Thấm cái mà đã ba năm trôi qua, cũng không biết vì lí gì mà hai năm đổ lại đây làng Hạ lại chẳng có đến dăm ba trận mưa, hạn hán kéo dài khiến cho nước trong hồ trong mương không còn đủ để tưới cho ruộng vườn, hoa màu nếu không chết vì sâu bệnh thì cũng chết vì thiếu nước. Cuộc sống của người dân ở làng Hạ trước đã khổ nay còn khổ hơn vạn phần, vậy nên cứ cách vài ngày lại có một số hộ dân khăn gói kỹ càng lên đường tìm đến nơi khác để sinh sống.
Sáng sớm hôm nay, ông ba đưa cho Thu một củ khoai lang nướng cùng ít nước dặn dò con bé sau hôm này thì nói với thầy đồ từ mai không thể sang học nữa, Thu nghe vậy thì buồn lắm nhưng nó biết sắp tới ba con nó cũng sẽ theo gánh hát đi nơi khác để kiếm miếng ăn nên cũng vâng vâng dạ dạ rời đi. Ông ba ngồi nép dưới bóng cây lớn, tay phe phẩy cái quạt nan nhưng cũng chẳng thể xua đi cái nóng oi ả, nhìn đống khoai lang đang bày trên sạp gần đó ông buông một tiếng thở dài.
Trên con đường làng quen thuộc có ba người đang đi về phía sạp khoai của ông ba, nhìn cách ăn bận của cả ba thì ai cũng đoán được ai hầu ai chủ. Một người ăn bận quần áo bạc màu tay xách nách mang giỏ lớn giỏ nhỏ, người còn lại một tay cầm dù một tay cầm quạt vừa che vừa quạt cho người đàn bà dáng người đầy đặn bận áo dài tấc gấm màu tím thêu hoa đi phía trước. Đấy là bà Trinh, vợ của ông phú hộ Nguyễn, nhìn cái điệu bộ kia chắc hẳn là bà đang cùng hai con hầu gái đi chợ vừa mới về.
– Bác ba bán khoai ấy à? sao không đưa ra ngoài chợ mà bán, bán ở đây có ai thấy mà mua ủng hộ đâu!- Ba người dừng trước sạp khoai, bà Trinh lấy khăn lau đi vệt mồ hôi trên trán, liếc mắt nhìn đống khoai lang trên sạp rồi lên tiếng.
– Dạ dạ bẩm bà là khoai nhà con ạ, tại con thấy cũng chưa có đến năm cân nên con bày ra đây bán luôn, chứ đưa ra chợ thì xa quá ấy mà!- Khi ông ba thấy rõ người hỏi khoai là bà Trinh thì trong lòng cảm thấy có chút hụt hẫng, thế nhưng trên gương mặt chỉ có thể chưng ra một nụ cười.
– Thế khoai này bao nhiêu một cân?- Bà Trinh hỏi
– Dạ bẩm bà khoai này con bán 3 quan tiền một cân.- Ông ba đặt cái quạt nan xuống một bên, nhanh tay lựa những củ khoai to chắc nhất đưa đến trước mặt bà Trinh.
– Ôi chao đến 3 quan một cân à? Khoai này dù có đem ra ngoài chợ cũng chưa chắc có ai mua… xem này, củ nào củ nấy xấu xí khó coi thế kia!- Bà Trinh đưa tay lật đi lật lại mấy củ khoai trên sạp, sau một hồi thì cất cái giọng chanh chua của mình lên chê đấy chê để, miệng thì buông lời chê bai nhưng tay lại lặt lấy lặt để mấy củ khoai cho lên cân.
– Dạ bên ngoài tuy có chút xấu xí nhưng bên trong bột ngon lắm bà ạ, bà thương thì mua giúp con với ạ… – Nét cười trên mặt ông ba sượng hẳn đi, nhưng nghĩ kỹ lại nếu không bán được hết đống khoai trong ngày hôm nay thì tối chẳng có lấy mấy đồng bạc mà đi đường, vậy nên ông cũng chỉ có thể tiếp tục lựa mấy củ khoai đẹp cho bà Trinh.
Hai đứa hầu theo sau bà Trinh nghe thấy cuộc đối thoại của ông ba và bà thì chỉ có thể âm thầm lắc đầu ngán ngẩm, từ sáng đến giờ đến sạp nhà ai bà cũng chê này chê nọ nhưng không sạp nào là không mua, nói trắng ra là bà chê cũng chỉ vì muốn người bán giảm giá cho mình mà thôi. Ấy vậy mà mấy bà bán hàng ngoài chợ bình thường chanh chua nhưng khi gặp bà Trinh lại chỉ có thể nhẫn nhịn mà bán hàng hoá đi với cái giá rẻ mạt. Phải chăng người ta không chỉ sợ cái miệng của bà mà còn sợ cái gia thế của bà nữa, ai chẳng biết bà là con gái của quan chánh tổng mà sớm muộn gì thì trong tương lai cái chức chánh tổng kia cũng thuộc về chồng bà Trinh mà thôi.
– Thôi thì thấy hoàn cảnh nhà bác cũng khó khăn, số khoai này tôi mua hết, bác xem 1 quan rưỡi một cân có được không?- Phủi phủi mấy hạt bụi tay, bà Trinh đưa tay đến bên hông móc ra túi tiền nặng trĩu của mình. Nghe qua câu nói thì ý như đang hỏi nhưng ý tứ cùng thái độ của bà Trinh thì chẳng khác gì bức ép một cách trắng trợn.
– Chuyện này…
– Không được, ngoài chợ bán khoai đến 4 quan một cân, ba con chỉ bán có 3 quan một cân, bà lại trả 1 quan rưỡi một cân thì ba con kiếm đâu ra tiền lời nữa a!- Chưa để cho ông ba kịp lên tiếng, phía xa đã truyền đến giọng nói non nớt của cái Thu.
Thu hiện tại đã lên chín tuổi, đường nét trên gương mặt đã bắt đầu hiện rõ, ngũ quan hài hoà mềm mại kia chỉ cần vài năm nữa là có thể trở nên xinh đẹp hơn người. Sau khi tan học, Thu từ nhà ông đồ chạy đến đây muốn phụ ông ba bán nốt mấy cân khoai còn lại, vừa đến thì nghe thấy bà Trinh đang ép giá khoai của ông ba thì ngay lập tức chen chân vào muốn nói lí cùng bà.
– Cái con nhóc này mày có biết mày đang nói chuyện với ai không? Thứ như mày biết gì mà nói, tao thương thì tao mới mua cho nhà mày nếu không có chó nó mua cho con ạ!- Bà Trinh nhìn Thu thì sắc mặt khó chịu hẳn đi, trong đầu bà không khỏi nhớ đến người mẹ đã mất của Thu.
– Ấy ấy bà bớt giận, cái Thu nó còn nhỏ tuổi nên mới nói những lời ấy, bà đừng có trách nó!- Ông ba thấy bà Trinh dùng ánh mắt sắc như dao nhìn về phía Thu thì chạy đến chắn ngang tầm nhìn của bà, chấp tay về phía bà Trinh giải bày.
– Hứ, đúng là mẹ nào con nấy. Đều mang theo cái gương mặt đĩ điếm đó đi khắp nơi dụ dỗ đàn ông!- Bà Trinh nhổ toẹt một bãi nước miếng xuống đất, giọng nói đã chanh chua nay càng khó nghe hơn nữa, bà móc từ túi tiền ra mấy chục quan tiền quăng xuống dưới chân ông ba, người hầu thấy vậy thì gom khoai vào giỏ bộ dạng muốn nhanh chóng rời khỏi đây.
– Bà nói bậy, mẹ tôi không phải là người như vậy!- Thu thấy mẹ bị mắng thì càng giận, giọng nó tuy non nớt nhưng vô cùng nội lực, một đứa nhỏ như nó cho dù không hiểu mấy từ như đĩ điếm là cái gì nhưng từ thái độ của bà Trinh cũng đủ biết đó chẳng phải cái ngữ gì tốt đẹp.
Ông ba nắm chặt lấy tay cái Thu không cho nó chạy theo ba người vừa mới rời đi, sợ nó giận quá thì lại nói hoặc làm hành động gì quá đáng với bà Trinh, không khéo lại bị quan chánh tổng bắt tội thì chỉ có nước ở tù chuộc tội thôi. Ba người một chủ hai tớ cứ thế mà ôm cả năm cân khoai của ông ba rời đi không một chút áy náy.
Thu giận lắm nhưng nó biết nhà mình nghèo không so được với nhà ông bà phú hộ Nguyễn, càng không thể nói lí với quan chánh tổng nên chỉ có thể đem cơn giận nuốt xuống. Thu xoay người nhìn ông ba đã ngồi xuống lượm lại mấy đồng tiền trên mặt đất thì nước mắt nóng hổi lại chực trào trong viền mắt, thế nhưng nó không khóc chỉ đưa tay quệt chúng đi rồi cùng ông ba lượm lại tiền và dọn dẹp sạp.
Trên con đường làng yên tĩnh xuất hiện từng lớp người dân mang theo những của cải giá trị đi về phía cổng làng, trong đám người ông ba nhận ra sự có mặt của ông Tẩm thì kéo theo cái Thu phía sau vẫn còn đang vùng vằng không vui vì chuyện lúc nãy chạy đến gần lớn giọng hỏi.
– Bác Tẩm cùng đi à?
– Không đi thì không sống nổi nữa anh ba. Anh xem cả hai năm nay đến một hạt mưa cũng không có, hoa màu thì héo úa thất thu, thuế thì càng lúc càng cao… Nếu còn ở lại chắc đến cả chiều cuốn lúc chết cũng không mua được nữa!- Ông Tẩm khoát tay lộ ra vẻ mặt ủ rũ, chòm râu bạc dưới cằm run run theo lời nói.
Ông Tẩm năm nay đã ngoài bảy mươi, trong nhà có con trai cùng con dâu và một đứa cháu nội, trước đấy nhà ổng Tẩm dù không dư giả nhưng lại đủ ăn đủ mặc, thế mà khi hạn hán kéo đến thì nhà ông cũng chịu không được mà muốn rời làng mà đi.
– Thôi thì cũng đành vậy, khổ quá mà bác. Mà bác đã tính được là đi đâu chưa ạ?- Ông ba nghe thấy thì cũng buồn lây. Ba năm nay hai ba con ông cũng không có khá khẩm gì, hầu như tiền kiếm ra cũng chỉ đủ để đóng thuế cho quan và đóng tiền học cho Thu, ăn uống vẫn là phải chắt chiu từng chút một.
Phải bỏ làng bỏ xóm mà đi ai mà chẳng buồn nhưng không đi thì kiếm đâu ra mà ăn. Ông Tẩm là người đã đến tuổi gần đất xa trời ăn cũng chẳng được bao nhiêu, đối với ông thì việc được ở lại nơi chôn rau cắt rốn mới là niềm vui nhất nhưng ông cũng không thể vì bản thân mình già yếu mà để cho các con của mình ở lại cái làng này để chịu đói chịu khổ được. Thế nên dù không nỡ nhưng ông vẫn theo ý con trai rời làng đi kiếm một nơi khác để sinh sống.
– Tôi cũng nào có biết, nghe thằng con tôi nó bảo nghe thấy thương buôn nơi khác nói cách làng mình mấy trăm dặm về phía Nam có không khí tốt, quanh năm mưa nắng hiền hoà,… thế là đi thôi!- Ông Tẩm nhận lấy bát nước từ tay đứa cháu nội, uống một ngụm nhỏ rồi đáp.
– À…
– Con nghe nói chú ba cũng sẽ theo gánh hát Huỳnh Kỳ đi hát ở làng khác đúng không?- Thằng con ông Tẩm trên vai vác theo đồ đạc đi về phía này, vừa đến anh đã lên tiếng hỏi.
– Ừ, tối nay tôi cũng rời đi rồi!- Nhắc đến chuyện phải rời xa làng, ông ba lại nhớ đến nấm mộ của bà Thi ở bãi tha ma đầu làng càng thêm não lòng.
– Chú đi mạnh giỏi nhé, nếu có duyên chúng ta lại về làng gặp lại!- Đi đến vỗ lên vai ông ba sau đó đỡ lấy ông Tẩm chuẩn bị theo đám đông rời đi.
– Cả nhà bác cũng đi mạnh giỏi nhé, đường đi gian nan bác nhớ giữ gìn sức khoẻ nhé… Thu ơi, chào ông Tẩm đi con. – Ông ba cười cười gật đầu, nói mấy lời tạm biệt với gia đình ông Tẩm.
– Dạ con chào ông Tẩm, chào cô chú ạ! Cô chú đi mạnh giỏi ạ!- Thu đứng một bên ngoan ngoãn vâng lời chào tạm biệt gia đình ông Tẩm.
– Ừ, cô chú đi nha. Thu đi theo ba phải ngoan và học giỏi nghen chưa… – Con dâu ông Tẩm đưa tay xoa đầu Thu, dịu dàng nói.
Thu đưa đôi mắt to tròn nhìn cô sau đó mím chặt môi gật đầu. Gia đình ông Tẩm rời đi cùng đám người kia chỉ còn hai ba con ông ba Phùng đứng trên con đường làng thân thuộc. Ánh sáng vàng của mặt trời lúc cuối ngày chiếu rọi rõ hai cái bóng một lớn một nhỏ đang trông theo đoàn người phía trước cho đến khi bóng dáng của họ khuất dần đi.
– Ba ơi, chúng ta về thôi… Tối nay còn phải đi nữa!- Thu đưa tay kéo bàn tay ông ba.
– Ừ đi thôi, chúng ta về nhà… – Ông ba nắm lấy tay Thu xoay người tiếp tục dắt con bé về lại gian nhà nhỏ ở cuối xóm phía Tây làng Hạ.
Trên đường về ông ba ghé sạp thịt mua một ba lạng thịt heo cùng một ít rau, ông quyết định tối nay phải cho mình và Thu ăn một bữa thật ngon để lấy sức mà đi đường. Bởi chuyến đi lần này chẳng biết sẽ kéo dài bao lâu và nơi nào là điểm dừng chân cuối cùng, cũng không biết hai ba con họ có còn cơ hội để quay về ngôi làng Hạ này hay không.