TIẾNG AI HÁT TRONG ĐÊM – Kẻ Lạc Loài.
???̂́?? ?? ??́? ????? Đ?̂? – ???̛?̛?? ?
???ℎ??: ??̉ ??̣? ???̀? _ ??́? ???̣? ?ℎ?̀ ??̛?̛?? ??̛?̛??
Lênh đênh trên sông gần ba tháng trời thì gánh hát Huỳnh Kỳ cuối cùng cũng đã thuận lợi cấp bến tại làng Hạ. Dẫu biết đã tám năm trời trôi qua, ít nhiều gì thì mọi thứ cũng sẽ thay đổi, nhưng trong lòng những con người đã sống phiêu dạt không nhà, không cửa trong một thời gian dài như họ thì việc được quay trở về với mảnh đất làng, nơi mà họ từng cất nhà, trồng rau, nuôi cá, làm mướn,… để sinh sống qua ngày là một niềm hạnh phúc rất khó tả.
Trước khi quay về làng ông Lành đã phái người làm đi trước để thăm dò tình hình ở làng Hạ cũng là để bọn họ giúp ông sắp xếp lại sản nghiệp của mình, đặc biệt là ông cẩn thận bảo người ta tu sửa nơi mà trước đó gánh hát Huỳnh Kỳ từng hoạt động để thuận tiện cho những người trong gánh hát chưa biết đi đâu khi mới về làng. Người làm trong gánh hát cũng cực kỳ tán đồng với sắp xếp của ông Lành, tuy nhiên vẫn có một số nhà quyết định sẽ quay về nơi trước đó họ đã cất nhà để tiếp tục sinh sống. Về phần ông ba và cái Thu thì quyết định theo sự sắp xếp của ông Lành về gánh hát ở tạm hai ba ngày.
Trong thời gian ở lại gánh hát, ông ba dùng tiền dành dụm mấy năm nay nhờ người ta cất lại một căn nhà khác trên mảnh đất trước kia của mình. Chỉ đơn giản là cất cái nhà tranh nên tiến độ hoàn thành rất nhanh, chẳng mấy chốc mà nhà của ông ba đã cất song. Cái Thu cùng ông lại chia tay gánh hát quay về căn nhà của mình.
Ông ba lần nữa mang theo cái Thu đi trên con đường làng quen thuộc dẫn về nhà của hai ba con. Bây giờ, tất cả mọi thứ ở làng Hạ như được thay một lớp áo hoàn toàn mới, không còn những gương mặt ủ dột của người đi đường, không còn nhưng cánh đồng lúa héo úa vì không được cung cấp nước, không còn những cây xanh đã sắp khô quắp vì phải chống chọi với cái nắng gắt đến cháy da cháy thịt năm ấy nữa. Thay vào đó là thời tiết xe xe lạnh, người dân nô nức qua lại, rộn rã những tiếng nói tiếng cười. Trên những cánh chim én lượn lờ như báo hiệu một mùa xuân sắp đến, những cây hoa gạo nở đỏ rực cả một khoảng lớn và những cánh đồng lúa xanh bạt ngàn cũng những cánh cò trắng dập dìu,… Thu vừa đi vừa nhìn ngắm cảnh vật đã thay đổi nhưng trong lòng cô vẫn cảm nhận được sự thân thuộc của nơi này. Có lẽ, dù cho làng Hạ có thay đổi thành bộ dạng gì thì vẫn là nơi quen thuộc gần gũi nhất của hai ba con ông ba.
– Con muốn đi tảo mộ mẹ trước hay là về nhà trước?- Ông ba vừa mới chào hỏi một vài người quen gặp trên đường xong thì quay sang hỏi cái Thu.
