Miền Tây Phiêu Lưu Kí – Lạc La
Trở về những năm của thập niên 80, chính quyền Việt Nam lúc bấy giờ do ông Trường Chinh đứng đầu đã có những thay đổi trong chính sách cải thiện đời sống của người dân cả nước bằng việc các hộ gia đình phải đi kinh tế mới. Gia đình ngoại tôi lúc đó cũng nằm trong diện bắt buộc phải chuyển đi và đã chọn mảnh đất An Giang để an cư lập nghiệp. Gia đình ngoại tôi gồm có 9 người con, mẹ tôi là út. Ông ngoại tôi là một võ sư dạy võ Tây Sơn-Bình Định mặc dù ông là người Phan Rang-Ninh Thuận. Cơ duyên nào đưa ông đến với bộ môn võ thuật này tôi cũng không rõ vì chưa nghe ai kể lại bao giờ. Có lần, ông bị bọn người xấu gây sự, bọn họ toàn là những thanh niên khỏe mạnh và là dân khuân vác. Chỉ vì tranh giành miếng ăn mà kiếm chuyện với ông ngoại tôi. BÌnh sinh, ông rất hiền lành và tốt bụng, luôn giúp đỡ mọi người nên ai cũng đều quý mến cả. 11 người bủa vây một ông già, ông liền “tả xung hữu đột” đánh bầm dập cả đám và kết quả là phải bồi thường 11 đồng tiền thuốc men. Bà ngoại tôi thì chuyên đi cứu chữa cho những người bệnh tật, bà không phải là thầy thuốc nhưng cũng rành đôi chút về y dược nên đem áp dụng các bài thuốc từ thiên nhiên để chữa bệnh mà không lấy một đồng nào, người ta quý cái công tình mà biếu bà chút gạo, chút quà lấy thảo mang về cho con cháu.
Gia đình ngoại tôi có thể nói là một gia đình khấm khá không ai ở khu vực Hòa Cường là không biết. Thời đó, đất đai trù phú lại có cả ruộng đồng bát ngát, ông bà tôi sở hữu cả mấy chục thửa ruộng trải dài từ khu Chợ Mới, trường Tây Sơn nằm trên đường Núi Thành và cả khu Đảo Xanh bây giờ. Cuộc sống an nhàn là thế cho đến khi chính quyền ban bố sắc lệnh các hộ gia đình phải đi kinh tế mới buộc lòng ông bà ngoại phải bỏ hết nhà cửa, ruộng đồng, đất đai ở lại đây mặc cho gia đình có thuyết phục. Vì ông sợ nhà nước sẽ làm khó dễ rồi sống không yên, tính ông vốn hiền lành nên không thích xảy ra chuyện gì gây khổ cho gia đình mình.
Ngày đó, ông bà ngoại dẫn theo 8 người con khăn gói lên đường vào mảnh đất mới, còn một người là dì Ba thì ở lại Đà Nẵng vì lấy chồng và sống riêng. Những câu chuyện tâm linh kỳ bí cũng khởi nguồn kể từ khi gia đình ngoại tôi đặt chân đến nơi này.
Câu chuyện thứ nhất: “Ma Lửa”
Xin được phép giới thiệu đôi điều về mảnh đất An Giang thuộc miền Tây sông nước của dãi đất hình chữ S Việt Nam chúng ta. An Giang là một tỉnh miền Tây Nam Bộ, bắt đầu từ chỗ sông Mê Kong chảy vào nước ta được chia làm đôi. Phía Đông An Giang giáp Đồng Tháp, phía Đông Nam giáp thành phố Cần Thơ, phía Tây Nam giáp Kiên Giang, phía Tây và Tây Bắc giáp nước Cam-Pu-Chia.
Song song với nhau là hai cù lao (Cù lao Ông Hổ và cù lao Ông Chưởng). Đất trên cù lao Ông Hổ là đất phù sa được bồi đắp hằng năm, có màu nâu sẫm, mịn, tơi xốp, bước đi nghe mát rượi bàn chân. “Tháng bảy nước nhảy khỏi bờ”, dòng nước sông Hậu tràn vào đưa đến cho đồng ruộng những hạt phù sa mới. Nước ngập kéo dài sáu tháng kéo theo từng đàn tôm, cá, rùa, rắn, lươn…Nông dân sau khi sạ cấy xong lại bắt tay ngay vào việc chuẩn bị câu, lưới, lờ, lợp, trúm…đánh bắt cá tôm.
“Bao phen quạ nói với diều
Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm”
Câu ca dao phản ánh sự trù phú của vùng rộng lớn ven sông Tiền, sông Hậu chạy dài từ Bình Di, Bá Nam trở xuống. Cù lao Ông Hổ nằm song song với cù lao Ông Chưởng cùng trong vùng đó. Nhà nào cũng có một chiếc xuồng, một ít dụng cụ câu, đánh bắt cá, ít nhất cũng đủ cá tôm ăn ngày hai bữa. Gia đình ngoại tôi chọn cù lao này để mà định cư.
Ngày ấy, mẹ tôi mới chỉ là một thiếu nữ, biết bao anh chàng vùng quê ngỏ lời tán tỉnh mà mẹ vẫn không màng, tôi nghe mẹ kể lại là vì mẹ chưa biết yêu. Việt Nam có, Mỹ lai có nhưng rốt cuộc mẹ lại chọn một cuộc sống yên bình đậm chất quê như là: trốn nhà để đi dò sông dò bể, bắt lươn, cá, tôm hay những đám lục bình trôi nổi về nấu ăn dù bị người trong nhà la mắng mãi. Mẹ cũng thường tụ tập với đám bạn cùng tuổi đi hái xoài, hái mận hay thậm chí đánh lộn với tụi con trai vì dám bắt nạt ông anh kế của mẹ là cậu Tý của tôi.
Một ngày nọ, trời vừa chạng vạng tối, mẹ cùng với 3 người bạn của mình trèo lên cây xoài nhà ông Hai để hái trộm. Hái xong, cả bọn mang chiến lợi phẩm vừa có được đi chỗ khác để thưởng thức. Đang đi trên đường thì từ đâu lăn ra một cục gì đó đỏ ửng, có lửa bốc cháy trên đó nữa, mỗi lúc nó lại càng to dần…to dần, cả bọn te còng chạy như bị ai rượt đuổi, được một đoạn thì dừng lại thở hổn hểnh. Bất chợt, mẹ ngoảnh lại phía xuất hiện thứ dị hợm đó thì thấy một bà lão đang ngồi đối diện với nó, nhìn kĩ thì thấy bà đang ngồi tiểu và lấy tay thấm nước tiểu của mình rồi xoa lên mắt. Ngay lập tức, cái thứ đó liền biến mất không còn một dấu vết, bụi cỏ ven đường mà nó lăn qua cũng chẳng có một vệt cháy nào cả mới lạ. Cả bọn tiến tới hỏi bà lão thứ đó là thứ gì mà ghê vậy thì bà lão mới bảo đó là Ma Lửa (một dạng thuộc lửa Ma Trơi) và dặn dò là nếu có thấy ma thì hãy làm theo cách của bà khi nãy, lấy nước tiểu rửa mắt tự khắc nó sẽ biến mất.
Câu chuyện thứ hai: “Gọi Hồn”
Nhà nọ, có hai anh em tên là Dao và Rựa, hai người rất chăm chỉ làm ăn và rất mực hiền lành, người dân ở đó ai cũng biết và quý mến. Rồi có một đêm, khi cả hai đang say giấc nồng, lúc đó đã là 1 giờ sáng, Dao giật mình trở giấc đưa mắt nhìn sang bên cạnh thì không thấy em mình đâu nữa. Anh liền hô hoán gia đình thắp đuốc đi tìm, cả làng cũng choàng tỉnh giấc vì nghe có tiếng ồn ào rồi người người nhà nhà cùng phụ tìm, lùng sục. Chợt, Dao thấy bóng ai trông giống em mình đang đi phía trên cây cầu khỉ đằng xa. Mà lạ thay, đối với người dân quê như ở đây dù có thông thạo khi đi cầu khỉ chăng nữa thì cũng phải để tay lên thanh ngang mà đi chứ không khéo lại té nhào xuống nước. Còn đây, Rựa không cần vịn vào thanh ngang mà có thể đi lại một cách trơn tru như đang đi trên đường bộ vậy. Người thì cứ như vô hồn, cứ hướng thẳng mà đi mặc cho dân làng kêu réo.
Thấy vậy, dân làng liền đuổi theo nhưng không tài nào đuổi kịp vì anh ta đi quá nhanh rồi mất hút sau bụi chuối. Đuốc thắp sáng cả một vùng trời đêm, mọi người ráo riết đi tìm anh ta, rà soát tất cả mọi ngỏ ngách từ sông hồ cho tới lùm cây cũng phải mất vài giờ đồng hồ. Trời đã gần sáng, ai cũng thấm mệt cả, toan bỏ cuộc để về nhà rồi tính tiếp thì bỗng một anh la lên bảo rằng đã tìm được thằng Rựa. Thì ra, anh ta ở trong một lò gạch cũ, người thất thần như kẻ vô thức, tay thì nặn đất rồi lấy nước tiểu vo thành những cục tròn giống như hình chiếc bánh toan bỏ vào miệng ăn. Dao thấy vậy bèn ngăn lại và hỏi:
_”Mày làm gì zậy Rựa!”
Lúc này, Rựa trừng mắt nhìn anh mình với đôi mắt đỏ ngầu trông thật ghê sợ. Buộc Dao phải đánh vài vài thật đau mới sực tỉnh mà đi về nhà. Sáng ngày hỏi lại thì Rựa bảo anh ta chẳng biết gì cả, chỉ biết nửa đêm nghe có tiếng ai gọi tên mình bèn ra mở cửa. Khi tỉnh dậy thì thấy mình ngồi đây, xung quanh là dân làng. Dao mới hỏi tiếp:
_”Cả đêm mày ngồi đây hay sao?”
Rựa gật đầu tỏ vẻ đồng ý thì Dao lấy làm ngạc nhiên vì dân làng thắp đuốc sáng như vậy, đi qua đi lại không biết bao nhiêu lần mà vẫn không thấy mặt mũi anh ta đâu trong khi anh ta ngồi thù lù giữa lò gạch nặn đất cát.
Câu chuyện thứ ba: “Chiếc Áo Đà Bí Ẩn”
Nhà vợ chồng ông Sinh nằm ở đầu làng, có vườn trái cây sum suê và tỏa bóng mát quanh năm. Khu vườn rộng lớn lắm, cũng bằng 1 mẫu tương đương 5000 mét vuông. Có lần, ông ngoại tôi đi ngang qua thì nghe tiếng cười đùa, hò hét rồi chạy rượt đuổi nhau, nhìn vào nhà thì chẳng có có ai cả, ông ngoại tôi biết là có người chọc ghẹo nhưng vẫn bình tĩnh đi tiếp. Một đêm nọ, hai vợ chồng ông Sinh đang ngủ thì bà Sinh nghe có tiếng lục đục dưới bếp, bà ngồi dậy và đi xuống xem có chuyện gì thì bà hoảng hốt khi thấy một con rắn Mai Gầm thuộc loại rắn Hổ ( một loại rắn cực độc, người bị cắn có thể đột tử trong vài phút nếu không được sơ cứu kịp thời). Con rắn đang quấn chặt một con gà của nhà bà, bà liền lấy cây đòn gánh mà đập vào đầu nó và nó bỏ đi.
Tưởng chuyện đã yên, nào ngờ đâu đêm ấy cũng là đêm định mệnh chấm dứt cuộc đời của bà. Đang ngủ say thì bà cảm thấy ngạt thở liền mở mắt dậy, một bóng đen dùng hai tay ra sức bóp cổ bà. Ông Sinh thì vẫn không hay biết gì vì ông ngủ rất sâu, chỉ tội nghiệp cho bà Sinh phải chịu đựng cơn đau đớn tột cùng mãi cho đến khi bà hoàn toàn cạn kiện sinh lực và không còn thở được nữa. Trời dần sáng, ông Sinh mở mắt dậy nhìn qua bà vợ thì hỡi ôi, bà Sinh đã đi rồi còn đâu. Trên cổ vẫn còn in hai dấu bàn tay rõ rệt, ông khóc cạn nước mắt xót thương cho người vợ của mình. Ông tự trách bản thân vì sao lại ngủ mê đến vậy để đến nổi vợ mình bị bóp cổ cho tới chết mà không hề hay biết. Người người ai nấy đều xót xa trước cái chết bất đắc kỳ tử và oan ức vì không tìm ra được thủ phạm.
Ngày tang lễ, người dân trong làng kể cả làng bên đều dành thời gian để đi viếng bà Sinh và an ủi người nhà của bà. Bỗng, một người trong buổi lễ bất chợt nhìn ra cửa sau thì thấy bóng dáng một người đàn ông đầu trọc, mặc chiếc áo màu đà tựa áo của những vị thầy chùa lướt qua nhưng không rõ mặt, mọi người liền chạy ra thì không thấy ai cả.
Dân làng nhớ lại, lúc trước, nhà ông Sinh có trồng một cây dừa to ở ngoài nhà. Một ngày, trời chuyển giông mưa trút như nước kèm theo đó là từng đợt sấm vang trời, sét đánh trúng thân dừa làm nó gãy đôi. Dân làng nghi ngờ cây dừa có quỷ ẩn náu nên trời sai thiên lôi đánh chết nó. Nào ngờ đâu, con quỷ chưa chết, nó lẻn vào nhà ông bà Sinh để phá hoại nhà cửa. Đầu tiên, nó trốn ở vườn cây sai khiến lũ quỷ hù dọa người đi đường, la hét ỏm tỏi. Tiếp đến, nó hóa thành rắn bắt gà nhưng bị bà Sinh phát hiện rồi đánh đuổi. Sau đó, hóa thành người vào tận phòng ngủ nhà bà để trả thù và kết cục mà gia đình ông bà Sinh phải nhận là việc bà Sinh đã ra đi trong tức tưởi, đau đớn tột cùng nhưng không hề biết mặt của kẻ sát nhân.
Câu chuyện thứ tư: “Ma Ném Đá”
Cậu năm của tôi (tức cậu Thành) lúc đó ở độ tuổi thanh niên và đang hẹn hò với một người con gái là mợ Thoa của tôi bây giờ. Tối nào, cậu cũng đi bộ mười mấy cây số lên xã trên chỉ để gặp mợ Thoa. Tối hôm đó, sau khi hẹn hò xong, cậu rải bước đi về trong đêm vắng, vừa đi cậu vừa hát cho quên đi quãng đường xa mịt mùng. Chợt, gió từ đâu nổi lên khiến cậu rùng mình, nổi cả gai ốc. Tiếp đến, là những tiếng cười lanh lảnh phát ra từ hai hàng cây bên đường, rồi có ai đó gọi tên cậu:
_”Thành ơi! Thành ơi Thành!”
Cậu biết là có chuyện nhưng vẫn đi bình thường, nhưng những ai đó trong bóng đêm vẫn không buông tha cho cậu, chúng bắt đầu ném đá xuống: một cục, hai cục…rồi cả một tràng đá, cục nào cục nấy rơi xuống đất nghe “độp độp”. Cậu tôi thầm nghĩ:
_”Nghe tiếng đủ biết đá nặng như thế nào rồi, nó mà rơi trúng đầu thì chỉ có chết!”
Chúng vẫn ném liên tục không ngừng, nhưng tuyệt nhiên không hề trúng một cục nào vào người cậu cả. Lúc này, cậu tôi đã sợ lắm rồi, cậu nhìn quanh tìm xem có ai không để cầu cứu thì chẳng thấy bóng dáng của một ai. Tiếp tục đi trong nỗi sợ hãi tột độ, cậu thoát khỏi con đường ma quái đó lúc nào không hay biết. Tiếng cười nín bặt, tiếng đá rơi cũng không còn, cậu mừng thầm trong bụng. Bỗng từ đằng xa có một người xách theo cây đèn dầu đi về phía cậu, thì ra là một cụ già. Cậu tôi hô hoán:
_”Phía trước có ma đó cụ, nó ném đá con nãy giờ đây này!”
Nói xong, hai người vắt chân lên cổ mà chạy. Sau lần đó, cậu tôi ở nhà luôn, còn làm sao để gặp mợ Thoa thì tôi chẳng thể nào biết được vì lúc đó tôi chưa hề tồn tại trên cõi đời này để mà thám thính. Vả lại, cũng chẳng có ai kể cho tôi nghe nên tôi không thể kể tiếp cho các bạn được.
Câu chuyện cuối cùng: “Tắt Đèn”
Cũng là cậu tôi, nhưng lần này là cậu Hai. Không biết cậu đi đâu về tối để đến nỗi gặp phải cảnh tượng kinh hoàng khó giải thích đến vậy nữa. Chuyện là tối hôm đó cậu hai đang trên đường về nhà, đi ngang qua một xóm nhỏ, nhà cửa heo hút và thưa thớt. Rút một điếu thuốc tính làm một hơi thì lại không thấy bật lửa đâu, cậu mới tìm một nhà dân còn sáng đèn để vào xin lửa người ta. Liếc thấy nhà kia loang loáng ánh đèn mờ, lại có cả bóng người in trên vách, hình như là 4 người thì phải. Nghĩ bụng chắc gia đình này hôm nay ngủ trễ nên quây quần bên nhau để hàn huyên, cậu bèn vào gỏ cửa. Nhưng khi vừa đến cửa, định giơ tay lên gỏ cửa thì ánh đèn trong nhà chợt tắt, kèm theo đó là tiếng gió thổi lạnh thấu xương. Cố lắng tai nghe nhưng tuyệt nhiên cậu lại chẳng nghe tiếng ai nói chuyện hoặc là tiếng bước chân đi vào phòng nếu gia đình đó đi ngủ. Trống ngực đánh liên hồi, cậu hai chạy bán sống bán chết một mạch về nhà luôn.
P/s: Trên đây là những câu chuyện hoàn toàn có thật do bà ngoại và mẹ tôi kể lại từ thuở tôi còn học mẫu giáo. Cho đến bây giờ, tôi vẫn lưu giữ trong ký ức, xem đó là hồi ức đẹp mà tôi đã được nghe ngoại kể chuyện hàng giờ mỗi khi ghé chơi. Bây giờ, dù không còn được nghe giọng nói của ngoại nữa nhưng trong tâm tôi ngoại vẫn tồn tại đâu đó bên cạnh, phù hộ và che chở cho tôi mỗi ngày. CON NHỚ NGOẠI!
Đà Nẵng, ngày 21 tháng 03 năm 2015.