Câu chuyện này vốn dĩ là một bí mật theo người chết xuống mồ. Nó chỉ được người ta nhắc đến tựa như một câu chuyện truyền miệng. Sức truyền và trí tưởng tượng của mỗi cá nhân làm ảnh hưởng lớn tới câu chuyện và cái kết của nó.
Một thời gian sau, thằng Tùng có dịp quay lại quán bún riêu của bà cụ điên lần nữa. Nó thấy quán đóng cửa thì ngó nghiêng hỏi thăm. Một người phụ nữ chừng bốn mấy tuổi vẫy thằng Tùng: này cậu gì ơi! Bên ấy không bán bún nữa rồi.
Thằng Tùng dắt xe sang quan nước hỏi thăm: chẳng hay nhà họ có việc nghỉ rồi hả cô?
Cô bán nước đáp: bà cụ mất rồi. Cậu chắc lâu không ghé nên không biết chuyện đúng không?
Thằng Tùng sửng sốt: bà cụ mất từ khi nào hả cô? Phải mấy tháng nay cháu không ghé quán.
Cô ấy vẫy: cậu ngồi chơi đi rồi tôi nói cho nghe.
Thằng Tùng dựng xe ngồi vào chiếc ghế bên quán gọi chén nước chè chát rồi hỏi chuyện: vậy con cái bà cụ cũng không bán bún nữa hả cô?
Cô bán hàng gật đầu: bà cụ mất qua 100 ngày là gia đình họ bán nhà đi luôn. Họ vào nam rồi cậu ạ!
Một bà ngoài 60 tuổi cũng đi bộ ra quán ngồi nói chuyện. Bà ấy chẹp miệng: bà cụ mất mấy tháng mà cái xóm này buồn hẳn đi. Trước đây tôi hay nghe bà cụ kể chuyện lắm. Bà cụ hay nhắc tới chuyện cái gia đình ông bà địa chủ ở quê bà ấy khi xưa. Ngày xưa tôi cũng nghe ông bà kể mấy chuyện tương tự như thế.
Cô bán nước đáp: gớm, bà Ca kể chuyện cháu đây còn thuộc lòng. Bà muốn nghe kể cứ ra đây cháu kể cho mà nghe.
Bà lão đáp: thì muốn nghe trực tiếp bà Ca kể chuyện chứ cái khu này ai mà chẳng thuộc chuyện của bà ấy đâu.
Thằng Tùng lên tiếng: lần trước cháu có nghe bà cụ kể chuyện gia đình ông địa chủ. Hôm nay cháu muốn quay lại nghe tiếp nhưng tiếc là bà cụ không còn nữa rồi.
Cô bán nước mau mắn: cậu muốn nghe khúc nào tôi đây cũng kể được.
Thằng Tùng vội vã đáp: chuyện gì cháu cũng muốn nghe. Cô biết chuyện gì thì cô kể cho cháu nghe đi ạ.
Cô bán nước phe phẩy cái quạt nan: chuyện gì bây giờ nhỉ?
Bà lão đáp: kể cậu ấy nghe chuyện ma quỷ nhà ông địa chủ đi.
Cô bán nước đáp: cái chuyện đó kể ra lại bảo cháu mê tín dị đoan. Khu mình đang treo biển chống mê tín dị đoan kìa bà. Cháu mà kể coi chừng bị ông tổ trưởng mời lên khu phố uống nước chè mất. Nhà cháu bán nước chè có thiếu gì đâu nên cháu không muốn đi.
Bà lão cười: thì mình kể chuyện chứ có xúi người ta làm bậy đâu. Ông bà ấy chắc cũng chết từ thuở nào rồi ấy chứ.
Mấy đứa sinh viên đang ngồi uống nước nghe bà lão nói vậy thì reo lên: bà kể cho chúng cháu nghe đi ạ! Chúng cháu lấy tư liệu biên kịch bà ạ!
Bà lão vui vẻ hướng ánh mắt ra khu xa bắt đầu vào câu chuyện.
Chuyện kể rằng nhà ông địa chủ có ma. Con ma ấy hàng đêm đều xuất hiện ngay trước cửa. Ngày ấy do bà Lân đuổi hết người làm nên chỉ còn con Đào và thêm bà Ca phụ giúp việc nhà. Bà Ca tới ban ngày, buổi tối bà lại về nhà, riêng con Đào ở lại cả ngày lẫn đêm.
Con Đào bao nhiêu lần nhìn thấy cái bóng to lù lù màu đen xuất hiện ở vườn sau, ngay cái chỗ ngôi nhà bị cháy của ông địa chủ. Nói lúc đầu còn tưởng có trộm nên nấp vào một góc theo dõi. Cái bóng đen thui ấy cứ đi quanh quẩn một lúc rồi tới trúng cái góc vườn lại biến mất.