– Xem sắc trời cũng không còn sớm nữa, hay là ba con mình về nhà trước đi ạ. Ba đừng lo, mấy nay con có ra ngoài mộ mẹ, đã làm sạch cỏ dại rồi, đợi mai chúng ta rảnh rỗi mang theo một ít đồ ra tảo mộ mẹ cũng không muộn!- Thu biết ông ba Phùng nhớ bà Thi, cô cũng thực nhớ mẹ mình song mấy tháng nay lênh đênh trên sông nước, về đến làng thì lại chạy ngược chạy xuôi lo toan việc cất lại cái nhà khiến cho bệnh tình của ông ba lại trở xấu, tiết trời mùa này lại lạnh nên cô không muốn ông đi quá lâu ở bên ngoài trời.
– Vậy sao? Chắc là cỏ mọc um lên che cả mộ mất rồi… Được rồi, chúng ta về nhà đi!- Ông ba thở dài.
Từ lúc bà Thi mất, ông ba đã không nhắc đến bà nữa. Một phần ông sợ nhắc đến bà sẽ làm cái Thu buồn vì nhớ mẹ cũng có thể ông sợ nhắc đến ngay cả bản thân mình cũng nhịn không được mà buồn bã. Tuy nhiên, cái chết của bà Thi vẫn là một nỗi đau không bao giờ nguôi trong lòng ông ba Phùng.
– Đi, chúng ta về nhà. Con có mua rất nhiều đồ ngon, tối nay nhất định sẽ làm món ngon cho ba!- Thu hai bước thành ba cầm theo túi thức ăn chạy đến khoác tay ông ba Phùng, giọng nói ngọt ngào như chim yến líu ríu bên cạnh ông ba.
– Món ngon sao? Thu đừng bảo với ba là con lại nấu một đống khoai lang cho ba ăn đấy chứ?- Ông ba Phùng cười khoái chí.
– Đâu có a, con làm sao nỡ lại nấu toàn là khoai lang cho ba!- Thu đáp
– Phải không?- Ông ba nghi ngờ
– Chắc chắn luôn. Đảm bảo là món ngon.- Thu gật đầu chắc nịch.
-…
-…
Hôm nay là ngày cuối tháng chạp, người dân làng Hạ theo tập tục từ xưa mà đi viếng mộ ông bà tổ tiên. Vì thế, mảnh đất tha ma đầu làng tấp nập người đến kẻ đi, khói hương nghi ngút làm cả một khoảng không gian trở nên mờ mờ ảo ảo. Thu theo chân ông ba Phùng đến bên mộ bà Thi, vì được Thu làm sạch cỏ từ trước nên nhìn nó cũng sạch sẽ hơn hẳn. Hai ba con bày mâm cúng, vàng mã, nhang khói,… tươm tất để cúng viếng bà.
– Bà khoẻ chứ? Tôi và Thu về rồi… Sau này cũng không đi nữa. Bà ở dưới một mình chắc buồn lắm, bà ráng chờ chờ thêm vài năm nữa, cái Thu nó yên bề gia thất thì… Thì tôi xuống dưới bầu bạn với bà nha!- Cắm xong cây nhang vào bát hương trước mộ bà Thi, ông ba Phùng ngồi dạt sang một bên. Trên gương mặt già nua đầy nếp nhăn của ông xuất hiện một nụ cười nhẹ, hốc mắt đầy dấu chân chim đỏ ửng lên, từng câu từng chữ chậm chậm nối đuôi nhau ra ngoài. Bộ dạng già nua cùng biểu cảm trên khuôn mặt ông ba Phùng không khỏi tạo cho người ta một cảm giác chua xót.
Thu đứng một bên nghe hết những lời thì thầm của ông ba Phùng, khoé mặt cô cũng bỗng dưng lên đỏ ửng tay vội lau đi giọt nước mắt chưa kịp rơi.
– Mẹ xem ba lại nói nhảm rồi, ba nhất định sẽ sống lâu trăm tuổi… – Thu vùng vằng như thể không vui.
– Hây bà xem con bé này lớn rồi còn dám tỏ thái độ đó với tôi. – Ông ba cũng nhanh chóng giấu đi giọt nước mặn chát trên gò má của mình, trong lòng không khỏi cảm thán đúng là người càng già lại càng nhạy cảm mà.
– Ba…
– Mày mù mắt chó rồi à? Có thấy tao mày đang đi hay không mà dám va vào bà? Mày có biết bộ đồ này tao mua bao nhiêu không hả, gia tài nhà mày có bán hết cũng không đủ đền cho bà nữa đấy biết không?- Tiếng nói chanh chua của một mụ đàn bà vang lên cắt ngang câu nói của Thu, cái tiếng oang oang đó cũng thành công thu hút sự chú ý của tất cả người dân trong bãi tha ma.
Ở phía vừa phát ra tiếng chửi, một người đàn bà vóc dáng đầy đặn bận áo tấc dài màu tím, gương mặt tô son điểm phấn tỉ mỉ, tay cầm quạt tròn, bộ dáng hùng hùng hổ hổ chỉ thẳng vào người một bà già dáng vẻ kham khổ đang quỳ rạp dưới đất mà chửi, tiếng chửi vừa đánh đá vừa thô tục. Đằng sau bà ta còn có hai ba con hầu cùng ba bốn đứa gia đinh tay xách đồ. Thu vừa nhìn đã nhận ra đó là bà Trinh, người đã mua khoai lang của ba cô bằng số tiền rẻ mạt và không tiếc dùng lời lẽ khiếm nhã để dè bĩu mẹ cô.
– Ôi ôi… Con lạy bà, con không cố ý, bà tha cho con, con xin lỗi bà… – Bà cụ nghe thấy bà Trinh muốn bắt đền thì càng ra sức dập đầu xuống đất, miệng không ngừng thốt ra những lời van xin tha thiết.
– Lạy lạy cái đầu mày ấy, cái ngữ nhà mày mà cũng dám lạy tao à? Chúng mày đâu, trói nó lại mang về đến khi nào con cháu nó mang tiền đến đền áo cho tao thì tao thả về!- Bà Trinh hất mặt ra lệnh cho đứa gia đinh đứng gần mình nhất.
– Bẩm bà… – Đứa gia đinh bị điểm tên nhìn dáng vẻ bà cụ đang quỳ sấp trên mặt đất, gương mặt hiện lên dáng vẻ không nỡ nhưng khi nó vừa định mở miệng thì đã nhận được một cái liếc mắt lạnh lùng của bà Trinh. Nuốt nhanh ngụm nước bọt trong miệng, nuốt luôn mấy lời muốn nói vào trong bụng, nó nhanh chóng tiến đến kéo bà cụ dưới mặt lên.
– Bà ơi con lạy bà, bà bắt con làm trâu làm ngựa đền áo cho bà thì được, còn con cái con miếng ăn còn không đủ thì lấy đâu ra tiền trả nợ, bà ơi… Bà thương con với… – Bà cụ bị kéo lê trên đất không khỏi khóc lóc kêu gào, cái dáng vẻ gầy như cò của người đàn bà ấy bị đứa gia đinh kéo thế kia không biết có chịu được không mà còn có thể gào to đến mức ấy.
– Hứ? Mày già nua, gầy gò, ốm yếu như thế mà đòi làm trâu làm ngựa để trả nợ cho bà? Cơm nhà bà mới không rảnh nuôi kẻ như mày… Mày cứ ở trong lao chờ con cái mày đưa tiền đến chuộc đi. – Ngược lại với dáng vẻ cầu xin khổ sở của bà cụ, bà Trinh chỉ cười nhạt, giọng nói đầy khinh thường đáp lời.
Tiếng xì xầm trong bãi tha ma vang lên không ngớt, ai cũng lén lút chỉ chỉ chỏ chỏ bà Trinh, khỏi cần nói đấy chính là đang không ngừng nói xấu bà ta. Nhưng lại cũng chẳng có ai thực sự dám đứng ra nói hai ba câu bênh vực bà cụ kia cho cam, chắc có lẽ dù thời gian trôi qua bao lâu đi nữa thì cái máu sợ hãi cường quyền nó đã ngấm sâu trong xương tuỷ của người dân làng Hạ.
Thu nhìn bà cụ bị kéo lê trên đất, trong lòng lại bùng lên một cơn lửa, thế nhưng cô cũng hiểu rõ bản thân cũng chỉ là một người thấp cổ bé họng không có tiếng nói. Huống hồ ba con cô chỉ mới quay về làng Hạ, mấy nay cô cũng cô nghe thấy việc ông phú hộ Nguyễn đã thành quan chánh tổng nơi này nên dù có bức xúc hay oán hận gì đi nữa cô cũng không dại mà đi động đến nhà ấy.
– Chuyện gì mà ồn ào thế kia?- Giọng nói trầm thấp vang lên giữa đám người đi viếng mộ. Đám người cũng nhanh chóng tản ra để lộ ra người kia.
Trên chiếc võng được nâng bởi hai tên gia đinh lực lưỡng, một chàng trai bận áo tấc màu xanh đen, đầu đội khăn đóng cùng màu, đó là cậu ba Chương con trai nhà ông phú hộ Đỉnh. Ngũ quan trên gương mặt cậu Chương hài hoà, nói đúng hơn là có chút nghiêm nghi. Tuy nhiên, một chút ấy lại bị cái sắc mặt trắng bệch cùng dáng vẻ gầy gò ốm yếu của cậu làm cho lú mờ hẳn. Vậy nên, người ngoài nhìn qua cậu Chương chẳng khác gì một con ma ốm yếu không có sức lực.
– Tôi còn tưởng là ai, hoá ra là cậu ba… – Bà Trinh cười nhạt nhìn về phía cậu Chương, trong mắt chứa đầy sự khinh bỉ.
– Hoá ra là bà lớn quan chánh tổng, không biết vừa rồi là ai làm cho bà đây phải chửi réo lên thế kia?- Chương dường như không quan tâm đến ánh mắt khinh bỉ của bà Trinh, chỉ giữ lễ hơi nghiêng người hỏi thăm ánh mắt cũng như có như không nhìn về phía bà cụ đang bị đứa gia đinh của bà Trinh kéo lê trên đất.
– Cậu Chương cũng thật rỗi, cái tính hay lo chuyện bao đồng này đúng là giống hệt cha cậu… Nhưng mà cậu xem, cha cậu còn sức mà lao tâm khổ sức vì đám dân đen này… Còn cậu… chậc, chậc, cái dáng vẻ ma bệnh này của cậu xem còn sống được bao lâu mà lo chuyện người khác?- Bà Trinh không hề khách khí mà nói toẹt ra bệnh tình của cậu Chương.
– Này… – Người đàn ông lớn tuổi đứng gần cậu Chương thấy dáng vẻ kênh kiệu của bà Trinh thì đã nóng máu, huống hồ gì bà ta còn động đến bệnh tình của cậu.
– Bác Phúc đừng nóng!- Chương khoát tay ra dấu cho người đàn ông lớn tuổi, thấp giọng trấn an.
Nghe xong mấy lời của bà Trinh cậu Chương cũng không hề tức giận. Thái độ này của cậu đúng là không chỉ để người khác đủ thấy cậu được giáo dục tốt như thế nào, cũng là chọc tức chết bà Trinh.
– Bà lớn đã nói vậy thì tôi cũng chịu, cái tính này đúng là ăn sâu trong máu rồi… Nếu được bà nói xem bộ đồ này của bà đáng giá bao nhiêu, tôi đền thay bà cụ!- Chương trực tiếp đưa ra đề nghị đền thay bà cụ.
– Hứ, bà đây mới là không thiếu tiền đến mức cần tiền của cậu!- Nét mặt của bà Trinh càng ngày càng xám xịt.
– Ồ, bà lớn không thiếu tiền đến mức cần tiền của ba Chương tôi thì chắc cũng không cần tiền của bà cụ kia đâu nhỉ?- Nói đến đây gương mặt nhợt nhạt của cậu ba Chương hiện lên ý cười.