Home Truyện Ma Thành Viên Quê nội : Những năm tháng không yên bình – Tác Giả Trung Kiên

Quê nội : Những năm tháng không yên bình – Tác Giả Trung Kiên

Chap 4: Đứa trẻ đêm đông
Hồi ấy là sau giải phóng, khoảng những năm 80… Năm ấy là một năm có mùa đông rét mướt kéo dài ở miền bắc. Từng cơn gió bắc rít qua khe cửa những mái nhà tranh của ngôi làng nhỏ xơ xác. Vào một đêm đông tháng 12 , ở quê người ta đi ngủ sớm lắm, ban đêm cả một vùng quê nhỏ nằm im lìm với núi rừng, ban đêm không có ánh đèn, không có ánh sáng. Bóng tối như một nỗi sợ vô hình đối với người dân quê tôi. Ông B và ông S là 2 người sinh sống trong làng và là đôi bạn lớn lên với nhau từ nhỏ , cũng là hàng xóm của nhau. Đêm đó đang ngủ say, ông B nghe thấy tiếng chó sủa đàn ngoài con đường mòn trước cổng nhà, cách cổng nhà ông khoảng chục mét là cái luỹ tre to lắm. Luỹ tre này trước đây vốn đã xảy ra nhiều chuyện kì dị trong làng. Ông B mặc kệ chẳng quan tâm, vốn là nửa đêm, chuyện chó sủa thì cũng kệ , đã thế cái xứ này ma cỏ nhiều, ông chẳng muốn ra xem. Nhưng đàn chó hoang ở đâu có vẻ khá đông, chúng tru lên, chúng sủa, chúng cắn nhau ầm ĩ bên phía luỹ tre già như đang tranh đấu giành giật cái gì đó. Chó sủa nhiều làm cả xóm quê thức dậy. Ông B nằm trong giường lâu không chịu được chạy sang nhà ông S gõ cửa, ông S cũng đã dậy rồi, nhà ông bị tiếng chó tru đánh thức, giữa đêm đông lạnh giá này mà đàn chó ở đâu kéo về cắn nhau, tru lên từng hồi thê lương vang vọng cả núi đồi.
…Cộc cộc cộc
“Ông S ơi, mở cửa…. tôi với ông ra đầu đường xem có chuyện gì mà chó cắn ghê quá”
Ông S còn ngái ngủ mở cửa ra, tay ông cầm cái gậy lim dài, tay kia cầm đèn pin, có lẽ ông cũng định ra cửa xem xét tình hình. Các nhà khác cũng có động tĩnh nhưng không thấy ai đi ra xem. Chỉ có 2 ông bạn là cũng nhau ra ngoài xem thử. Ông B và ông S đi sát vào nhau, gió đêm thổi lạnh từng cơn, ông B tay lăm lăm cầm con rựa lúc đi sang nhà ông S ông cầm vội ở bếp, nép sát vào ông S. Đi đến đầu đường , còn cách luỹ tre khoảng chục mét, 2 ông thấy một đàn chó hoang khoảng chục con, con nào con nấy dữ tợn mắt sáng rực quét theo ánh đèn pin phản chiếu. Không biết lũ chó này từ đâu kéo về đây, chúng không phải chó của xóm này, trông nhu chó sói, con thì ghẻ lở, con thì cụt đuôi, nhe hàm răng nhọn ra gầm gừ khi thấy 2 con người lầm lũi đi tới. Chúng đang bu lại tranh nhau ăn một cái bọc gì đó, một cục vải tròn tròn quấn đặt dưới gốc bụi tre. Chúng xâu xé và sủa giữ tợn, nhìn thấy đàn chó đông và hung hãn, 2 ông chẳng dám lao vào. Ông này nhìn ông kia để xem xử lí ra sao, ông S cúi xuống nhặt lấy mấy viên gạch vụn dưới chân mà đáp tới, vừa đáp ông vừa đuổi
“Xuỳ xuỳ.. cút .. cút mau.. chó má ở đâu .. xuỳ xuỳ”
Ông B thấy vậy cũng hùa theo, khua chân múa tay lên mà doạ, ông lia ánh đèn pin và nhặt gạch đá đáp vào lũ chó. Lũ chó trúng gạch được phen hoảng sợ , con thì bị đáp trúng người trúng đầu, con quay lại nhe nanh gầm gừ doạ dẫm, con thì bị doạ cho sủa ăng ẳng, chúng tru lên rồi kéo nhau chạy tót đi ra phía đầu làng, bỏ lại cái cục gì đó chúng đang xâu xé .Có con liếm mép mồm vẫn đỏ loe ngoảnh đầu nhìn lại cái bọc ăn dở tỏ vẻ tiếc nuối lắm. Đàn chó hoang bị đuổi đi, 2 ông soi đèn vào gốc cây thấy một đống vải và quần áo lộn xộn bị đàn chó xé rách, giữa đống vải rách bươm bê bết máu me. Cả 2 sợ lắm nhưng cũng tò mò, 2 ông kéo nhau lại gốc bụi tre xem xét , khi ánh dèn pin vừa lướt qua thì một cơn gió thổi mạnh làm ông B run bần bật… ông lắp bắp nói
“Ông S, ông nhìn xem cái gì… tôi sợ máu me lắm “
Ông S căng mắt nhìn theo ánh đèn và kinh hoàng kêu lên….. dưới gốc bụi tre, một đống quân áo cũ rát nát, một đống thịt đỏ quấn trong cái chăn, đống thịt bé xíu bị xé rời vài bộ phận nhưng có thể nhìn ra được cái đầu một em bé. Lũ chó đã xâu xé gần hết cái xác đứa trẻ này, không biết em bé bị chúng xé xác từ lúc còn sống hay đã chết, lũ chó cắn sủa đã lâu lắm rồi, khoảng vài tiếng. Đứa bé này ở đâu ? Cha mẹ nó đâu sao lại để xảy ra cơ sự như thế này? Ông B đứng cạnh ông S mặt tái nhợt đi, chắp tay mà lẩm bẩm
“Trơi đất ơi.. con nam mô a di đà phật.”
Thời buổi còn chiến tranh loạn lạc, đời sống khó khăn, nơi rừng núi này lại xảy ra cái chuyện kinh hoàng đến vậy sao. Lũ chó hoang từ đâu kéo đến xé xác ăn thịt đứa trẻ ngay đầu cổng nhà các ông. Đứa bé tan nát chỉ còn lại một đống máu me be bét đến tội nghiệp. 2 ông bàn nhau sẽ không đánh động ai cả kể cả người nhà để tránh phiền phức và gây ghê sợ cho miền quê này. Họ lấy một cái chiếu manh, nhẹ nhàng gói em bé và đống quần áo, chăn quấn lại. Thời đó khó khăn làm gì tìm ra tiểu sành lúc này. Hai ông nhẹ nhàng đi trong đêm, người cầm cuốc, người cầm xẻng, lên ven đồi chỗ ngĩa địa làng mà gói gém em bé vào manh chiếu đó. Đấy đồi đá đỏ, lưỡi cuốc bổ xuống toé lửa mà không bới được lên bao nhiêu. Phải hì hục một lúc thì hai ông mới đào được một cái hố nhỏ, Ông B cẩn thận đặt em bé xuống hố chôn và nhẹ nhàng lấp đất. Ông thở dài thương sót số phận của hài nhi này. Không biết lọt lòng bao lâu , vì sao bị bỏ rơi nơi đây rồi làm mồi cho lũ chó dữ. Chôn xong hài nhi bé nhỏ, 2 ông thắp hương cho cái nấm nhỏ đó rồi lặng lẽ ra về trên con đường dẫn xuống đồi vào làng. Cả 2 im lặng rồi tự nói với nhau chuyện này sống để bụng , chết mang theo. Lâu lâu 2 ông thi thoảng lại lên cái nấm mộ nhỏ đó thắp hương cho hài nhi bé nhỏ, quan tâm nó như một thành viên trong gia đình, coi như là làm phúc.
Bẵng cái mà bao nhiêu năm qua đi ,ngày hôm đó là ngày ông B mất… ông S thì mất trước ông B một năm rồi , ông B mất cũng là vào một ngày mùa đông mùa đông. Sau 2 ngày làm thủ tục thì đến buổi trưa đưa ông B ra đồng. Ngày hôm đó trong lúc tang gia, bà thầy cúng trong làng có dặn lại với gia đình ông B là
“Trưa nay đưa bố các anh các chị ra đồng, cô M là con gái út không được đi theo. Tuyệt đối không cho cái M đi ra khỏi nhà đâu đấy”
Ai cũng thấy làm lạ, đưa tiễn bố mà lại không cho đi theo, rồi lúc tang gia bối rối chẳng ai để ý đến lời bà thầy cúng nữa, cô M vẫn theo xe tang cha mà than khóc đi đưa tiễn, bà thầy lắc đầu ra về. Xe tang đi được một đoạn vừa đi khỏi cửa nhà thì dừng lại kẹt phải biên gạch chỗ gốc bụi tre trước cửa, mọi người đang lấy vien gạch ra thì bỗng cô M nằm vật ra đất sùi bọt mép. 2 mắt cô M trợn lên giãy đành đạch dưới bánh xe rồng, mọi người tưởng cô khóc thương cha quá độ đến ngất xỉu nhưng không, cô M vặn vẹo, giãy giụa rồi cười lên the thé, anh em và hàng xóm thấy vậy ai cũng sợ xanh mặt mà không dám vào nhấc cô M lên. Cô M dãy một lát xong bỗng ngồi khoanh chân lại , cô M khóc mà thét lên
“Tao đâyy…. tao đâyyyyy… tao đâyyy.. huhuhu”
Cô M khóc như một đứa trẻ , mồm cô
Mếu máo, khóc bằng cái giọng của đứa trẻ con, cả đám tang náo loạn, bà thầy cúng chạy tới lắc đầu
“Đã nói rồi mà còn không nghe”
Bà thầy đứng đó chắp tay hỏi
“Cho hỏi vong này là vong con nhà ai, sao cả đám tang cứ bò ngoài sân đợi đón ông B đi”
Thì ra bà thầy đã nhìn thấy có điều kì lạ, lại thấy vong nhi này muốn ốp vào cô M nên dặn cô M không được theo.
Vong nhi ốp vào cô M lúc này mới khóc huhu, vừa khóc vừa kể lể bằng cái giọng trẻ con lí nhí
“Tao đây… tao là cái đứa trẻ năm đó bị chó ăn rồi được bố chúng mày mang đi chôn cất. Nay tao về đón ông đi, tao phù hộ cho nhà chung mày mấy chục năm mà không ai biết đi tìm, giờ ông cũng đi rồi tao báo tao kể cho chúng mày nghe mà thờ cúng…. huhuhu”
Rồi cô M cứ nhắm mắt kể lại câu chuyện đêm đông cách đấy mấy chục năm, đêm đông xảy ra câu chuyện đau lòng đó, cả đám tang ai cũng khóc lóc xót thương và cảm thấy tấm lòng tốt của ông S và ông B sao mà lớn quá. Bà thầy ngồi xuống nịnh vong nhi đó một hồi nó mới chịu ra, nó dặn từ giờ cúng nó như người trong nhà, nó sẽ phù hộ cho tai qua nạn khỏi. Đám tang lại tiếp tục diễn ra, cô M tỉnh lại và không hiểu có chuyện gì,phải đến khi mọi người kể lại cho mới hoảng hốt sợ hãi vì cô sợ ma lắm, hôm nay lại bị ma ốp. Đoàn người lại tiếp tục đưa ông B ra nghĩa địa, đám tang diễn ra suôn sẻ bình thường. Sau hồi ông B mất, từ đó nhà ông S, ông B vẫn thường lên đồi thờ cúng nấm mồ nhỏ đó như người trong gia đình của mình vậy, nhà 2 ông cũng thịnh vượng phất lên thấy rõ, là 2 nhà có điều kiện khấm khá nhất vùng này. Âu cũng là do việc làm phúc đức của hai ông được đền đáp. Câu chuyện kinh hoàng mà thương tâm đó cuối cùng cũng đến tai mọi người trong làng nhưng dần dần cũng nguôi đi vì cuộc sống bộn bề nhiều điều phải nghĩ tới hơn… câu chuyện đó cũng dần lắng xuống.

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận