Home Seo Xóm Mới – chuyện cây Đa bóng Quế nơi thành thị – Tác Giả duyky

Xóm Mới – chuyện cây Đa bóng Quế nơi thành thị – Tác Giả duyky

HUỆ NI – Lời nguyền thấm vào đất
Cô ấy tên Huệ, phải nói là đẹp, da trắng như sứ người tròn cá trắm, khuôn mặt thánh thiện, trông cô như bức tượng tạc đẹp
Cô ở cùng mẹ, mẹ cô chỉ có cô, không biết bà có chồng hay chồng chết chồng bỏ hoặc không có chồng, không ai biết.
Tuổi đôi tám cô càng rực rỡ… lũ trẻ con chúng em nghe hóng chuyện người lớn đồn đoán nên cũng miệt thị cô như bao người, nói cô là con hoang… Cô trầm lặng, kín đáo, kiệm lời. Giá mà ở thời này thì cô chắc chắn là bị vô vàn chàng thiếu gia theo đuổi và khả năng có một đời sống khá giả với chồng con, nhưng thời đại và định kiến thời đại đó là một cái thứ vô hình bóp nghẹt một số phận.
Thế rồi một ngày kia, ầm ĩ vì chuyện bà mẹ cô đánh đập cô gây xáo động rất lớn, lại đồn đoán âm ỉ, nhiều người nói rằng cô ấy chửa hoang.
Mâu thuẫn nhà cô và mẹ cứ như lửa cháy càng lúc càng mạnh và ầm ĩ nhiều hơn.
À thì ra cô đã có người yêu, một thày giáo trường âm nhạc. Cô bỗng có một vây đàn Violin, đêm thanh bọn trẻ con đi rình thấy cô hay chơi đàn, chắc mới học nên tiếng đàn nghe chẳng thấy hay vì nó vấp nhịp và loạn nhịp lắm. Đây là nguồn cơn mâu thuẫn của cô và bà mẹ, bà mẹ cho rằng “xướng ca vô loài” nên không cho cô yêu thày dạy nhạc và cũng không cho cô tập chơi âm nhạc.
Rồi thày giáo trẻ đến nhiều hơn, hàng xóm quen mặt thày, ai cũng nghĩ sắp có đám cưới… mà đúng là có dạm ngõ thật (chuyện người bậc trên của anh con trai đến thăm nhà cô gái và đặt vấn đề cho đôi trẻ được quen biết – nhưng ngầm là được yêu đương nhau), ấy cũng là bình thường, nhưng buổi dạm ngõ này không xuôi sẻ như mong đợi, bên gái chê xướng ca vô loài, bên trai chê đồ con hoang, dù không thành cãi vã song cũng là mặt mũi nặng nề, hai bên chì chiết, dè bỉu nhau. Đúng là đã không ưa thì dưa cũng có dòi. Một ngày nào đó, thày giáo sơ mi trắng đóng cà vạt ôm hoa cùng mấy người bạn và cả lũ trẻ con chân đất nhếch nhác đi xem kéo đến cửa nhà cô, gọi là cưới đón dâu. Thày không được gia đình cho phép nhưng cứ cố cưới bằng mọi cách, cũng nghèo nên thày chỉ làm được có thế, chuyện bẽ bàng của thày là từ hôm nông nổi ấy, mẹ cô Huệ nhất định không nghe, mang nước ra hắt đuổi nhóm người kia về, không cưới kiếc gì hết, sao có kiểu cưới lạ đời chẳng có bố mẹ bề trên họ hàng đôi bên, chẳng có cỗ rạp, chẳng có pháo nổ, chẳng có thiệp mời.
Cô Huệ khóc lóc van xin mẹ cũng không được, đông người đến xem bàn tán, “Chú rể” về trong ngượng nghịu, mặt mũi mướt mát không biết là nước mắt hay nước bẩn bị bà mẹ vợ hụt hắt vào. Thày cũng chẳng đi đến cùng đường.
Cũng chỉ ít lâu sau độ chừng mấy tháng, pháo hồng nổ vang xóm bên, nhà Thày làm đám cưới rình rang, lũ trẻ con chúng em tranh nhau chạy ra vồ pháo xịt, người lớn say trầu, say thuốc, say rượu. Chỉ ít người hiểu biết bên Xóm Mới này ngoảnh mặt cười buồn: Đồ bạc tình!. Thày giáo nhạc cũng đã từng yêu cô Huệ nhưng chắc chắn thày không yêu bằng con tim mà yêu bằng con… khác.
Đêm hôm ấy hàng xóm lại nghe tiếng mẹ con cô Huệ cãi cọ, sáng hôm sau người ta thấy cây đàn Violin bị đập vỡ ném ra đường với mấy quyển sách nhạc xé nát.
Cãi cọ mắng chửi thường xuyên hơn, rồi một hôm lũ trẻ chúng em lại nhao nhao chạy theo xem, cô Huệ đi chân đất, tóc cắt sát đầu nham nhở, mắt mờ mịt ráo hoảnh, từng bước cô bước vào chùa xa xa.
Nếu chỉ vậy và hết thì đời này còn có bài thơ, bài ca về cô và mối tình cay đắng.
Nhưng, đời sẽ chẳng thể có thơ vì chuyện chưa có hồi kết.
Cô Huệ đi tu, chuyện ồn ào náo nhiệt lắng dần, quyên lãng, chỉ còn trong cái chép miệng của mấy bà già đi lễ chùa về, Cô Huệ giờ có biệt danh là Huệ ni, các bà già chép miệng than: “khổ vì thằng giai bội bạc”.
Chuyện nhà thày giáo dạy nhạc thì em không biết rõ, chỉ biết thày có 2 đứa con đều tàn tật ngẫn ngờ, sau thày lại bỏ đi đâu rồi không ai biết nữa. Âu cũng là quả báo cho kẻ bội bạc.
Cũng phải mấy năm qua, mẹ cô Huệ cũng mất rồi, bà này mất lúc cũng còn trẻ, đơn chiếc và cô quạnh, cô Huệ có về làm đám tang, như một đám tang neo người và nghèo túng nhất. Bỗng một ngày cô về lại gian nhà cũ ở đó, ai cũng râm ran là cô ấy có chửa bị chùa đuổi. Sở dĩ vẫn còn giao tiếp vì cô ấy lại đi trồng rau, bắt cua cá, mót ngô khoai như một người nông dân không có ruộng. Huệ Ni chửa thật, cô ấy bắt đầu đi bán hàng xén ở chợ (hàng tạp hóa gia đình hồi xưa). Rồi cô ấy cũng sinh con, một đứa con trai. Cô ấy vẫn ít nói, chỉ bán hàng thì mời mọc nhiều, không biết do trời thương hay là người mua cũng muốn ngắm cô bán hàng đẹp, cô ấy vẫn đẹp, cổ tay cô ấy cứ như búp cây non, việc bán cũng kiếm được khá tiền nuôi sống được mẹ con cô.
Bốn năm trôi qua, một hôm tin sét đánh, đứa con Huệ Ni chết đuối ở ao trường.
Nhìn cảnh mẹ khóc, ôm xác con, cả xóm Mới ai cũng sởn tóc gáy, rịn nước mắt
Đứa trẻ rồi cũng được chôn, mô đất nhỏ xíu ven ngoài nghĩa địa, cũng ngay gần Xóm Mới chỉ cách lôi đi nhỏ như bờ ruộng.
Cô Huệ dần dà lại đi bán hàng xén ở chợ. Cô ấy vẫn phải sống, hàng ngày ở nhà cô ấy vẫn mặc áo nấu sồng như người tu tại gia.
Rồi cô ấy cũng có chồng, một chú thuyền chài đánh cá, đen bẩn, xấu xí, nhỏ thó. Trông hai người ở với nhau như đôi đũa lệch. Họ tự đến ở với nhau tại nhà cô ấy, không có cưới xin gì cả.
Mấy năm yên ả, thế rồi một ngày ầm ĩ ở nhà cô lại đến. Vợ cả của chú thuyền chài kia ở quê ra đánh ghen, do tưởng chú chết đuối với thuyền ở đâu ai dè lên phố lấy vợ lẽ. Từ dạo ấy chú thuyền chài bỏ đi mất, chắc về với vợ cả. Yên ắng dần một thời gian thì một tối tiếng ú ớ kêu cứu từ nhà cô Huệ vọng ra. Người ta đến đưa cô vào viện, cô mất ngay đêm đó, thấy nói là bị xuất huyết não.
Không có đám tang, người chết xử lý sau khi đặt xác nhiều ngày trong bệnh viện không có thân nhân đến nhận. Cũng chôn thành mộ đất, cạnh mộ nhỏ của con trai cô.
Gần đấy có nhà đói rách lắm, đến lấy đồ về dùng, quần áo của cô về mặc.
Cái áo nào cũng bị viết chữ lên “Đàn ông toàn những kẻ bội bạc”.
Nhà cô thành nhà hoang, sau cũng sụp trong cơn mưa giông nào đấy.
Cạnh mộ cô mọc lên cây hoa sữa. Mấy năm sau có liền 2 vụ tự sát, toàn là Nam thanh niên thất tình treo cổ ở đấy.
Cả vạt đất sát đấy cứ đến tối chẳng ai dám đi qua. Chỗ hoang dấy dần dà lối đi rộng ra rồi thành đường đi lúc nào không hay. Khách qua đường thỉnh thoảng kể rằng có mua cái khăn tay của chị bán hàng xén gốc cây sữa, lại khen chị hàng xén tuy cứng tuổi nhưng da trắng xinh rất duyên, khăn thêu rất đẹp, nhưng cứ có dòng chữ hận kẻ bội bạc làm xấu cái khăn hoàn hảo, hỏi khăn đâu thì tìm không thấy để lẫn chỗ nào. Ai ở xóm Mới cũng bảo đấy là Huệ Ni hiện về bán hàng xén. Người xóm Mới thì không bị gặp nhưng khách qua đường thì rất hay gặp và mua.
Từ xưa đến nay em đi đâu, cứ nhìn thấy bán khăn tay thêu thùa hoa lá, lại nhớ chuyện này, em chưa một lần dám mua.
Lời nguyền của Huệ Ni đã thấm vào vùng đất này, nơi đây con gái sinh ra thì thường rất đẹp, hoặc rất giỏi giang và rất thành đạt, sẽ có những câu chuyện về sau nói đến chuyện này. Nhưng đặc biệt con trai, đàn ông khu này thì rất kém, hoặc ốm chết, chết tai nạn, chết trẻ, tâm thần, nghiện… hoặc chẳng làm nên sự nghiệp mặc dù có những người tài năng rất lớn, rồi cũng khốn khó mà thôi (chuyện thằng Q nhưng để em xin phép nó đã, nó là một đứa đáng tôn trọng). Vùng đất quỷ ám đàn ông.

