Home Truyện Ma Thành Viên Ma Giấu – Tác Giả tieu van

Ma Giấu – Tác Giả tieu van

Hồi đó, lúc mẹ còn nhỏ, ở quê mẹ có anh Luân làm nghề chăn trâu. Anh hiền và vui vẻ, vẫn thường hay đi lụm trứng cúm núm, cà cuốc ngoài bưng về cho những đứa trẻ trong làng. Anh tốt lăm, ai cũng thương. Có bữa đó, anh thả trâu ngoài đồng cho nó ăn cỏ như mọi khi, anh thì đi lại phía bờ mương vò bi đất để làm đạn bắn chim. Buổi trưa, anh lùa trâu ra rạch tắm, xong rồi lại lùa lên đồng cho ăn thúc để ít bữa nữa là vào vụ cày. Mấy con trâu của anh rất khôn, bốn con luôn gắn bó cùng nhau, con nghé thì hiển nhiên theo đuôi mẹ nên không bao giờ bị lạc. Luân rất rảnh với đàn trâu, anh có thể thong thả mà vò bi đất, đặt bẫy cò ke, bẫy mỗ…hay mò cá tép lúc nước ròng. Bữa nào về, khi thì con quốc, khi thì cò ma hay xâu cá…nên nhà anh không khi nào cực ăn, thậm chí anh còn cho hàng xóm.

Lúc bấy giờ xóm ấp còn lơ thơ, bốn bề cây cỏ um cả lên, chim cá thiếu gì vì thế mà người ta hay nói câu “Chim trời cá nước”. Nhưng hôm ấy, trâu đã về chuồng, con nào con nấy no cành hông mà chẳng thấy anh Luân về. Cũng không có gì lạ, anh ấy vẫn thường hay như vậy. Nhưng lúc đã chạng vạng rồi, muỗi đã vo ve, mấy con dơi chuột từ trong vách, từ đọt chuối đã lạch cạch bay ra. Luân vẫn chưa về. Cả nhà đã sốt ruột, ngồi đứng không yên. Ở đây không có beo hùm để bắt mất anh nhưng lại có con ma bắt anh!

Ông Tư, cha anh Luân đã bắt đầu chửi thề, chửi đổng, rồi chửi ảnh. Ông hy vọng ảnh lêu lỏng đâu đó chứ không phải bị ma trêu. Cả nhà muốn điếc tai nhưng vẫn chưa thấy Luân về. Rồi cả nhà bắt đầu túa ra đi kiếm Luân. Mỗi người 2 bó đuốc lá dừa buộc chặt, một bó đốt sáng, một bó dự trữ. Họ đi, Ông Tư và chị Ngọc, chị của anh Luân, đi về hướng đồng dưới; bà Tư và thằng Út về xóm trên. Mới đầu chỉ có bấy nhiêu nhưng tới nhà ai người ta cũng đi tìm giúp. Đuốc đã lóm đóm ngoài đồng, người ta hẹn nhau khi nào gặp Luân thì quơ quơ ngọn đuốc hình vòng tròn nhiều lần làm hiệu báo cho mọi người biết đã tìm gặp. Họ đi khắp xóm, họ xuống tận biền, ra tận thềm mả lạng, nhưng chẳng có vòng tròn lửa nào được vạch lên. Đã về khuya, nhiều người tìm không thấy đã bỏ về rồi. Ông Tư và bà Tư cùng một vài người bà con nữa họp lại khẳng định là ma giấu thằng Luân chứ chẳng đâu, nó không bao giờ ra khỏi xóm này được. Ông bà thường nói hễ ma nó giấu thì dầu có ngay trước mặt thì cũng không nhìn thấy, trừ người nặng bóng vía và chó mực. Mà những người nặng bóng vía tức những người sợ ma, không ngại khi qua mả một mình thì xóm này không ít nhưng vẫn không nhìn thấy Luân. Chỉ còn hy vọng ở ánh mắt và tiếng sủa của con mực làm ma sợ bỏ đi mới cứu được thằng Luân. Ông Tư suy nghĩ rồi trở về dẫn con mực theo, ông nhờ thêm con mực của nhà chú Năm nữa. Hai con mực tự dưng bị người ta đưa ra ngoài nên sủa vang. Ông Tư nghi nhất là gò mả lạng, thúc chó sủa vang nhưng không thấy. Rồi ông dẫn hai con chó xuống bãi lá, chỗ này ông đi rồi nhưng khi nảy ông cứ thấy rờn rợn mà tìm không ra. Chó sủa vang, đuốc sáng ngời và toả khói mù. Những giọt sương đang âu yếm trên mặt lá như bị đánh thức cứ lấp lánh lên rồi lăn tuột đi khi có chân người va chạm. chó sủa dữ và hăng về phía mương lạng. Mọi người về phía đó, ngay cạnh bờ lức có tiếng động khẽ, chó sủa hăng tiết và vồ vồ vào bụi lức già. Ông Tư chạy nhanh lại rọi đuốc vào. “Thằng Luân!”, ông hét nghẹn, thằng Út cầm ngọn đuốc cho ông. Ông dùng tay dẹt thân lức cứng lôi anh Luân ra, anh chỉ ứ ứ nhưng không nói được, mình mẩy miệng mồm đầy đất. Ông Tư ôm ngang hông anh xốc xốc xuống rồi dùng tay móc đất trong miệng anh ra. Ông cõng anh về nhà, mọi người cùng về, hai con chó đã bớt sủa vì nhận ra người quen. Thật đáng sợ, bụi lức dày thế kia mà nhét gọn anh Luân vào, chỗ ấy đã ba bốn lượt người qua nhưng không thấy được. Ai cũng rùng mình.

Anh Luân sau khi về nhà đã hoàn hồn trở lại, anh khóc nấc lên vì sợ. Người ta hỏi tại sao anh ăn đất và lại chui vào bụi lức kia làm gì. Anh sợ sệt, khóc và kể rằng: hồi xế chiều anh đi thăm bẫy được hai con quốc rồi buộc chân nó để trên mé bờ rồi leo lên cây bần lấy tổ chim nhưng tổ chim mới làm nên không có trứng, anh thấy mấy trái bần chín ngoài rìa cành thèm quá nên đu mình ra hái. Hái được năm trái, anh ở trên cây ăn ngay một trái, còn bốn trái đem về định cho chị Hai và thằng Út. Anh rề rề một hồi lâu rồi mới tuột xuống. Cầm hai con quốc lên định ra đồng lùa bầy trâu về thì gặp một chị lạ lạ bán bánh bò đi ngang, chị bảo chị ở xóm bên qua đây bán bánh nhưng chiều rồi mà còn nhiều quá. Bánh ế nên chị cho anh Luân ăn và xin Luân một con quốc về cho nhà. Vốn thảo ăn, anh liền cho chị một con quốc, anh cũng định ăn một vài cái bánh của chị để lấy thảo làm quen. Anh bỏ bánh vào miệng nhai cũng có vị ngon ngon nhưng khi nuốt lại không trôi… Một cái bánh nữa tới miệng anh nhưng anh không từ chối được, đẩy ra nuốt vào cũng không được, cứ thế miệng anh ngoạm thêm mấy cái bánh bò. Anh không biết gì nữa. Anh chỉ nhớ là anh ăn bánh bò ngay dưới gốc bần ngoài biền cách bãi lá hơn chục công đất. Thế mà anh lại bị giấu ngay trong bụi lức ven bãi lá. Anh còn bảo lúc khuya anh có nghe tiếng mọi người gọi nhưng không tài nào trả lời được cho tới lúc chó sủa vang mới ự ẹ được bằng mũi và lúc ấy anh cảm thấy đau buốt bởi những cây lức kẹp mình.

Sáng hôm sau ông Tư ra bãi lá xem thử thì thấy bụi lực kia vẫn bình thường nhưng xung quanh thì nham nhở dấu chân người. Dưới mương lạng thì còn lại chùm lông con quốc còn mới tinh. Ông lại đi ra biền, nơi có gốc bần anh Luân trèo bẻ trái hồi chiều hôm qua. Bốn trái bần vẫn nằm lăn trên mặt đất. Con quốc bị buộc chân vẫn nằm giãy giụa bên đám cỏ. Ông Tư thương tình tháo dây thả nó. Nhưng đôi chân nhỏ như hai que tăm tụ máu không giúp nó chạy rúc vào bụi rậm lúc gặp người như mọi khi. Ông Tư đành đưa nó về nhà dưỡng thương. Từ đó anh Luân chẳng bao giờ bẫy chim nữa. Cũng chẳng bao giờ thấy anh đi đêm một mình như hồi trước.

Từ lúc nghe xong chuyện này tôi rất sợ ma, sợ rừng, không bao giờ tôi dám đi một mình ban đêm hay đi một mình vào rừng mặc dù rừng quê tôi nhỏ xíu và có nhiều người sống ở ven đó.

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận