Home Truyện Ma Thành Viên Những chuyến đi sương – Tác giả Khả Bắc

Những chuyến đi sương – Tác giả Khả Bắc

Câu chuyện xảy ra khi mà đồng hồ còn là một thứ xa xỉ ở nông thôn như quê tôi, thời gian lúc bấy giờ chỉ được đo bằng tiếng gà trong đêm. Và nhân vật trong câu chuyện cũng đã ở cái tuổi lên ông lên bà.
Ngày bấy giờ, ở quê tôi mô hình kinh tế tập thể hợp tác xã vẫn còn vững mạnh, là một trai đinh học không cao lại nối nghiệp ông cha theo mấy mẫu ruộng nên bác tôi được hợp tác xã ưu ái phân công làm tổ trưởng tổ bảo vệ thực vật, tức là tuần tra, canh gác và phun thuốc trừ sâu. Khoa học kỹ thuật lúc đó còn hạn chế nên việc phun thuốc trừ sâu thường được tổ chức phun vào chiều tối và sáng sớm. Như thường lệ sau khi kết thúc ca phun thuốc buổi chiều bác tôi bàn với mọi người trong tổ sớm mai sẽ hẹn nhau ở đầu ngõ khi tiếng gà thứ 3 gáy. Trước khi về bác còn dặn một anh cùng xóm nếu sớm mai có đi trước thì qua ngõ gọi bác cùng đi. Mọi người đều tán thành và cọ rửa đồ đạc ra về trong tâm thế hân hoan sẵn sàng cho công việc ngày mới.
Khi ánh trăng non mới nhú lên phủ khắp làng tôi trong ánh bàng bạc, soi rọi dải ao giữa làng được coi như “long mạch” của làng một thứ ánh sáng lạnh lẽo, tĩnh mịch. Tổ bảo vệ của bác tôi bao gồm cả việc trông coi việc canh tác những cái ao thời đó được coi là tài sản chung của cả làng. Khi tuần tra cái ao gần cuối làng bác tôi thoáng thấy bóng người lẩn nhanh phía vườn cây các cụ, giục mọi người rượt đuổi theo nhưng khi lao vào lùm cây lại chỉ thấy một màu đen của đêm. Có một điều lạ là dù trăng rất sáng nhưng cả khoảng vườn trống hoác lại tối om, tối đen như đêm ba mươi, mọi người không nhìn thấy nhau, ai cũng cố gắng cất tiếng gọi nhưng tuyệt nhiên chỉ có tiếng của chính mình trả lời trong đêm vang vọng. Khi ấy bác tôi nhanh trí rút trong người lưỡi lê được chế thành con dao găm chém vào không khí liên hồi, chợt trong vườn có tiếng chân chạy huỳnh huỵch, bác gọi nhưng không có ai trả lời, rồi tiếng người nhảy xuống ao ùm ùm liên tục. Dường như cảm nhận được điều gì đó bất thường bác chạy ra phía bờ ao ở cuối vườn thì không thấy có một gợn nước, mặt ao vẫn bình yên với ánh trăng tỏa bóng. Khi bác quay trở lại vườn gọi cả nhóm thì lúc này mọi người mới nghe thấy và trả lời bác, sau một hồi tập trung cả bọn không ai bảo ai, ai cũng biết chuyện gì đã xảy ra nên tất cả đều lẳng lặng về nhà ngủ. Lúc ấy gà đã cất tiếng gáy đầu tiên trong đêm.
Trời mùa hè nóng bức, thời mà tivi chạy bằng bình ác-quy, quạt máy chỉ là tưởng tượng nên người trong nhà đều trải chiếu ra hiên nhà ngủ. Về nhà, bác cởi trần lăn ra cạnh chiếu bà mà nhắm mắt thiu thiu lúc nào không biết. Trong ánh đêm bình yên bỗng đầu ngõ vang tiếng gọi: “Anh Quang ơi, dậy đi thôi”. Tiếng gọi cất lên lần thứ 2 thì bà chợt tỉnh, bà lay bác theo quán tính, “Quang ơi, dậy đi phun, người ta gọi ngoài ngõ kia kìa”. Bác dụi dụi mắt cay xè, giấc ngủ chưa tròn đêm mà đã sáng. Ngồi thừ người một lúc bác vẫn ở trần như vậy chạy ra sân giếng lấy bình phun thuốc đổ một ít nước vào bình rồi phun thử. Bác để mọi thứ đã chuẩn bị sẵn rồi đi đánh răng rửa mặt. Sau khi mọi thứ xong xuôi, đeo bình lên vai bác đi bộ theo hướng cuối làng nơi mọi người hẹn nhau.
Làng tôi khi ấy dân chưa đông, trước và sau làng đều là những cánh đồng tít tắp, nằm ở cạnh quốc lộ nên làng cũng là ngã ba, cầu nối tiếp giáp với các làng bên. Phía cuối làng nơi có ngôi miếu cổ, cây quéo cổ thụ gốc cả đám trẻ chúng tôi ôm không hết. Cuối làng, đoạn ra đồng cũng là nơi dẫn ra nghĩa trang của thôn tôi và thôn kế bên. Cạnh nghĩa trang ấy có một ngôi mộ táng chung dưới gốc cây, cái cây ấy đến nay tôi vẫn không biết là cây gì, chỉ biết cả làng gọi đó là cây bụng chửa. Năm này qua năm khác, nhiều người đi qua đó, nhiều người đã sinh ra và lớn lên nhưng không ai trong làng biết đó là ngôi mộ của ai, có từ bao giờ. Chỉ biết rằng lũ trẻ chúng tôi khi chăn trâu chăn bò gần đó tuyệt nhiên không dám tới gần vì người lớn dọa ở đó có ma thành tinh. Bác tôi sau khi một mình đi bộ ra gần tới điểm hẹn mà không gặp một ai trên đường mới cảm thấy có điều gì không đúng, không lẽ mọi người đều đi nhanh như vậy. Trên đoạn đường từ ngôi miếu rẽ vào con đường dẫn ra cây bụng chửa phía trước bác có tiếng nói lào xào, bác cất tiếng gọi trong màn đêm nhưng không có ai trả lời. Bỗng từ đâu một cơn gió thổi đến lạnh buốt người, bác rùng mình tự hỏi sao mùa hè mà gió lại lạnh đến vậy. Ánh trăng nhòe đi sau cơn gió, bác ngước mắt lên nhìn thì lập lòe ánh sáng lấp lóa của một cô gái váy áo thướt tha đi trước bác không xa. Bác chưa hình dung ra ai đó cùng làng có dáng đi như vậy, bác cất tiếng gọi người đó không trả lời, bóng người ấy lúc nhanh lúc chậm cứ đi trước bác như thế. Đi được một đoạn chưa nghĩ ra là ai bác bèn rảo bước nhanh hơn cố đuổi kịp người ấy nhưng thấy bác đi nhanh nó cũng đi nhanh, bác chạy nó cũng chạy, quái lạ hơn dáng đi của nó như lướt theo gió, không nghe thấy tiếng bước chân. Lúc này bác hình như đã cảm nhận ra điều gì đó nên dừng lại. Bác dừng lại thì nó biến mất, rồi lại xuất hiện phía sau bác như đùa giỡn. Bác chửi thề rồi kéo cần, bơm bình nhè thẳng vòi bơm phía bóng trắng vừa chạy vừa bơm, một hồi nó biến mất mà không xuất hiện trở lại. Bác nghĩ bụng mình bị ma trêu nên quay về nhà là hơn. Bác lập tức quay về nhà, nhưng chuyện chưa dừng ở đó. Khi đến cây quéo cổ thụ từ trên cây có bóng người nhảy phốc xuống chặn đường bác. Dáng người cao to, đội mũ cối không rõ mặt, bác đi thì nó giật lùi, bác lùi thì nó tiến, cứ như thế mà bác chạy lòng vòng quanh gốc cây một hồi lâu. Rồi từ phía xa có đoàn người đi chợ qua làng. Bác chợt nhớ hôm nay chợ phiên, bác gọi to, bóng đêm giãn ra, trời trăng rạng hơn đôi chút. Mấy bà gánh hàng hỏi bác đi đâu mà sớm vậy, trong tiếng thở gấp bác chỉ trả lời họ vắn tắt bị ma trêu rồi hỏi họ đi chợ gì mà qua đây không sợ gặp ma sao. Mấy bà nói ngày nào cũng gánh bún qua làng bán mà có thấy gì đâu. Cũng thấy bụng đói, bác hỏi mấy bà bán cho mấy lạng bún mang về ăn sáng, sau khi nhận bún và chào hỏi xong xuôi bác đi như chạy về nhà, lúc ấy gà mới gáy lần thứ 3. Mọi người vẫn còn ngủ say, quanh làng tiếng chó sủa đêm ì oàng vang vọng. Bác lại ngả lưng xuống hiên nhà đánh tiếp một giấc nữa, bỏ quên túi bún treo trên cột nhà.
Bác ngủ cũng được lâu nữa thì ngoài đường có tiếng người đi ra đồng sớm, rồi bà dậy đi chợ. Bà lay bác trách sao không dậy sớm đi phun, bác dở ngủ càu nhàu nói bà bị ma trêu. Sau đó bác cũng dậy vì trời mùa hè sáng mau. Bác lững thững ra bờ ao cất vó tôm thì gặp anh cùng xóm, lúc này anh ấy mới sắm sửa chuẩn bị qua gọi bác đi phun. Bác trở vào lấy đồ, chợt nhìn túi bún mình mua hồi khuya còn treo trên cột nhà thì giật mình vì đó không phải là bún mà là đất, tất cả được gói trong thứ lá chuối khô ngoài nghĩa địa. Bác lạnh toát người, đứng im một hồi giữa sân cho tới khi anh cùng xóm vào tận trong sân chào cả nhà bác mới tỉnh và kể cho anh nghe chuyện đêm qua.
Làng tôi cách đây nhiều năm về trước, những con đường cuối làng còn là đường đất, hẹp, lại gần mương dẫn nước chính chạy đi khắp các xã khác. Bởi vậy mà các cụ kể lại có năm lụt to, phải phiên chợ những người bán bún đi chợ sớm qua làng chết đuối nhiều vô kể, đa phần đều bị sa xuống mương, người này cứu người kia rồi kéo nhau chết nhiều. Họ đi sớm nên khi trong làng biết thì cũng không kịp trở tay. Từ đó mỗi khi trưa nắng hay đêm khuya thường có những đoàn người vai gồng vai gánh nói chuyện rôm rả đi con đường cuối làng rồi mất hút trong ánh trăng khuya…

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x