Lời bình: Một người sinh ra đã thiếu khuyết tình thương yêu của cha mẹ (là con của bà mẹ đơn thân), lớn lên có nhan sắc lộng lẫy, bị phụ tình bởi định kiến (con hoang?), muốn yên lòng nơi cửa phật nhưng vẫn không yên vì trần duyên chưa dứt, muốn sống bình thường với đứa con tư sinh thì tai họa ập đến, ý chí mạnh mẽ vượt lên, cuộc sống đơn côi buồn tẻ, gá nghĩa với người đàn ông thấp kém mọi mặt, ai ngờ đến người đàn ông như vậy mà cũng nỡ bội bạc cô, cuối cùng Cô sống trong cảnh đơn chiếc và chết rất trẻ khi bạo bệnh, lúc lìa đời chẳng người thân thích, mệnh số cô sao tối tăm bạc bẽo vậy? Trong tột cùng đau khổ Cô đã nguyền rủa đàn ông, nguyền rủa mảnh đất này… (Ai có gia đình xin đừng phá vỡ, ai có con cái đừng để chúng phải thiếu vắng mẹ hoặc cha, chúng phải lớn lên khổ sở lắm).

Chuyện này, có lần em ngồi uống trà với thày giáo dạy văn hồi cấp 3 – sau khi thày đã nghỉ hưu (một nhà giáo ưu tú rất nổi tiếng), em kể chuyện, mắt thày sáng rực thày bảo: “truyện này tốt, con có muốn đăng không? sẽ phải sửa đôi chút kết cục cho nhân văn hơn thì sẽ có tạp chí nhận đăng bài đấy”
Em cười: Thày ơi, kiếp nhân sinh bao chuyện cay đắng, sự thật thế sửa làm gì ạ?.
Thày bảo: Giờ thày nhớ ra, con ngày xưa học thiên về toán, con học văn chỉ ở mức khá sao lại có giải thưởng báo Hoa học trò báo theo địa chỉ về trường lớp mình, thày vẫn thắc mắc, giờ thì hiểu rồi. Chuyện này buồn cho số phận cô Huệ, nhưng hơn hết tất cả đó là nghị lực sống của cô ấy tuy mạnh mẽ song vẫn chưa đủ, sống là vượt lên mọi ngang trái đau khổ, cho tròn một kiếp, sinh ra là con người phải cống hiến và hưởng thụ mọi thứ con ạ.
– Dạ thày, con ghi nhớ.

Theo yêu cầu của quá nhiều Offer phải bật mí trước: Lời nguyền được tạm xoa dịu trong một chuyện khác, chuyện về một cậu tài năng lớn gặp rủi ro ngay từ khi còn trẻ.

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận