Home Truyện Ma Thành Viên Những chuyến đi sương – 4 – Tác Giả Khả Bắc

Những chuyến đi sương – 4 – Tác Giả Khả Bắc

Những tiếng khóc ỉ ôi chờn vờn trong màu sương trăng trắng, những đốm sáng lập loà khi ẩn khi hiện rồi tiếng kinh phật tụng èo uột khi gần khi xa… Bầu trời đêm như đồng loã, lôi kéo và phóng đại những âm thanh, ánh sáng ma mị kia. Tôi lững thững trôi theo từng khoảnh khắc mà vẫn không định hình được rõ mình đang ở đâu giữa cõi nhân gian nửa hư nửa thực.

Mùa hè năm ấy tôi – anh chàng sinh viên năm 2 của một trường sư phạm khoác lên mình màu áo xanh tình nguyện theo tiếng gọi tuổi trẻ về sống cuộc sống gắn bó hơn một tháng trời với các bác thương binh trong một trung tâm chăm sóc, điều dưỡng thương bệnh binh của xứ Kinh Bắc. Đoàn chúng tôi gồm mười nữ và năm anh con trai. Tất cả kết thúc hoạt động bằng cuộc họp cuối ngày. Ở miền quê bao trùm bởi cây xanh và sự bình yên hiện hữu trong từng nét mặt nụ cười của người dân. Khi tối đến, con gà chưa dứt tiếng gáy đón hoàng hôn các phòng ở của thương binh đã tắt đèn. Họ âm thầm gánh chịu những nỗi đau dai dẳng của cuộc chiến còn sót lại, họ trốn tránh mọi sự quan tâm của thế sự nổi trôi. Chúng tôi hoà nhịp đập cuộc sống nơi đây bình dị như bao lứa thanh niên tình nguyện khác. Nhưng đối với tôi cái tật nghiện thuốc lào không chịu để yên cho giấc ngủ kéo đến xâm chiếm dù cơ thể mỏi mệt.

Tiết trời cuối hè sang thu, rục rịch hơi sương lạnh dần. Khi những lọn sương đủng đỉnh sà xuống bôi ướt những cánh lá sấu cũng tới lúc tôi lục tục chồm dậy lặng lẽ kéo khói thuốc nửa đêm. Giây phút lơ mơ, thở dốc chưa kịp tan thì loáng thoáng bên tai tôi văng vẳng tiếng khóc nỉ non của ai đó vọng vào đêm thăm thẳm. Thoáng rùng mình, tôi cất bước dạo quanh lối đi bao lấy các dãy nhà của trung tâm. Tiếng khuya thâm trầm làm nổi hẳn lên tiếng khóc xa xôi kia khiến sự tò mò của tôi không thể cưỡng lại. Ánh trăng mờ nhạt hoà cũng ánh đèn cao áp loang lổ trên từng mảng bê tông nửa vàng nửa trắng khiến tầm mắt tôi không phóng được xa. Nhưng phía trước, ngoài cổng trung tâm rõ ràng có bóng một người đàn bà đang đứng ôm mặt khóc. Như nhận ra ánh mắt tò mò của tôi từ trong sân bóng dáng ấy bước đi từng bước trong vẻ uể oải, luyến lưu điều gì đó trong trung tâm.

Toàn bộ khuôn viên của trung tâm thương binh được xây dựng từ đầu những năm 80. Khu cơ quan, văn phòng làm việc được ngăn cách với khu điều dưỡng của các bác thương binh qua một con đường bê tông liên xã. Từ sớm tinh mơ cho tới chạng vạng tối hai bên cổng trung tâm là những gánh rau, mẹt cá, chõng thịt họp thành cái chợ quê cỏn con của dân trong làng. Ở các phòng điều dưỡng thương binh thường được chia theo hộ gia đình. Trong ấy là vợ, là con của những con người từng gắn bó với khói lửa đạn bom. Họ tìm lại sự bình yên hoặc an ủi cho những nỗi đau âm ỉ khi tiết trời đổi thay quái gở. Và cũng có những nỗi đau không thể vượt qua, những vết thương không thể hàn gắn. Trong trung tâm vẫn có những chiếc xe lăn lạc lõng đơn lẻ, họ không chấp nhận để người phụ nữ nào khổ đau thêm nữa. Hoặc họ cam tâm ngậm kíp nổ rồi tự mình vượt qua nỗi đau bằng một tiếng nổ long trời. Rừng rú, chết chóc, đêm tối không giết được họ nhưng ở trung tâm này vẫn thoảng có bóng dáng của liêu trai.

Bóng dáng kia di chuyển, sự tò mò của tôi chưa dừng lại. Cánh cửa cổng trung tâm khép hờ. Dáng mái tóc xoã dài, cái áo hoa sờn rách cùng cái làn cói trên tay kéo tôi bỏ qua ánh đèn loang lổ của khoảng sân trong trung tâm. Tôi dò dẫm theo ánh trăng mờ tỏ lần lần vào trong ngõ nhỏ lối dẫn ra những ngôi nhà từng là khu của các gia đình thương binh bị bỏ lại sau khi trung tâm được nâng cấp. Nơi ấy là rúc rích tiếng chuột, ỉ ôi của những con dế mèn hay ộp oạp kí kéc của cậu cóc. Những mái nhà cấp bốn kéo dài đã có chỗ sụt thành chòm, những cánh cửa gỗ ọp ẹp không giấu được sự rệu rã của thời gian. Người phụ nữ kia vẫn như dẫn đường cho tôi mà chẳng hiểu có biết tôi đang theo sát hay không. Tiếng khóc vẫn lởn vởn nhưng càng lúc càng rõ nét. Phía cuối dãy nhà hoang tàn này thấp thoáng ánh đèn. Rõ ràng vẫn có người ở, tôi nhớ như vậy vì có lần trò chuyện với các bác thương binh tôi được nghe kể. Rồi bóng người phụ nữ dừng lại trước căn nhà có ánh đèn, bà ta kéo cánh cửa cót két rồi bước vội vào trong nhà. Trong tâm trí của một kẻ sùng công nghệ như tôi chưa từng xuất hiện suy nghĩ có ma. Cho đến lúc ấy tôi vẫn vậy. Có lẽ người ta cũng đoán biết mình đi theo sang đây. Dù gì cũng nên ghé qua hỏi thăm một tiếng. Tôi lướt qua mặt kính đồng hồ trên tay cố soi qua ánh trăng nhập nhoè mới có già 11 giờ đêm. Chắc mẩm vẫn có người thức hoặc giả như thuốc giảm đau hết tác dụng nên người phụ nữ kia mới sang trung tâm muốn gọi bác sĩ xin thuốc chăng. Đầu nghĩ chân bước, rồi tôi khựng lại trước cửa. Chặn lối vào nhà là cái xe lăn ba bánh, một thân thể phì nộn nhưng đôi chân duỗi thẳng, teo lại quắt queo, một cánh tay phải buông thõng cũng khẳng khiu khô quắt. Bác thương binh đang một mình hút thuốc ngắm khoảng sân trước nhà mà khói thuốc thủng thẳng nhả vào đêm. Ánh mắt ấy nhìn tôi thoáng ngạc nhiên, tôi cũng vậy. Hai bác cháu chào nhau khẽ khàng như sợ đánh động hàng xóm dù xung quanh vẳng chỉ còn tiếng cọc kẹc của cóc nhái. Tôi liếc nhanh quanh nhà được phủ trùm bởi ánh sáng của bóng đèn nấm hai nhăm oát đỏ quành quạch, trên nền đất nện nhẵn thín là cái giường đơn thả màn xanh bộ đội, cạnh đó là cái bàn thấp lẹ tẹ kê cái phích bước nhỏ cùng dăm ba cái cốc xỉn màu nước chè. Sau màn chào hỏi lặng lẽ là lời tâm sự về quá khứ oai hùng, rồi một lần bác ấy bị mảnh pháo găm vào cột sống phải về tuyến sau rồi lại bị hai phát đạn đại liên găm vào bả vai khi còn nằm ở lán cứu thương. Con đường trúc trắc những tưởng phải gửi lại nắm xương tàn nơi đồng hoang xứ khách nhưng bác vẫn măn mắn về được đây. Tôi cũng ngạc nhiên vì đã về đây gần một tuần mà chưa từng gặp bác, chưa từng được ai giới thiệu xuống khu này hoặc thấy y bác sĩ xuống cấp phát thuốc hàng ngày. Tôi cũng ngạc nhiên về người phụ nữ nửa đêm cùng tiếng khóc nỉ non phía nhà bác mà tôi đuổi theo để rồi tới đây nhưng bây giờ tịnh không thấy đâu. Sau khi nhả những làn khói chầm chậm, bác nói đó là vợ bác cùng cô con gái bị di chứng của chất độc màu da cam đâu đã thành hình người. Rằng đêm nào giờ này nó cũng khóc, vợ bác cũng khóc theo và rồi những lúc bác đau đớn chỗ vết thương cũ thì bác cũng khóc. Cứ thế cả nhà ôm nhau khóc từng chập rồi thiếp đi mà gắng gượng sống qua ngày.

Trong làng có tiếng gà gáy vọng bác giục tôi về phòng nghỉ ngơi cùng các bạn rồi sáng mai rảnh thì đưa các bạn xuống nhà bác chơi. Tôi dạ vâng hứa một hai ngày mai thế nào cũng sẽ xuống cùng cả nhóm. Nói xong tôi chào bác rồi lặng lẽ trở về phòng trong mập mờ ánh trăng khuya. Cơn buồn ngủ kéo đến nhanh hơn tôi tưởng, nhưng trong giấc mơ ánh mắt của người thương binh tôi gặp khi buồn khi giận dữ như nhắn gửi tôi điều gì chăng. Tiếng báo thức cả nhóm dậy quét sân buổi sớm kéo tôi ra khỏi giấc mơ mệt mỏi, ám ảnh. Trước khi bắt đầu bữa sáng cùng mọi người tôi cùng hai cô bạn gái qua phòng một bác thương binh già ở một mình để phụ bác lau dọn nhà cửa, hâm nóng thức ăn. Bên cốc trà tươi buổi sớm tôi ướm hỏi bác về dãy nhà sắp sập phía bên kia đường. Lúc đầu bác chỉ nói qua loa, rồi lảng sang chuyện khác. Nhưng khi tôi nhắc về người thương binh có đứa con bị di chứng chất độc màu da cam cùng căn phòng nền đất thì vẻ mặt bác thoáng chút hoảng hốt. Vẻ can trường của người lính từng sống chết cận kề nhanh chóng gạt qua, bác ép tôi dời bỏ câu chuyện, thắc mắc của mình bằng một lời hẹn với cả nhóm ít phút nữa qua phòng bác nói chuyện.

Hơn chục gương mặt thanh niên chúng tôi háo hức quây quần quanh người thương binh già. Ánh mắt bác lúc này đượm buồn, bác khẽ nhướn mày nhìn tất cả chúng tôi rồi chầm chậm bắt đầu. Câu chuyện xảy ra khá lâu rồi, từ những ngày đầu mới thành lập trung tâm, đất nước trong chế độ bao cấp, thuốc men chưa đầy đủ, máy móc chữa trị, điều dưỡng chưa có. Phương tiện duy nhất để các bác thương binh ở đây vượt qua nỗi đau hàng ngày là những liều thuốc mooc – phin nặng đô. Cái thứ ấy dùng nhiều rồi cũng nghiện, mà nó nghiện nào có thua kém gì thuốc phiện vì nó là con đẻ của thuốc phiện. Không có là đau, nỗi đau giằng xé, nỗi đau vật vã đêm ngày. Những người dùng nhiều ở đây duy chỉ có bác Thiệp. Nhưng chính vì dùng nhiều thứ ấy mà anh em thương binh cũng xa lánh bác, cho rằng anh bộ đội hèn kém, yếu đuối lại nghiện ngập. Vậy nên bác xin trung tâm cho ở trong góc cuối dãy nhà cấp 4. Bác chấp nhận làm chồng một người phụ nữ cũng từng là thanh niên xung phong ở tuyến trong may mắn đầy đủ vẹn lành nhưng khi sinh đứa con đầu lòng cả hai người ngỡ ngàng khi khuôn mặt đứa bé quái dị, thiếu mất một hốc mắt, cái đầu bẹt xuống, hàm ếch xé toác ra. Cuộc đời ác nghiệt thay đứa bé ấy không chết, nó làm nỗi đau của cặp vợ chồng thương binh như thêm một lần đạn bắn, dao đâm. Hàng đêm con bé khóc ngằn ngặt, người vợ ôm con khóc, người chồng cũng mếu máo ấm ức. Rồi một ngày kia người vợ có lẽ vì tuyệt vọng lừa chồng lên trung tâm xem chơi cờ tướng rồi một mình cho đứa con uống thuốc ngủ xong tự mình ôm con chết cùng. Bác Thiệp trên này thấy nóng ruột một tay giật giật cái xe lăn về tới nhà đẩy cửa vào là cảnh tượng hai mẹ con ôm nhau ngủ trong khoé mắt chưa khô giọt nước. Linh tính của người chồng người cha mách bảo bác chuyện gì đã diễn ra. Bác lặng lẽ lật mình qua chiếc xe lăn, tự mình chốt cửa rồi mò mẫm lấy 5 cái kíp nổ xin được của mấy anh quân khí ngậm cả vào mồm tự mình theo chân hai mẹ con.

Chúng tôi há hốc mồm kinh ngạc, riêng tôi cảm giác một luồng khí lạnh bao trùm không gian.

Đêm qua trôi thật nhanh, tiếng gà gáy quái quỷ và có lẽ đêm nay cơn thèm thuốc lào của tôi lại đến khi bầu trời còn thăm thẳm sương…

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận