Đạo sĩ tản mạn kì – Ám ảnh mỗi khi về quê
Chuyện thứ mười : Gửi xương tàn nơi đất khách
Sau những cái chết, cả làng đâu đâu cũng là khăn tang, dân quê hoang mang cực độ thì ông K về. Đợt này về, nhìn ông K yếu hơn trước nhiều lắm, một người chân đi mòn cả Trung Quốc, lang bạt đến cả những khu tự trị xa xôi giờ chỉ còn là một ông già râu tóc bạc phơ, chống gậy lọc cọc. Ngay cả túi đồ nghề phù thủy của ông, ông cũng không mang được nữa, phải nhờ một bác xách hộ. Ngay từ lúc đặt chân đến đầu làng, ông K đã đứng khựng lại, ông bảo cụ D đi cùng : “Khiếp quá ông ạ! Khiếp quá! Sau mà làng ta nó ngập ngụa toàn là yêu khí thế này!”, nói đoạn, ông rút trong túi ra một nắm bùa, bảo hai anh thanh niên đi cùng đem dán ở những ngã ba, cầu, dốc trong làng. Rồi ông quay sang bảo bác D làm hậu cần đem cơm trắng, muối, ra rắc ở những chỗ có bùa, rắc đến chỗ nào thì đốt tiền vàng rồi khấn cô hồn đến đấy, ngày hôm đó, chỉ riêng chỗ tiền vàng đốt trên đường như vậy cũng phải đến hai thúng.
Vào trong làng, người nhà của những người chết vừa thấy ông K thì lại òa khóc, họ khóc không phải vì ông K về muộn, họ khóc là vì nhìn ông xanh xao quá, ông ốm quá mà vẫn lọ mọ về đây. Từ lúc nào, vị trí của ông K trong lòng dân làng không còn đơn thuần là một ông thầy phù thủy tài phép nữa mà còn là chỗ dựa tinh thần cho họ mỗi khi làng có biến cố. Ông K vội an ủi mọi người rồi đi nhanh lên đình, nơi các cụ bô lão đang họp, nhưng vì ông vốn không phải là dân gốc Việt nên không dám vào vội, ông đứng xin đài trước cổng đình ba đài, rồi ông mới dám vào. Sau khi ổn định xong, ông K lên tiếng :
– Mọi tai họa làng ta đều bắt đầu từ cái đợt kĩ sư vào đào xới trong núi Cô Yêu, làm động đến nhiều thứ. Tôi bấm độn và xin quẻ thì biết được rằng trên đó vốn chứa rất nhiều vàng bạc, châu báu do địa chủ chôn dấu nhiều đời. Người yểm cái kho báu này cũng là một thầy pháp gốc Hoa như tôi, lại là người của gia tộc Vương bên Tứ Xuyên, cùng đứng vào hàng Thiên Đẳng như tôi. Nhà này và nhà tôi vốn là đối thủ với nhau từ bao đời trước, nên cách yểm của ông này gần như là khắc chế phép của tôi nên tôi cũng không chắc có giải được cái hạn này cho làng không.
Tất cả những người ngồi trong đình nghe đến đây thì đều sợ đến run người, ông K đã thuộc vào hàng phù thủy cao tay như thế mà còn kêu khó thì bây giờ biết trông vào ai. Bỗng cụ H đứng lên, hỏi: ” Thế ông thử kể tường tận xem cái phép đó nó làm sao, muốn giải thì còn cần những gì, xin ông cố cứu cho làng!”
Ông K đáp:” Phép của tôi không giải được nhưng phép của ông L lại giải được. Vì nghề phù thủy tuy chung nguồn nhưng lại có nhiều dòng, dòng này lại khắc được dòng kia. Nhưng mà ông L chết rồi, lại chẳng có người nối nghề nên thật là hết cách.”. Bất chợt, cụ H kêu : “Thế thì còn cách! Hồi trước lúc tôi cùng đám thanh niên dọn đống cháy nhà lão L thì thấy được quyển sách bùa phép của lão, tôi sợ đem ra ngoài để ai đọc được thì gây vạ nên khóa lại cất ngày trong đình này! Cơ mà dùng sách thì được không ông!”. Ông K mắt sáng lên, mừng rỡ :” Được chứ cụ, tốt quá, tốt quá!” . Thế là cụ H hồ hởi, kéo lê từ trong gầm ban thờ ra một cái hộp phủ đầy bụi, rồi cụ lấy một chiếc chia khóa đeo trên cổ ra, mở khóa hòm. Trong hòm là một quyển sách cũ, giấy đã ngả vàng. Ông K nhẹ nhàng lần mở từng trang sách ra xem, vừa xem ông vừa rùng mình, toát mồ hôi. Xem xong, ông nói :” Tôi thật không ngờ bùa chú Nam tông lại có dòng độc ác thế này, ông L dùng phép này thì bảo sao mà chẳng gặp đại họa!”
Thế là ngay chiều hôm đó, ông K và các cụ bô lão, thanh niên trong làng vào cả trong núi Cô Yêu để lập đàn giải tội. Trước khi đi, ông đã kén kĩ người vào trong toàn là người tuổi Thân, Ngọ, Tỵ, Hợi, dặn trước là vào thấy gì cũng phải mặc kệ, không ai được cười nói, chỉ trỏ, nghe thấy tiếng ai gọi cũng không được thưa. Đến tầm 9h tối, đàn đã lập xong, ông K mặc áo bào đạo sĩ màu vàng nghệ, đầu đội một cái mũ lông hạc, tay cầm kiếm thép lên đàn làm lễ. Đầu tiên, ông khấn một tràng dài bằng tiếng Miên rồi hú lên một tiếng, múa may trên đàn y như người điên, rồi lại khấn một tràng toàn tiếng Tạng, tiếng Mông, tiếng Chà, vừa khấn ông vừa phun rượu phì phì ra xung quanh. Cuối cùng ông vốc một nắm đỗ, ném về phía trước, khấn : ” Oan có đầu nợ có chủ, cớ sao lại làm hại sinh linh vô tội. Lục đinh lục giáp nghe ta, muôn ngàn ngọn lửa bắn lên cung Nam Tào!” Rôi ông trỏ thăng kiếm lên không, ông vừa dứt lời thì đám đỗ dưới đất tóe lửa, nổ đôm đốp như pháo. Bỗng nhiên, từ trong núi vọng ra tiếng con gái khóc lóc nỉ non ai oán, rồi lại có tiếng gầm vang trời như hổ, rồi lại tiếng gào thét chói tai. Ai nghe cũng bủn rủn cả chân tay, ông K quát : “Tất cả đứng yên, coi như không nghe thấy gì. Rồi ông lại khấn tiếp :” Phong Hỏa Lôi Điện! Giải giải giải!”, rồi ông cắm ngập cây kiếm xuống đất thì tiếng gào thét dứt, thay vào đó là tiếng van vỉ, than thở. Ông K đốt một lá bùa, bắt quyết rồi ném luôn vào cái hình nhân, hình nhân bốc cháy rừng rực. Tiếng than khóc cũng tiệt. Ông K liền bảo mọi người đi thành tốp tám người, vừa đi vừa rắc gạo nếp với muối, bao giờ rắc hết thì về đây. Được chừng một tiếng sau thì mọi người về, ông K bảo mọi người đắp đất chôn cái kiếm kia rồi làm cái mộ giả, hàng năm đến ngày lễ tết, Vu Lan thì ra thắp hương khấn vái là được, nhưng tuyệt đối không ai được đào xới, động chạm gì đến nữa, có việc gì mà phải đi qua núi thì lên thắp hương, cũng bái chút rồi hãy đi, có khi lại được lợi.
Nhưng kể từ hồi trấn yểm xong cho làng em thì ông K lại càng ngày càng yếu đi. Đem lên bệnh viện tuyến trên thì bác sĩ bảo do ông tuổi đã cao quá, lại chịu nhiều khổ cực từ trẻ, dạo gần đây thì lo nghĩ quá nhiều nên giờ cơ thể không chịu được nữa. Ông K lại ốm, nhưng chỉ mấy nằm viện thì ông K lại khỏe mạnh rồi xuất viện như chưa từng có bệnh gì xảy ra. Về làng, nhìn ông da đỏ au, mắt sáng tinh anh, đi lại nhanh nhẹn, giọng nói sang sảng, khỏe như thanh niên thì ai cũng mừng, nhưng chỉ có những người cao tuổi là thấy hồ nghi điều gì đó, dường như họ biết có chuyện sắp xảy ra. Lần này về, ông K đi thăm hỏi tất cả các nhà trong làng, đến nhà nào ông cũng cho ý kiến về việc trong tương lai, nào là cái hướng này tốt, nên để mùng sáu tháng sau thì đổi lại hướng cổng, tháng 8 năm nay có ngày hai ba là tốt, cưới gả vào ngày này thì tuyệt, có nhà thì ông lại gay gắt phản đối, bảo năm nay nhà này không nên xây nhà, nhà kia không nên cải táng,… dân làng thấy lạ nhưng ai cũng tin tưởng, nể vì ông nên nghe theo. Được tầm hai tuần thì ông K lại đổ bệnh nặng, dân làng đến nhà ông thăm hỏi rất đông, ngồi chật kín nhà. Trước lúc lâm chung, ông K lại dặn dò mọi người lại một lượt, năm này phải tránh cái này, năm nọ phải tránh cái kia.Rồi ông dặn dò chuyện hậu sự của mình :
-Tôi phiêu bạt cả đời, về đến đây dừng chân, các ông các bà chẳng kì thị tôi khác giống mà lại đối sử với tôi hết lòng, thật đây như là quê hương thứ hai của tôi vậy. Sau khi tôi chết, làng hãy hỏa táng tôi rồi đem chôn ở góc phía nam của núi Chàng Sinh. Tiền lo liệu hậu sự, tôi đã chuẩn bị từ lâu, để trong cái hộp gỗ dưới gầm giường, tôi tính lo xong chắc cũng còn nhiều, được bao nhiêu thì làng gửi thẳng cho tôi vào công quỹ, mỗi năm lấy ra một phần làm phần thưởng cho các cháu học giỏi.
Rồi ông lại nhìn quanh, hỏi:
-Thế chú H chưa về hả?
(Chú H ở đây chính là bố em, bố em lúc này đã đi thoát ly được 5 năm, nghe tin ông H bệnh là bố em liền bắt tàu từ trong Nam về ngay, nhưng về đến quê thì không kịp nữa.)
Mọi người bảo ông là mai bố em sẽ về đến, ông phải khỏe để còn chờ bố em về. Ông K liền đưa ra một phong thư và bảo mọi người bao giờ bố em về thì đưa cho bố hộ ông. Nghỉ một lúc, ông K lại thều thào nói tiếp :
-Tôi thực rất quý quê ở đây nhưng àm tôi vẫn cứ là người Trung Quốc, ngày sau có ai sang bên đó thì xin đem xương cốt tôi về với, rồi lên Thiểm Tây, hỏi nhà họ Trương Thiết, rồi xin hộ tôi với ông trưởng tộc là ông cho đứa bất hiếu là Trương Thiết Trấn về đất của dòng họ. Miếng đá này xin đưa cho người giúp tôi đem lên Thiểm Tây để làm tin. Còn viên ngọc trai đen trong cán kiếm của tôi thì xin tặng người đó để trả ơn.
Nói đoạn, ông rút miếng đã ra đưa cho cụ H, cụ H và dân làng khóc mà bảo ông không phải lo nhiều, dân làng sẽ cố hết sức để đưa ông về quê cha đất tổ.Ông K gật gật đầu rồi mỉm cười mãn nguyện. Rồi ông bắt đầu hát, ông hát bằng tiếng Trung, mọi người nghe không hiểu gì nhưng nghe âm điệu thì đó có vẻ như là một bài tình ca của dân tộc thiểu số Trung Quốc, nhưng không ai biết là ông hát cho ai. Ông K cứ hát ngân nga, ngân nga rồi khóc,lần đầu tiên mọi người mới thấy ông khóc, ông hát xong thì cố chút sức tàn nói mấy câu toàn tiếng Trung, rồi ông mất. Có vài người ở đó hiểu võ vẽ chút tiếng Trung, nói đó là ông đọc hai câu thơ : Yêu nhau từ lúc đầu xanh- Âm dương cách biệt chẳng phai duyên tình . Ông còn gọi tên một người, không dịch được nhưng chỉ nghe là : “Lian Lian”
Cuộc đời của một thầy pháp lừng danh đã kết thúc như vậy, nghề phù thủy đã đẩy ông K vào bao nhiêu sóng gió cuộc đời, giờ thì ông chết nơi đất khách quê người, xung quanh không có lấy một người thân.
Chừng 5 năm sau thì có người bên Trung Quốc sang hỏi tin ông K, một ông già hơn 70 tuổi cứ lọ mọ đi từng nhà, hỏi bằng giọng tiếng Việt líu lơ xem có biết ai cũng có hình xăm trên tay như ông không, nhưng chẳng ai biết. Cuối cùng thì có một ông già sống cùng thời ông K nhận ra cái hình xăm này giống y hệt hình xăm trên tay ông K, chỉ khác là của ông K thì có chữ Thiên nhỏ ở mé trái còn của ông này thì chỉ có chữ Nhân, ông già kia mới hỏi có phải ông quen biết một người tên là Trương Thiết Trấn không. Ông gia người Hoa kia mừng rỡ trả lời đấy là anh ruột của ông, vì hồi trẻ bị gia đình từ mặt nên bỏ nhà đi, bây giờ bố mẹ ông đã qua đời lâu, ông lại làm trưởng họ nên muốn đi tìm anh về đoàn tụ. Hóa ra ông K còn có em trai, dân làng nghe tin người nhà ông K đến thì đổ xô đến xem, đến chiều thì ông này được dẫn lên quả núi có một ông K. Đến chân núi, ông này tự nhiên quỳ xuống rồi vừa bò vừa khóc lên chỗ mộ ông K, dân làng và con cháu ông vào cản thì ông gạt hết ra, cứ thế bò lên núi, tay trầy bật cả máu vẫn không chịu dừng. Sáng hôm sau, ông xuống làng xin mọi người cho ông đem hài cốt anh mình về quê, muốn bao nhiêu tiền ông cũng giả, rồi ông lấy ra hai va ly toàn tiền đô, ít cũng phải vài chục ngàn. Nhưng các cụ trong làng không nhận đồng nào, lại dẫn ông đến nhà cụ H nhận lại những đồ hồi trước của ông K. Cụ H giờ đã yếu lắm rồi, chỉ toàn nằm một chỗ, nghe có em ông K đến thì cụ liền ngồi dậy nhưng không được, cụ bảo con cháu khuân cái hòm trên gác xuống trao lại cho ông cụ, rồi cụ H lấy từ trong cái túi gấm đeo bên hông ra cái mảnh đã của ông K. Ông già kia nhận lại mảnh đá, rưng rưng nước mắt, ông cũng lấy trên cổ ra một mảnh đã như vậy, nhưng đối xứng với mảnh đã của ông K. Rồi ông khớp hai mảnh đá lại với nhau, thì ra hải mảnh đá ghép lại sẽ thành hình Âm Dương Bát Quái, ông K giữ mảnh Càn còn em ông giữ mảnh Khôn. Sau đó, ông già kia mới kể lại lai lịch của ông K cho mọi người nghe, những quãng đời phiêu bạt của ông K thế nào thì ông không biết. Giờ mọi người mới rõ là ông K có xuất thân kì bì đến vậy, còn ông già này tên là Trương Thiết Bách, lúc ông K bị đuổi đi thì ông mới có 5 tuổi. Sau đó, ông Bách còn ở lại làng chơi mấy ngày rồi mới về nước, trước khi về ông lưu lại địa chỉ và số điện thoại, số Fax, số điện báo của ông cho các cụ. Ông bảo ông xem làng này có oán khí cứ vương vẩn không tan, sớm muộn cũng có chuyện. Nếu có chuyện gì thì cứ liên lạc, tự khắc có người đến giúp. Dân làng nghe sắp có chuyện thì kinh hãi, lo lắng không biết trời còn giáng thêm tai hạ gì xuống cái làng nhỏ bé này nữa. Nhưng lần này thì không biết ai sẽ đứng ra chống đỡ cho làng. Lần này thì chuyện đã dậy dưa đến cả đời em, và cũng qua đó mà em quen một người bạn thần bí vô cùng