Một đêm con Đào đang ngủ ngon giấc thì nghe tiếng gõ cửa lộc cộc. Nó ngồi bật dậy nghe ngóng. Tiếng gõ cửa biến mất. Nó nghe bên ngoài có tiếng rào rào như thể có người nào đang rung cây trong vườn.
-Cứu! Cứu với!
Tiếng kêu cứu vang lên tuy nhỏ nhưng đủ cho con Đào nghe thấy. Nó bật dậy đứng sát cửa sổ nghe ngóng ra bên ngoài.
Bất thình lình tiếng nói ấy lại vang lên ngay bên tai. Con Đào giật bắn người sợ hãi. Nó lao ra ngoài hét ầm ĩ: ma…có ma…có ai không? Cứu với!
– Ầm ĩ! Có cái gì mà sợ?
Câu nói lọt vào tai con Đào. Nó mở mắt sợ hãi nhìn xung quanh. Đột nhiên lưng nó bỗng lạnh toát. Một bàn tay lạnh ngắt đặt lên vai nó. Nó rùng mình liếc mắt nhìn xuống bờ vai có bàn tay kia đang để ở đó. Cảm giác lạnh làm nó run lên. Bàn tay đen thui mùi khét lẹt xộc lên mũi làm nó thấy khó thở.
– Cứu với! Cứu với!
Người đó thốt lên bốn chữ. Con Đào lập tức ngất lịm.
Bà Lân trên nhà mở cửa bước ra hỏi: có chuyện gì ầm ĩ thế Đào?
Bà Lân không nghe tiếng con Đào liền hỏi lại: Con Đào đâu? Mau lên đây bà hỏi!
Bà ngó xuống thấy cửa phòng nó mở. Bà nhìn quanh một lượt rồi chẹp miệng: chắc lại đi tiểu đêm đây mà. Con gái con đứa sắp lấy chồng tới nơi mà đêm còn la hét ầm ĩ.
Phía trong phòng tiếng thằng Dũng khóc ré lên. Bà vội vã chạy vào. Thằng Dũng nằm đạp tung chăn và tã khóc tím cả mặt mũi. Bà vội bế thằng Dũng lên dỗ dành. Mọi lần nó khóc bà chỉ cần cho bú là lập tức nó nín khóc. Tuy nhiên lần này bà cho bú nó cũng không bú mà cứ ưỡn người lên khóc. Hai mẹ con ôm nhau đi quanh phòng một lúc lâu sau thằng bé mới nín khóc.
Sáng hôm sau con Đào tỉnh dậy thấy mình nằm ở cửa phòng. Nó thắc mắc: sao mình lại nằm đất thế này?
Hình ảnh đêm qua bỗng hiện về ngay trước mắt làm nó sợ hãi. Nó lao lên nhà gọi: bà… bà ơi! Con gặp ma rồi!
Bà Lân ra hiệu cho nó bé miệng để bà đặt thằng Dũng ngủ. Bà gõ lên đầu nó: con này vô duyên quá! Con bé mồm cho cậu Dũng ngủ.
Con Đào khoa tay múa chân kể lại chuyện đêm hôm qua cho bà Lân nghe. Bà Lân cười: ôi trời! Hoá ra Đào mê ngủ hả con? Ma quỷ nào nó dám ở cái đất nhà bà?
Con Đào nói chắc như đinh đóng cột nhưng bà Lân lại gạt đi. Bà mắng nó mơ ngủ rồi nói năng linh tinh.
Sự việc cứ tiếp tục diễn biến như vậy khiến con Đào sợ hãi. Nó không dám ngủ dưới phòng mà đòi lên nhà ngủ với bà Lân. Nó van xin bà: bà cho phép con lên nhà ngủ với bà. Con nằm đất cũng được chứ ở dưới phòng kia con sợ lắm. Đêm nào con cũng bị ma trêu bà ạ! Bà thương con thì cho con lên nhà bà. Đêm nào ông về thì con ngủ ngoài phòng khách.
Bà Lân bất lực với độ sợ hãi của con Đào. Bà Ca nghe vậy cũng ngạc nhiên lắm. Bà nói với bà Lân: hay nhà có ma thật hả bà? Con nghĩ bà nên tìm thầy cúng về trừ ma xem sao.
Bà Lân hơi chột dạ. Bà liền cho mời thầy cúng về nhà. Thầy làm lễ trấn ma rồi cho bà Lân cái bùa yểm giữa nhà.
Sự việc trở về đúng quỹ đạo của nó. Con Đào cũng không còn bị doạ ma như trước nữa.
Không lâu sau, ông Bộ đi làm ăn xa về nhà. Ngày hôm ấy không hiểu sao thằng Dũng quấy khóc không chịu bú. Nó khóc ngằn ngặt từ sáng tới tối khiến cho cả nhà bà Lân lo lắng. Mấy thầy thuốc được mời tới bắt bệnh cho nó mà không ai biết nó bị bệnh gì.
Bà Lân sợ hãi: con ơi! Con mau nín đi. Cả ngày nay con không chịu ăn uống gì thì sao có sức mà sống chứ? Con đừng làm cho mẹ lo lắng.
Ông Bộ khó chịu trong người bèn đáp: cái thằng bất hiếu này. Bố đi làm về mệt mỏi muốn nghỉ ngơi cũng không yên thân. Mày khóc thì khóc be bé thôi, ai làm cái gì mà ngoạc cái mồm ra khóc ngằn ngặt như thế? Đau ở đâu mày nói phọt ra cho bố mẹ nghe xem nào?
Bà Lân tức giận: con có đau nó mới khóc. Nếu con mà nói được nó đau ở đâu thì còn nói làm gì?
– Thế nó cứ gào tím tái mặt mũi thế kia thì biết làm sao?
– Nó nói được thì gọi gì là trẻ sơ sinh nữa? Sao tự nhiên ông cứ hằm hằm khó chịu với con thế?
Ông Bộ đáp: ghét! Bực mình! Mệt mỏi! Lần sau đẻ cái thằng biết nói ấy cho đỡ đau đầu.
Bà Lân giận: ông làm sao thế?
– Từ ngày nó ra đời đến giờ tôi không được yên thân ngày nào cả. Nếu mà biết thế này không đẻ nữa. Bà chỉ suốt ngày con với cái. Bố nó là ai chắc gì bà đã nhớ mặt. Tôi mà có chết đi chắc bà cũng chẳng thương.
Bà Lân nghe ông Bộ lải nhải mà bực mình. Bà bỏ vào phòng ôm lấy thằng Dũng bước ra bàn thờ gia tiên mà khấn: con lạy các cụ, các ông, các bà. Con con còn nhỏ lại đau bệnh. Các cụ thương tình phù hộ cho cháu mạnh khoẻ, hay ăn chóng lớn, mạnh tay mạnh chân.
Ông Bộ tự nhiên lại gần khó chịu giật thằng Dũng khỏi tay bà Lân. Bà sợ hãi ôm chặt lấy con: ông làm cái trò gì vậy? Ông muốn giết chết nó sao?
Ông Bộ mặt hằm hằm: ở cái nhà này tôi mới là chủ. Bà nghĩ mình là ai mà dám qua mặt tôi? Có phải bà luôn coi thường tôi. Bà muốn tôi chết đi bà mới hài lòng sao?
Bà Lân sửng sốt: hôm nay ông bị bệnh à? Sao tôi thấy ông cứ lảm nhảm toàn câu gở mồm gở miệng thế?
Ông Bộ lẩm bẩm vài câu rồi bỏ vào phòng nằm.
Tối đó thằng Dũng lại khóc dữ dội hơn. Người nó tím lại. Bà Lân sợ hãi bắt con Đào tìm thêm mấy thầy lang tới nhà khám bệnh bốc thuốc. Thầy lang đến chỉ biết lắc đầu khuyên bà Lân tìm thầy lang khác. Bà bất lực ôm con mà khóc. Cả nhà bà Lân đêm ấy cứ loạn hết lên.
Bà Lân hoảng quá nghe người ta nói tới chuyện đốt vía và chém vía cũng vội làm theo. Bà sai con Đào rắc gạo muối ra ngõ rồi đọc mấy câu đuổi vía. Bà đốt nén hương thắp lên bàn thờ gia tiên cầu an cho thằng Dũng. Gần về sáng thằng Dũng ngưng khóc đột ngột làm tất thảy ngạc nhiên. Bà Lân mừng quá khóc nấc lên ôm thằng Dũng cho bú. Cả ngày Dũng bỏ bú bà Lân cũng bị căng sữa tới sốt cả người. Bà vắt bớt đi nhưng càng vắt sữa lại cứ về nhiều thêm.
Thằng Dũng ngưng khóc cũng hồng hào trở lại. Bà Lân cho con bú, nó dường như rất đói nên bú một mạch hai bầu sữa mẹ rồi lăn ra ngủ. Cả nhà bấy giờ mới thở phào nhẹ nhõm.
Bà Ca đón lấy thằng Dũng cho bà Lân nghỉ ngơi lấy sức. Bà Lân bấy giờ mới có thời gian vào phòng tính nằm ngả cái lưng. Bà nhẹ nhàng mở cửa tiến lại gần phía ông Bộ. Căn phòng tối nên bà mò mẫm bước lên giường. Bà chạm phải người ông Bộ. Cảm giác cơ thể ông đã lạnh và cứng đơ khiến bà rùng mình sợ hãi.
Bà lay vào người ông nhưng ông không có phản ứng. Dự cảm chẳng lành, bà hô gọi con Đào: Đào đâu, mau thắp đèn cho bà.
Con Đào nghe tiếng bà chủ gọi vội vàng cầm cây đèn dầu lớn bước vào phòng. Cảnh tượng kinh hoàng của ông chủ bày ra trước mắt khiến nó run lên bần bật: bà…ông…ông…sao…vậy?
Bà Lân lay liên tục vào người ông Bộ gọi tên ông. Bà đánh ông, cào cấu ép ông ngồi dậy nói chuyện. Ông vẫn nằm im đó, người cứng đơ, miệng há hốc, mắt trợn ngược.
Bà Lân chấp nhận sự thật ông Bộ đã bất ngờ ra đi. Bà lấy tay vuốt mắt cho ông. Lạ thay, mắt ông Bộ không thể nhắm lại được. Mọi người thấy sự lạ cũng lần lượt giúp bà Lân vuốt mắt cho ông Bộ. Tuy nhiên mắt ông cứ trợn ngược lên như thế. Con Đào lẩm bẩm: ông ơi, ông sống khôn thác thiêng, ông đừng làm con sợ. Ông chết rồi thì ông nhắm mắt lại chứ ông cứ trợn mắt lên thế kia con sợ lắm. Ông để con vuốt mắt cho ông.
Nó nói rồi từ từ tiến lại vuốt mắt cho ông Bộ. Đôi mắt ấy cứ nhất quyết không chịu nhắm. Bà Lân thắp hương khấn gọi vong linh rồi vuốt mắt cho ông cũng không được. Sau cùng bà mời thầy về làm lễ, mắt ông mới chịu khép lại bình thường.
Cái chết bất ngờ của ông Bộ khiến ai nấy đều hoang mang. Mọi người đồn thổi chuyện ông Bộ bị quỷ sai bắt hồn nên mới ra đi đột ngột trong trạng thái sợ hãi, mắt trợn ngược lên như vậy.
Sau khi ông Bộ mất được một tháng, nhà bà Lân xảy ra rất nhiều chuyện lạ. Con Đào bị ám ảnh bởi cái chết của ông chủ sinh ra ảo giác. Nó lắm lúc cứ lải nhải như điên loạn, lúc lại bình thường. Bà Lân sau đó phải cho nó về quê để nó tỉnh táo trở lại. Nhà bà Lân vậy là không còn người ở. Mấy đứa lớn bà phải gửi hẳn về bên ngoại bởi bên nội không còn ai. Một mình bà vừa lo đám tang cho chồng, vừa nuôi con thơ lại lăn lộn chèo chống phát triển, bảo vệ sản nghiệp của gia đình.
Bà Lân thường xuyên mơ thấy ông Bộ về kêu gào bị chết oan ức. Bà Lân bán tín bán nghi. Sau cùng bà quyết tâm mời thầy về cúng tuần cho chồng. Trước ngày cúng bà lại vô tình gặp lại thầy phù thuỷ. Bà thấy bóng ông cụ chống gậy đi phía trước mà vội vã đuổi theo sau. Ông cụ thấy bà Lân không ngạc nhiên cho lắm. Bà Lân thì mừng rỡ nhất mực mời thầy về giúp một tay.
Thầy không từ chối mà gật đầu đồng ý: ta với nhà chị là hữu duyên. Đã có duyên thì ắt sẽ phải giúp.
Bà Lân dẫn thầy về nhà, vừa tới cổng thầy lắc đầu: nhà này oán khí trùng trùng, nhà chị ở được cũng giỏi!
Bà Lân lặng im không nói gì. Bà Ca thấy bà Lân dẫn một thầy phù thuỷ về thì vội hỏi han. Thầy thở dài: oán nghiệp e rằng đời truyền đời mất rồi. Nhà chị phúc dầy, lộc dầy nhưng e là người ta phá. Người sống phá đã đành, giờ người chết cũng phá nốt. Xem ra chị cũng gan lớn lắm mới ở được cái đất này.
Bà Lân mời thầy vào nhà. Thầy nhìn quanh một lượt rồi hỏi: cái đó chôn ở đâu rồi?’
Bà Lân tái cả mặt. Thầy thủng thỉnh đáp: tôi hỏi chị thôi chứ muốn tìm tôi ắt tìm được.
Thầy bước ra vườn đi vòng một lượt quanh vườn rồi cắm một cành cây xuống đất: nhà chị gan thật, dám để nó trên đất tổ tiên. Nó giờ ám mảnh đất này. Chồng chị đã bị nó bắt đi. Chị mà không nhanh e rằng nó bắt cả nhà theo nó xuống dưới.
Bà Lân sợ hãi thốt lên: thầy quả nhiên đoán việc như thần. Con không ngờ sự việc lại xảy ra thế này. Nhà con …
Thầy giơ tay ra hiệu bà Lân không cần giải thích mọi chuyện. Thầy nói: đó là chuyện của chị. Tôi được người ta cậy tới đây giúp chị trấn đất này.
– Chẳng hay thầy được ai cậy ạ?
– Là ông cụ thân sinh ra chồng chị. Ông ấy năm lần bảy lượt tới nhờ tôi giúp đỡ. Dù sao chồng chị gây nghiệp cũng phải trả nghiệp rồi. Tuy nhiên cái oán nghiệp này nó lại không dứt. Chị vốn hiền lành và sống nhân đức. Tôi giúp chị cũng thuận lẽ thường.
Bà Lân vui mừng cám ơn thầy rối rít. Thầy lập tức sai bà Lân sắm lễ cho thầy trấn ma. Thầy yêu cầu bà Lân chuẩn bị ba chiếc hũ sành chôn theo hình tam giác quanh vị trí thầy đánh dấu. Tự tay bà Lân phải đặt cái hũ xuống đất và trấn yểm vườn nhà mình.
Lúc cái hũ cuối cùng được đặt xuống trời bỗng nổi cơn giông. Bà Lân hốt hoảng: thầy ơi! Hương bị bùng lên cháy mất rồi! Liệu có điềm gì không thầy?
Thầy đáp: không sao! Chiếc hũ trấn vong đã hạ thổ thì chị không cần lo lắng nhiều. Gió có thổi cũng không sao. Ta đang cầu trời cho mưa to xuống. Nếu làm lễ xong trời mưa thật to thì đời đời kiếp kiếp chị sẽ không lo tới tai ương.
– Ngộ nhỡ không mưa thì sao?
– Thì thuận theo ý trời! Nghiệp báo thì sẽ phải gánh. Tuy nhiên nhà chị ắt có quý nhân giúp đỡ.
Quả nhiên nắm đất cuối cùng được lấp xuống thì trời lác đác vài giọt mưa rồi tạnh ngay tức thì, trời cũng yên gió. Thầy phù thuỷ ngửa mặt lên trời mà rằng: đã là ý trời thì khó tránh. Việc cần làm ta đã làm cả rồi. Sau này nhà chị còn phải coi vào phúc đức con cháu dày tới đâu.
Thầy nói rồi đưa cho bà Lân cái túi vải nhắc bà phải giữ bên mình. Thầy còn viết cho bà ba phong giấy dặn dò rất kĩ lưỡng rồi lập tức rời đi.
Bà Ca lúc bấy giờ thắc mắc chuyện chôn hũ sành dưới đất. Bà Lân có giải thích rằng do vong ma kia rất ác độc sẽ làm hại mọi người xung quanh nên bà dùng ba chiếc hũ đựng bùa trấn vong trấn giữ vong ma lại trong khoảng đất ấy.
Bà Ca hỏi: nhưng sao trong vườn nhà bà lại có vong ma được? Từ trước tới giờ làm gì có ai thấy?
Bà Lân đáp: vong ma này do ông Bộ mang về. Ông ấy chết rồi thì tôi phải có trách nhiệm thay ông ấy xử lý. Tôi chỉ mong sau này cả nhà tôi yên ổn mà sống.
– Nhưng tôi thấy thầy phù thuỷ nói nếu bà mất đi thì cái vong ấy sẽ thoát ra ngoài được phải không?
Bà Lân chau mày: bà nhiều chuyện từ khi nào vậy? Bà nghe lén thầy nói chuyện với tôi hay sao?
Bà Ca lắc đầu: tôi đi ngang qua nghe thấy vậy thôi. Tôi xin lỗi bà!
Bà Lân cười: tôi sẽ trụ lại mảnh đất này đến cuối đời. Mọi chuyện sau này tôi đều đã có dự liệu. Việc cần làm thầy đã chỉ dạy cho tôi chu toàn rồi. Bà yên tâm rằng vong ma sẽ không thể làm hại ai được nữa.
Bà Ca hơi rùng mình. Bà thắc mắc: vậy rốt cuộc ông Bộ đã bị cái vong kia bắt đi thật hả bà?
Bà Ca vừa buột miệng biết mình lỡ lời nên lấy tay bịt miệng lại. Bà Lân không đáp mà đi thẳng vào nhà. Bà Ca cũng không dám hỏi han nhiều bởi bản thân bà hiểu rằng cái gì là bí mật thì cứ để nó chôn sâu tận đáy lòng.
Sau này gia đình bà Ca chuyển đi nơi khác sinh sống nên không biết chuyện của gia đình họ nữa. Bà Ca cũng chỉ kể câu chuyện kết tại cái khúc bà Lân trấn được vong ma trên đất gia tiên và quay theo guồng công việc để nuôi dạy 5 người con khôn lớn thành người. Bà Ca từng nói rất cảm phục tấm lòng thiện của bà Lân. Chuyện bà gặp lại người con riêng của ông Bộ cũng được bà nhắc lại. Bà ấy mừng vì cậu con trai ấy đã khôn lớn và thành đạt không uổng công bà Lân cưu mang nuôi dưỡng từ thuở lọt lòng.
Mọi người nghe câu chuyện được bà lão kể lại. Có lẽ câu chuyện đã tam sao thất bản nhưng sự việc bên trong căn bản là thằng Tùng cũng hiểu được đôi chút. Nó đứng dậy chào mọi người rồi lững thững xuống nổ máy xe về nhà. Trên đường về nó suy nghĩ rất kĩ lại mọi việc đã xảy ra bấy lâu nay trong đại gia đình của nó. Nó chợt thở dài: bà nội minh anh và nhân đức cả đời nhưng cuối cùng vẫn bị nghiệp chướng quấn lấy. Cớ làm sao một người gây nghiệp mà cả một dòng tộc phải lao đao theo cái nghiệp oán gia tiên?
Câu hỏi ấy có lẽ là điều trăn trở của nhiều người chứ không riêng gì thằng Tùng. Nó coi như một bài học nhắc nhở bản thân mỗi người hãy sống thiện tâm hơn, biết yêu thương và cho đi nhiều hơn. Mỗi người cùng sống thiện ắt cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều.
Ngoại truyện 3: Chiếc quan tài ma quái.
Chiếc quan tài bằng gỗ quý được ông chủ trại hòm mua lại. Ông thích thú vì mua được món hàng hời của người đàn ông ban chiều. Đáng tiếc đêm hôm ấy ông bị tiếng gọi lọt vào tai lúc nửa đêm. Ông ngỡ có người gọi mua quan tài có việc gấp nên lật đật chạy ra mở cửa. Kì lạ thay phía ngoài đường không có ai. Ông lắc đầu cứ ngỡ mình đã nghe nhầm nên quay lại giường nằm ngủ. Ông vừa thiu thiu ngủ lại nghe thấy tiếng gọi lọt vào tai thêm lần nữa. Ông ngồi bật dậy nghe ngóng.
– Trả đi! Trả lại chiếc quan tài!
Câu nói ấy bất ngờ vang lên khiến ông chủ trại hòm nổi da gà. Ông nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường mới báo qua 12h đêm. Ông hít một hơi thật dài tiến lại bật điện căn nhà cho sáng. Miệng ông lẩm bẩm: có chuyện quái gì đang xảy ra ở đây vậy?
Ông lớn tiếng hỏi: ai đấy? Ai vừa nói vậy?
Không gian im lặng đến đáng sợ. Ông ấy quay lại giường nằm. Tuy nhiên vừa ngủ được một lúc ông lại mơ thấy tiếng nói vang lên bên trong căn nhà. Ông nằm nhắm mắt lại cố lắng tai nghe.
– Trả lại! Trả lại chiếc quan tài! Đồ không phải của mình không được tham lam giữ.
Lần này ông nghe thấy rành rọt nên bật dậy hỏi lớn: đứa nào giả ma quỷ doạ ông thế? Ông làm cái nghề đóng quan tài mấy chục năm nay. Ông lại sợ mấy cái trò trẻ con hay sao?
Ông nói xong cũng lại giật mình bởi tiếng nói rõ ràng phát ra trong nhà. Ông quay lại loáng thoáng thấy đứa bé gái cười khúc khích. Nó đưa ánh mắt sáng lấp lánh nhìn ông mà nói: trả lại đi! Cái này ông không giữ được.
Ông nhíu chân mày hỏi: cháu là con cái nhà ai thế? Sao cháu lại chạy đến đấy?
Đứa bé thoát cái ngồi chỗm chệ trên chiếc quan tài mà cười: mẹ cháu sẽ không vui đâu. Cái này sẽ tự tìm về với chủ của mình thôi
– Láo nào! Cái này là ta bỏ tiền ra mua về. Tại sao lại không phải của ta?
– Nó sẽ mang tai hoạ lại cho người giữ nó đấy. Nếu ông muốn vậy thì kệ ông thôi. Sau này ông có hối hận cũng đã muộn rồi.
Tiếng con bé rành rọt vang lên rồi đột ngột biến mất trong không trung khiến cho ông chủ trại hòm một phen toát mồ hôi. Ông lẩm bẩm đốt mấy nén hướng rồi ném gạo muối ra cửa coi như tiễn cái vong ấy đi khỏi nhà.
Ông quay lại giường nằm ngủ. Tuy nhiên không lâu sau ông thấy nóng. Ông bật dậy thì hốt hoảng thấy căn nhà ông đang ở bỗng dưng bốc cháy. Chiếc quan tài quý kia cũng đang chìm trong biển lửa. Ông than trách mình có lẽ do nén hương ông đốt ban nãy đã bén lửa sang gỗ rồi gây ra hoả hoạn. Ông sợ hãi hô hoán mọi người tới cứu nhưng hoàn toàn vô vọng.
Lửa bùng lên một cách nhanh chóng. Nó nhanh chóng vươn cánh tay đỏ rực về phía ông chủ cuốn lấy ông vào trong lòng. Ông đau đớn giãy dụa trong tuyệt vọng.
Nóng!
Đau!
Rát!
Tất thảy mọi đau đớn bị lửa thiêu ông đã được nếm qua trong chính cái thời khắc ông vẫy vùng trong biển lửa.
– Rầm! rầm! Rầm! Ông chủ, mau mở cửa!
Tiếng gọi huyên náo kèm tiếng đập cửa rầm rầm kéo ông chủ trại hòm về hiện thực. Ông ngồi bật dậy mới biết hoá ra mình đang nằm mơ. Ông đưa vạt áo thấm trên khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi nhanh nhẹn đáp: có, chờ một chút. Tôi tới liền.
– Nhanh lên! Nhà tôi có việc gấp cần nhờ ông giúp đỡ.
Sáng sớm có người đập cửa chắc chắn là nhà người ta lại có người mất nên muốn đặt mua quan tài mới đi giờ này. Ông chủ thay vội bộ quần áo rồi ra mở cửa.
Người bên ngoài hốt hoảng: khiếp quá! Sao ông ngủ say lại mơ cái gì mà kêu cháy thế?
Ông chủ cười cười: tôi mơ thấy ác mộng. Các người tìm tôi có chuyện gì vậy?
Người kia ngó nghiêng vào nhà: chả là nhà tôi có người mới mất nên nhờ ông tìm cỗ quan tài chắc chắn một chút.
Người đó nhìn trúng chiếc quan tài quý ông chủ đặt trên chiếc kệ: chiếc này có đắt lắm không? Gỗ này gõ vào thấy dầy dặn lắm đây.
Ông chủ đáp: chiếc đó gỗ quý đấy. Người nhà anh mà nằm trong đó thì con cháu đảm bảo được các cụ phù hộ làm ăn phát đạt, lộc lá quanh năm.
Người đàn ông đi xung quanh chiếc quan tài rồi đưa tay rờ rờ trên nắp. Bỗng anh ta rụt cái tay lại và hốt hoảng kêu lên: ối cha mẹ ơi! Sao nóng thế?
Ông chủ trại hòm đáp: anh cứ đùa, quan tài nóng là nóng thế nào?
Người đàn ông đưa ngón trỏ xuống rờ lại một lượt thì lại thấy bình thường. Tuy nhiên ngón tay chuẩn bị nhấc lên thì cảm giác lạnh lẽo lại theo đầu ngón tay xông lên tới óc. Anh ra rùng mình lùi ra xa vài bước. Mặt anh ta có vài phần hoảng sợ.
Ông chủ trại hòm tinh ý phát hiện ra sự thay đổi kì lạ của người đàn ông nên ngay lập tức chạy lại sờ tay lên chiếc quan tài. Chiếc quan tài hoàn toàn bình thường. Ông đáp: đây là chiếc quan tài quý. Nếu anh muốn mua thì tôi sẽ để giá hữu nghị cho.
Người đàn ông vội vã xua tay: ông tìm cho tôi chiếc quan tài khác, chiếc này tôi không muốn mua.
Cứ như thế chiếc quan tài không thể bán đi. Khá nhiều người thoạt nhìn đều ưng ý nhưng sau một hồi lại khéo léo từ chối chiếc quan tài gỗ quý ấy.
Những ngày sau liên tiếp ông chủ trại hòm đều mơ thấy ác mộng. Mọi chuyện đều từ chiếc quan tài ma quái ấy mà ra. Mỗi lần tỉnh dậy giữa đêm ông đầu sợ hãi tới tái cả mặt. Có đêm ông đang ngủ bỗng thấy mình bị nhốt trong chiếc quan tài. Ông mở mắt ra và cố gắng kêu la. Chiếc quan tài ấy đang lạnh nhưng bỗng dần nóng lên. Sức nóng của nó khiến cho da thịt ông nóng rát khó chịu. Ông ra sức kêu gọi nhưng càng kêu thì chiếc quan tài lại càng nóng. Quá sợ hãi ông bật dậy đẩy nắp chiếc quan tài thoát ra ngoài. Quả nhiên chiếc nắp nặng nề ấy từ từ đẩy ra. Tuy nhiên miệng chiếc quan tài lại có chiếc lưỡi đỏ lòm xuất hiện. Tiếp ngay sau đó lửa bủa lên vây lấy ông. Ông từ từ thấy khó thở rồi lịm cả đi.
Càng ngày các cơn ác mộng đều rùng rợn hơn. Có những lúc ông tỉnh dậy giữa đêm sợ tới mức ông thắp hương quỳ lạy chiếc quan tài.
– Trả lại chiếc quan tài! – Ông chủ trại hòm tự nhủ.
Ông quỳ trên đất rồi thốt lên: lạy ngài, con sẽ tìm lại chủ nhân chiếc quan tài này. Nhất định con sẽ đưa họ tới rước ngài đi. Ngài làm ơn đừng doạ con nữa.
Quả nhiên đêm ấy ông chủ trại hòm ngủ yên giấc. Sáng ra ông ấy quyết định tìm lại người đàn ông đã bán chiếc quan tài ấy cho mình để trả lại.
Trùng hợp thay gia đình chú Dũng tìm tới cửa hỏi thăm về chiếc quan tài. Ông chủ trại hòm mừng rơi nước mắt: ơn trời! Tôi đang tìm chủ nhân của chiếc quan tài này. Mấy người mau mang nó đi giúp tôi với.
Chú Dũng đáp: ông sao thế? Có chuyện gì với chiếc quan tài sao?
– Có nói anh cũng chẳng tin đâu. Quan tài tìm về với chủ.
Chú Dũng đáp: vâng, đúng là có nhiều sự lạ. Mẹ tôi cũng được báo mộng chiếc quan tài còn ở đây nên tôi mới tìm đến.
Ông chủ trại hòm lập tức sai người đưa chiếc quan tài về nhà cho chú Dũng. Tự tay ông đóng bọc rồi đi theo về tới tận nhà bà Lân giao lại chiếc quan tài như một sứ mệnh mà ông buộc phải hoàn thành.
Khi chú Dũng trả tiền chuộc, ông chủ chỉ dám lấy đúng số tiền đã mua từ người ta mà tuyệt nhiên không dám lấy hơn lên một đồng nào. Thậm chí trả xong nó, ông thấy vui mừng hít một hơi rồi buột miệng: tôi trả nó lại rồi, tôi làm được rồi!
Sau khi chiếc quan tài được trả về với bà Lân thì ông chủ trại hòm không khi nào mơ thấy giấc mơ kinh hoàng như thế nữa. Sự việc qua đi nhiều lúc kể lại câu chuyện ông vẫn còn rùng mình ớn lạnh. Có lẽ chiếc quan tài được bà Lân đã trấn yểm từ trước theo lời dặn dò của thầy phù thuỷ có ma lực đặc biệt nhất quyết về với chủ. Hoặc đứa bé gái quý nhân kia biết rõ mẹ mình chuẩn bị những gì cho cái chết để bảo vệ gia tộc. Hoặc có ai đó đã cố tình giở trò lên chiếc quan tài cho sự xuất hiện của trùng lửa. Tất cả vẫn mãi là một ẩn số mà chúng ta không tài nào có lời giải đáp.
*****
Có một sự trùng hợp không hề nhỏ, nơi góc vườn mà mấy người cháu của bà Lân thiêu chiếc quan tài cháy dở ấy chính là nơi ngôi nhà ngang khi xưa của gia đình ông Bộ bị thiêu rụi. Người đàn ông xuất hiện trong đám lửa rất có thể là vong ma của người đàn ông chết cháy khi xưa.
Chiếc gương, bọc giấy, chiếc quan tài đều được bà Lân chuẩn bị từ trước để yểm bùa cho chính mình có lẽ do sắp đặt của thầy địa lý bởi ông từng dự đoán trước sự việc xảy ra với gia đình bà Lân. Tuy nhiên sự xuất hiện của bà Vu – một thầy bùa đã làm đảo lộn tất cả những tính toán của bà Lân trước khi mất. Bà ta là người duy nhất biết người chết cháy là ai. Bà ta lợi dụng vong ma đó sai khiến nó làm cho gia đình bà Lân hoàn toàn bị náo loạn, mất phương hướng để dễ dàng ra tay.
Bà Vu vì oán hận quá sâu đậm mà quyết tâm dồn gia đình bà Lân vào chỗ chết. Hơn thế nữa bà ta muốn ép gia đình họ rơi vào cái hoạ diệt vong. Có ngờ đâu rằng bi kịch lại xảy ra bởi bà ta chính tay giết chết đứa con trai ruột thịt của mình. Nhiều người nói rằng bà ta phải còn sống để ngày ngày gặm nhấm nỗi đau của chính mình. Bà ấy phải chịu bản án lương tâm trước khi chết mới thấu cái gọi là tận cùng của nỗi đau.