là trước đó chúng tôi đều chưa từng gặp Người Đội Nón ở DƯỚI NƯỚC